0 

Xứ Oz thần tiên của Frank Baum

Suốt hơn 100 năm qua, Xứ Oz diệu kỳ của L. Frank Baum đã có vị trí vô cùng quan trọng trong văn hóa đại chúng cũng như đã làm say mê biết bao thế hệ độc giả. Nó đã đi vào âm nhạc với con đường màu vàng – yellow brick road, với Judy Garland và bài hát bất hủ Somewhere over the rainbow… Mới đây, bộ 6 cuốn sách đầu tiên viết về hành trình du hành đến xứ Oz của nhân vật Dorothy đã được chuyển ngữ và giới thiệu mới.

Nhà văn L. Frank Baum.

Tuy được giới thiệu từ sớm ở nước ta, thế nhưng chỉ có duy nhất một tập đầu tiên – Phù thủy Oz tài ba, là được chuyển ngữ cũng như xuất bản suốt bao năm qua. Bắt đầu sáng tác từ năm 1900 với tập đầu tiên cho đến khi qua đời vào năm 1919, nhà văn L. Frank Baum đã để lại 14 tập sách về một xứ sở kì lạ, thu hút rất nhiều độc giả, và cũng chính là tiền đề cho nhiều tác phẩm hư cấu – giả tưởng sau này.

Trong lời đầu sách, L. Frank Baum nói rằng Những câu chuyện bay bổng của anh em nhà Grimm hay Andersen đã mang lại nhiều niềm vui cho những tâm hồn trẻ thơ hơn tất cả những sáng tạo khác của con người”. Nắm bắt được “sứ mệnh” ấy, ông cũng đã sáng tạo ra thế giới của riêng mình. Thế nhưng khác với những câu chuyện cổ tích, L. Frank Baum tập trung nhiều hơn về tính hiện thực, nơi thế giới vẫn có phù thủy, bùa chú và các phép thuật… thế nhưng thông qua những cuộc hành trình chính bằng sức mạnh của tình đoàn kết, thì những khó khăn cũng được vượt qua.

Bởi nhẽ ông nói “Truyện cổ tích xa xưa sau khi phục vụ nhiều thế hệ, nay có lẽ bị xếp vào dạng “lịch sử” trong tủ sách của con trẻ, bởi đã đến thời của những câu chuyện kì diệu tươi mới hơn […] Nền giáo dục hiện đại đã bao gồm cả đạo đức, nên trẻ em giờ chỉ tìm kiếm sự giải trí trong những truyện hư cấu và vui mừng được thoát khỏi mọi tình tiết khó chịu”. Nên xứ Oz của Baum không giáo điều, không lệ thuộc… mà nó “chỉ nhằm mục đích khiến cho trẻ con thích thú, nơi sự diệu kì và thời gian được giữ lại, còn đau buồn và ác mộng không còn nữa”.

BỐI CẢNH RỘNG LỚN

Nếu như những truyện cổ tích phần lớn vẫn lấy bối cảnh từ những cảnh quan có phần thực tế, thì xứ Oz trong bộ truyện này dường như là một vùng đất của những tưởng tượng. Được bao quanh bởi các sa mạc chết chóc cũng như không có phương thức khả dĩ nào đến được đó, L. Frank Baum tạo nên lãnh địa vô cùng cuốn hút cũng như phức tạp, từ đó dựng nên hành trình của mình.

Không quá tập trung vào một vùng đất, ông xây dựng xứ Oz vô cùng tráng lệ với các tộc người và nhiều lãnh chúa thay nhau thống trị. Có thể nói rằng bằng việc đào sâu cũng như chia nhỏ xứ sở thần tiên, Baum đã khiến không gian của bộ truyện này mở rộng ra hơn, với nhiều đặc tính đối chọi, với những khác biệt mà cứ một tập sách mới thì những độc giả lại phát hiện ra một điều mới mẻ.

Trong tập mở đầu, Baum đã tiết lộ xứ Oz gồm 4 lãnh địa, phân theo Đông – Tây – Nam – Bắc, mỗi nơi đều có cư dân và màu sắc riêng, và được cai trị bởi một phù thủy. Trung tâm nơi này là Thành phố Ngọc lục bảo, nơi phù thủy Oz vĩ đại cai quản. Ở mỗi nơi chốn đặc tính lại rất khác nhau, có nơi đang bị cai trị bởi phù thủy xấu, nơi thì con người lại sống an hòa. Nơi thì chỉ toàn những thứ mong manh dễ vỡ, nơi thì rừng thưa che mắt và đủ những sự khác biệt…

Baum xây dựng những đế chế riêng, nhưng vương quốc của thỏ, của người giấy, của mảnh lego… cùng các xứ khác và nhiều tộc người… từ đó làm nên bối cảnh rộng lớn. Tuy tác phẩm này có thể được xếp như dạng tiểu thuyết thiếu nhi dành cho trẻ em, thế nhưng với các kết cấu vương quốc, chủng tộc… Baum ít nhiều cũng đã tạo được nền móng cho các tác phẩm sci-fic hay fantasy sau này.

Minh chứng là có thể thấy một sự tương đồng giữa Oz với Xứ Cát, bộ sách sci-fic được đánh giá là hay nhất thế kỉ 20 của Frank Herbert. Điều này thể hiện ở việc cấu trúc mâu thuẫn giữa các tộc người, cũng như ngăn cách giữa họ là nơi sa mạc với loài sâu cát không thể vượt qua.

Bộ truyện Dorothy và Xứ Oz Diệu kỳ do Phúc Minh Books và Nxb Văn học liên kết ấn hành, qua bản dịch của Nguyễn Thị Hạnh.

