0 

Vũ Trọng Phụng và những tác phẩm vượt thời gian

Chỉ “rong chơi” trên trần thế 27 năm ít ỏi, đã gần 80 năm sau ngày dời xa cõi tạm, nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn kịp cho hậu thế những nhân vật đặc biệt, không chỉ tồn tại sinh động trên các trang sách, mà còn hiện hữu y như thật ngay giữa cuộc sống đương thời.
 

 Những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cậu em chã, những nghị Hách, Thị Mịch… đã định danh Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn xuất sắc bậc nhất thế kỷ XX.

Đúng như nhà văn Ngô Tất Tố viết về Vũ Trọng Phụng trong số đặc biệt trên tạp chí Tao Đàn năm 1939: “Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ.”

"Ông vua phóng sự Bắc Kỳ"

Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20-10-1912, quê làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình nghèo. Ông chỉ được học hết tiểu học và phải đi làm để kiếm sống

Năm 18 tuổi, Vũ Trọng Phụng làm thư ký tại nhà Gô-đa, sau bị đuổi việc, ông xin vào làm nhân viên đánh máy Nhà in Viễn Đông và bắt đầu cầm bút từ đó.

Từ năm 1930 đến lúc mất, ông cộng tác với nhiều báo hàng đầu lúc bấy giờ: Nhật tân, Ngọ báo, Hải Phòng tuần báo, Phụ nữ thời đàm, Loa, Tân thiếu niên, Tiểu thuyết thứ bảy, Tương lai, Hà Nội báo, Đông Dương tạp chí, Tao đàn… và cũng chính những phóng sự đầy thân phận về con người của ông đã góp phần làm nên thương hiệu những tờ báo lớn ấy.

Nếu như nhà văn, nhà báo Vũ Đinh Chí (1900-1986) với bút danh Tam Lang là người khởi đầu nghiệp phóng sự thì Vũ Trọng Phụng được xem như người đưa phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đến đỉnh cao.

Thiên phóng sự đầu tiên viết về cờ gian bạc lận có tên: “Cạm bẫy người” in đầu những năm ba mươi, ngay lập tức sớm khẳng định một lối viết hoàn toàn mới mang thương hiệu Vũ Trọng Phụng.

Tiếp đó là các tác phẩm: “Không một tiếng vang”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Dứt tình”... càng khẳng định sức căng, độ nhạy bén và đặc biệt là lối hành văn sắc sảo, hài hước, vô cùng hiện đại và hiện thực của Vũ Trọng Phụng.

Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng do NXB Văn học ấn hành tháng 3 năm 2018

Kể từ đây, một ngòi bút vừa xuất hiện đã gây chấn động làng báo, làng văn nước ta trước cách mạng tháng Tám. Giới cầm bút thời ấy tấn phong Vũ Trọng Phụng là “ông vua phóng sự Bắc Kỳ” khi ông mới ở độ tuổi đôi mươi.

Trong bài “ Địa vị Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt nam cận đại” đăng trên báo “Tao đàn”, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng tháng 2-1939, Trương Tửu, một người bạn thân đã nhận xét về 4 thiên phóng sự nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng: “Cạm bẫy người”, “Cơm thày cơm cô”, “Kỹ nghệ lấy Tây” và “Lục sì” là 4 quyển kiệt tác đặt nền móng đầu tiên cho phóng sự Việt Nam.

Còn trong bài “Vũ Trọng Phụng - Người thư ký trung thành của thời đại” của tác giả Tôn Thảo Miên thì viết: “Vũ Trọng Phụng giống như một nhà chép sử, một người thư ký đã có công ghi lại một cách trung thành thực trạng xã hội những năm trước cách mạng…

“Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thày cơm cô, Lục sì, mỗi phóng sự là một nội dung phản ánh bộ mặt thực của xã hội đương thời với những mặt trái, những tệ nạn trầm kha nhức nhối..”.

Quả vậy, nếu “Cạm bẫy người” là là những khảo cứu công phu, tỉ mỉ về nghề bạc bịp, “Kỹ nghệ lấy tây” là những khảo cứu về nghề kinh doanh thân xác dưới cái vỏ hôn nhân Đông Tây, thực chất là một kiểu mưu sinh vừa quái gở, vừa thê thảm thì “Lục sì” có thể được coi là những tài liệu về vấn nạn của dục tính…

Ngoài ra, Vũ Trọng Phụng còn là một trong những nhà văn góp phần đáng kể vào việc hiện đại hóa văn xuôi quốc ngữ.

