0 

Thêm cảm hiểu võ công của tiền nhân

Nhà văn Phùng Văn Khai được biết đến với nhiều tiểu thuyết lịch sử như “Phùng Vương”, “Ngô Vương”, “Nam Đế Vạn Xuân”, “Triệu Vương phục quốc”, “Lý Đào Lang Vương”, “Lý Phật Tử định quốc”. “Trưng Nữ Vương” (NXB Văn học) là tiểu thuyết lịch sử mới nhất ra mắt bạn đọc.

Thêm cảm hiểu võ công của tiền nhân

Mỗi cuốn sách cần một điểm tựa và nền tảng của Trưng Nữ Vương chính là Phật giáo. Nhà văn đã dày công tìm hiểu lịch sử đến những nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo, cùng các đình, đền, chùa, những nơi thờ phụng và tôn vinh công trạng của Trưng Nữ Vương cùng các tướng để có thể có cái nhìn tổng quan hơn, đặc sắc hơn cho nhân vật của mình.

Mở đầu tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương”, tác giả đã có chủ ý soạn một bài ca theo thể song thất lục bát giống như một Chúc văn khái quát thân thế cuộc đời và sự nghiệp của Trưng Nữ Vương với những chiến công hiển hách lãnh đạo nhân dân đánh đổ ách đô hộ phương Bắc giành độc lập dân tộc. Chúc văn như một bản hùng ca với những sự kiện lịch sử trước, trong và sau công cuộc giành độc lập dân tộc của Hai Bà Trưng. Nhà văn cũng khai thác rất có hệ thống trên tinh thần một câu đối có thể nói rằng, tiêu biểu nhất trong hệ thống câu đối về Hai Bà Trưng hiện được đặt ở đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh, Hà Nội: “Đồng trụ chiết hoàn, Giao Lĩnh trĩ/Cẩm Khê doanh trạc, Hát Giang trường”. Tinh thần của đôi câu đối khẳng định sự độc lập bền vững và sự phát triển dài rộng của người phương Nam - Giao Chỉ - Giao Châu - An Nam - Đại Việt - Việt Nam trong nhiều nghìn năm lịch sử.

Trên tinh thần ấy, tiểu thuyết đã lý giải việc khơi nguồn quốc thống trước hết phải dựa vào sức mạnh của toàn dân. Đất Giao Chỉ khi dưới ách đô hộ của nhà Đông Hán đứng đầu là Thái thú Tô Định gồm 10 huyện: Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Uyên, Chu Diên đều là các vùng đất của Hùng Vương - quốc chủ của nhà nước Văn Lang lừng danh trong lịch sử. Nhà văn đã dựa vào các tư liệu lịch sử để xây dựng hệ thống nhân vật phần lớn đã được sử sách ghi lại và quen thuộc với đời sống văn hóa tinh thần, hiện nay đã được đặt các tên phố tên phường như: Lê Chân, Thánh Thiên, Nguyễn Tam Trinh, Hồ Đề… đã góp phần để bạn đọc có thêm sự cảm hiểu với các võ công, tính cách của các vị tướng của Trưng Nữ Vương.

Một trong những đặc sắc của “Trưng Nữ Vương” là tác giả đã miêu tả sâu sắc, kỹ lưỡng các lễ hội, tập tục cổ truyền của người Việt cổ còn cho đến hôm nay như các hội vật, hội đua thuyền, hội đánh đu, hội đánh cờ, hội chọi trâu,... Điều đó cho thấy, trong tâm thức và tâm linh người Việt, tinh thần sáng tạo và tinh thần độc lập đã có từ rất sớm.

LÂM NHƯ QUỲNH

Nguồn : https://nhandan.vn/them-cam-hieu-vo-cong-cua-tien-nhan-post756337.html