PHÉP MÀU CHÂN THẬT

Viết hướng đến những em nhỏ, nhưng vẫn đề cao những giá trị thực, có thể thấy rằng thế giới phép thuật của L. Frank Baum khá chân thật và đầy logic. Như thể nhóm bạn của Dorothy trong tập đầu tiên khám phá xứ Oz, đó là tập hợp nhóm người gồm những khuyết thiếu: Bù Nhìn không não, Người Thiết thiếu trái tim, Sư Tử nhút nhát cũng như Dorothy xa nhà không thể tìm được đường về…

Ở đó cũng có thiện – ác phân tranh với các hành trình giành lại công bằng cho người thứ yếu. Tuy thế, động cơ cũng như hành động của phe cái ác được L. Frank Baum chú trọng hướng đến bài học về sự tham lam, lọc lừa cũng như giả dối. Từ đó truyền đi niềm tin vào bản thân mình, rằng trí khôn có thể tìm thấy từ những trải nghiệm, rằng trái tim có thể có được từ những quan sát, và lòng can đảm là dám đối mặt với những hiểm nguy…

Cũng như những con người vô cùng bình thường, tổ hợp của L. Frank Baum vô cùng mềm yếu và đầy tính người. Họ có thể thiếu sót, có thể bất toàn… nhưng khi hợp sức cùng nhau, thì không gì là không thể.

Như ông đã nói ở lời đầu sách, bộ truyện này nhằm mục đích thoát khỏi giáo điều, và ta ít nhiều thấy được điều đó. Ngay cả ý tưởng viết nên bộ truyện cũng được bắt nguồn từ các lá thư của những em nhỏ, nên bộ sách này như một tác phẩm đồng sáng tác hiếm hoi của thời đại trước.

Nó có ưu thế là vừa kết hợp được tính thời đại, cũng như mang đến rất nhiều góc nhìn từ óc sáng tạo của các em nhỏ. Tuy thế đôi khi nó cũng vướng vào lối mòn, khi việc giải quyết nút thắt không thật độc đáo, từ đó nhịp độ tác phẩm có phần đơn điệu và còn trầm buồn, khi các cài cắm dễ dàng vượt qua.

GÓC NHÌN TIẾN BỘ

Ở bộ xứ Oz, ít nhiều L. Frank Baum cũng đã phản ánh thời đại thông qua cốt truyện của mình. Theo đó từ lâu các nhà nghiên cứu cũng đã cho rằng đây là bộ truyện dành cho thiếu nhi nói về nữ quyền đầu tiên của nền văn chương thế giới. Bản thân L. Frank Baum cũng là người ủng hộ hết mình cho quyền phụ nữ và quyền bầu cử. Do đó không quá khó khăn để lý giải vì sao các nhân vật chính của bộ truyện này, từ cô bé Dorothy cho đến phù thủy quyền năng Glinda hay vị vua mới của xứ Oz – Ozma… đều là phụ nữ.

Trong tập 2, 3 và 6 – Xứ Oz diệu kỳ, Nàng công chúa Ozma và Thành phố Ngọc lục bảo, L. Frank Baum còn khắc họa thêm trận chiến như của những nữ chiến binh Amazon, mà người dẫn đầu là nữ tướng quân Jinjar để giành lại thành phố Ngọc lục bảo, nơi đàn ông tiếm quyền đã rất nhiều năm, trong khi vũ khí của họ chỉ là những chiếc kim đan. Tập 3 nhấn mạnh thêm tính anh hùng của vị công chúa Ozma, khi cô cùng những người bạn giải cứu những người yếm thế đến từ xứ Ev.

Trong khi đa phần những người đàn trong bộ truyện này có phần yếu đuối, như vua xứ Oz lọc lừa đầy những hư danh, hay vua Evoldo người đã khát khao trường sinh bất tử dẫn đến bán vợ và con cái mình trở thành nô lệ… thì phụ nữ dường như nắm quyền lãnh đạo trong cốt truyện này. Phương cách cai quản của họ cũng rất khác nhau, như sự đối lập giữa Ozma và vua Nome ở trong tập 6, về nền hòa bình và cách đối xử với người nổi loạn.

Được viết vào đầu thế kỉ 20, các hình tượng mà Baum sử dụng cũng đang đại diện cho một nước Mĩ nhiều biến động ở thời điểm đó. Giai đoạn 1900 – 1920 chính là thời kì mà nông nghiệp Mĩ lên đến đỉnh cao, điều này ít nhiều đã được thể hiện thông qua nông trại Kansas của người chú Henry, nhân vật Jack Đầu Bí Ngô hay là Bù Nhìn. Cạnh đó, Người Thiếc cũng như Bù Nhìn như đang đại diện cho các giai cấp đối lập, giữa người có tiền nhưng không có tim (Người Thiếc), và lớp công nhân - nông dân còn nhiều đè nén, có tim nhưng không có óc (Bù Nhìn).

Như vậy có thể thấy rằng bộ truyện Xứ Oz cuốn hút độc giả suốt bao năm qua của Baum bên cạnh là một tác phẩm dành cho thiếu nhi mới mẻ, không giáo điều… thì nó cũng đang mở lối cho những sáng tạo không biên giới của con người, trong các lĩnh vực sci-fic hay truyện fantasy. Hi vọng sau đây tác phẩm hậu truyện của Dorothy cùng với xứ Oz sẽ được tiếp tục triển khai, để một xứ Oz hoàn toàn trọn vẹn được đến gần hơn đông đảo bạn đọc.

Ngô Thuận Phát (Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/the-gioi/xu-oz-than-tien-cua-frank-baum_13833.html)