0 

Ra mắt "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô" của Diệp Thạch Đào

TTTĐ- Vào hồi 9h00 ngày 10/12 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, số 19 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, NXB Văn học phối hợp với Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường Đại học Quốc Lập Thành Công Đài Loan, Sở Văn hóa Thành phố Đài Nam giới thiệu ra mắt tập truyện ngắn "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô" của nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà văn Diệp Thạch Đào. 

 Diệp Thạch Đào (1/11/1925 - 11/12/2008) được ví như "ngọn hải đăng của văn học Đài Loan". Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Đài Nam, Đài Loan. Ông là nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học sử và là tiểu thuyết gia nổi tiếng của văn học đương đại Đài Loan.  

Thời kỳ khởi đầu văn nghiệp, ông viết bằng tiếng Nhật, sau này mới sáng tác bằng tiếng Hoa. Trong hơn 60 năm cầm bút, ông đã cho xuất bản hơn 100 cuốn sách bao gồm cả các sáng tác văn học và các công trình phê bình, nghiên cứu văn học. Trong đó có thể kể đến công trình quan trọng như Sử cương văn học Đài Loan, bộ lịch sử văn học Đài Loan đầu tiên do người Đài Loan biên soạn, hay những tác phẩm văn học tiêu biểu như Thánh mẫu tháng ba, Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô, Ngày nắng và ngày râm, Giày đỏ, Hậu duệ cuối cùng của tộc Chiraya, Người đàn ông Đài Loan tên Giản A Đào…
 
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời của nhà văn Diệp Thạch Đào đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho văn đàn Đài Loan, và cũng bởi vậy, năm 1999, ông đã vinh dự nhận được học vị Tiến sỹ danh dự do Trường Đại học Quốc lập Thành Công trao tặng. Ông đồng thời cũng liên tục nhận được nhiều giải thưởng văn học quan trọng như Giải thưởng phê bình văn học của Hội Văn học nghệ thuật Trung Hoa (1969), Giải thưởng bình luận văn học Vu Vĩnh Phúc lần thứ nhất (1980), Giải thưởng cống hiến trong lĩnh vực văn hóa của Thời báo Trung Quốc dành cho cuốn Sử cương văn học Đài Loan (1987), Giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực khoa học nhân văn của quỹ Đài Mỹ (TaiwaneseAmerican Foundation) (1991), Giải thưởng văn học Oxford của Đại học Aletheia (1998)… 
 
Chính bởi những thành quả to lớn mà nhà văn Diệp Thạch Đào đã tích lũy được nhờ tài năng văn chương thiên bẩm và nỗ lực sáng tác không ngừng nghỉ, giáo sư Bành Thụy Kim - người chủ biên bộ Toàn tập Diệp Thạch Đào tại Đài Loan - đã nhận định rằng: Nhà văn Diệp Thạch Đào cầm bút sáng tác là “để thắp sáng cho văn học Đài Loan vốn đang chìm trong bóng đêm”, “để mở đường cho văn học Đài Loan vốn đang gặp nhiều chông gai”. Thành tựu cả cuộc đời Diệp Thạch Đào đã biến “văn chương của Diệp Thạch Đào trở thành ngọn hải đăng của văn học Đài Loan”.
 
 "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô" là tập sách gồm tám truyện ngắn được ông viết trong ba giai đoạn sáng tác: thời trẻ, tuổi trung niên và những năm cuối đời. Đó là các tác phẩm: Thánh mẫu tháng ba, Lễ tế thánh mẫu trên trời được ra mắt bạn đọc Đài Loan vào năm 1949; các tác phẩm Chiếc vòng cổ hoa hồng, Dòng họ kiếm ăn, Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô được sáng tác từ năm 1966 đến năm 1968 và các tác phẩm Hậu duệ cuối cùng của tộc Chiraya, Hoa lay ơn và bột mỳ, Không hẹn mà gặp được viết trong những năm từ 1989 đến 1993. 
 
Trong lời giới thiệu cuốn sách, GS. Trần Ích Nguyên Khoa Văn học Trung Quốc, Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan  và TS. Nguyễn Thu Hiền Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội  cho biết: "Tuyển tập truyện ngắn với tên gọi Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô  là kết quả hợp tác giữa Khoa Văn học (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Khoa Văn học Trung Quốc (Trường Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan), với sự tài trợ của Sở Văn hóa thành phố Đài Nam. Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Diệp Thạch Đào, một nhà văn quan trọng hàng đầu, người mở đường và được mệnh danh là người thắp sáng cho văn học Đài Loan. Chúng tôi mong rằng, sự ra mắt của cuốn sách này sẽ giúp nhiều người đọc Việt Nam biết đến nhà văn Diệp Thạch Đào hơn, hiểu về văn học Đài Loan hơn, để từ đó tăng cường các giao lưu về văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan trên tinh thần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau". 
 
Cẩm Tú