 Nhà văn hiện thực xuất sắc

Ngoài các phóng sự thành công ngay ở buổi đầu cầm bút, Vũ Trọng Phụng còn viết 40 truyện ngắn, nhưng có lẽ giữa sự phong phú và đa dạng của nhiều thể loại ông thành công nhất là tiểu thuyết.

Các tiểu thuyết của ông luôn đề cập đến những vấn đề của xã hội, khái quát được một phạm vi cuộc sống hết sức rộng lớn mà ta không thể tìm thấy được ở những sáng tác khác của những nhà văn cùng thời.

Năm 1936, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết của ông lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê” và “Làm đĩ” đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội.

Nếu tiểu thuyết là phản ánh bức tranh xã hội, phản ánh hiện thực đời sống thì “Giông tố”, “Vỡ đê” là bức tranh vẽ đầy đủ chi tiết, chân thật đời sống người dân dưới thời nô lệ.

Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo “Số đỏ”, “Làm đĩ”, “Trúng số độc đắc” là một nét khác xuất thần, bật lên những vết thương rướm máu của xã hội được che phủ bên ngoài lớp sơn văn minh Âu hóa…

Vũ Trọng Phụng căm hờn, phỉ báng sự giảo quyệt, đê tiện, bẩn thỉu, thối nát của một xã hội cũ cũng đồng nghĩa với sự tất yếu phải xây dựng một xã hội mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hiếm thấy một nhà văn nào yêu mến nhân dân, yêu mến người lao động và trân trọng họ theo một cách riêng, nhân bản và hiệu quả như Vũ Trọng Phụng.

Cái sự yêu quý người lao động, dù họ là gái điếm, lưu manh, trộm cắp vẫn luôn được Vũ Trọng Phụng nâng lên thành điển hình văn học độc đáo, nếu không muốn nói là “độc nhất vô nhị”.

Trong toàn bộ các sáng tác của ông, đến hôm nay đã tìm được, chúng ta đều thấy rất rõ ý thức bênh vực người lao động của ngòi bút nhà văn và sự vạch trần đến bản chất của cái xấu, cái ác cùng với một thái độ lao động của nhà văn hiếm thấy trong từng con chữ.

Có thể nói Vũ Trọng Phụng hiểu cái đáy của xã hội không phải từ trên nhìn xuống, từ ngoài nhìn vào mà là người nhập cuộc để thấu hiểu và đưa vào trang viết.

Chưa phải là một nhà cách mạng, nhưng văn Vũ Trọng Phụng đứng về đồng bào mình, đem cái chất phê phán xã hội vào trong tác phẩm.

Nhà thơ Tố Hữu năm 1949 đã từng có câu đại tự tặng nhà văn Vũ Trọng Phụng: "Ông không phải là nhà cách mạng, nhưng cách mạng biết ơn ông".

Trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, "Số đỏ" được xem là một tuyệt tác. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu cho rằng: Vũ Trọng Phụng sáng tạo một loại tiểu thuyết mới, tiểu thuyết cười, tiểu thuyết đa thanh, đa âm, đa sắc diện.

"Số đỏ" là một siêu tiểu thuyết và nhân vật Xuân Tóc Đỏ là một siêu nhân vật. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ đã vượt khỏi giới hạn của một hoàn cảnh, một thành thị mà trở thành một nhân vật phiêu lưu, có mặt ở nhiều cảnh ngộ.

"Không riêng gì "Số đỏ", các tác phẩm "Giông tố", "Vỡ đê" của Vũ Trọng Phụng đều là những tác phẩm có giá trị trong thời kỳ mặt trận dân chủ.

Các tác phẩm "Số đỏ", "Giông tố" đều được dựng thành phim. Cốt cách và giá trị văn học của các tác phẩm đã tạo cho các bộ phim nhiều nét đặc sắc.

Tác phẩm "Số đỏ" cũng được Giáo sư Zinoman dịch ra tiếng Anh và được xem là một trong số 50 sách dịch hay ở nước Mỹ.

Bệnh tật và làm việc quá sức, Vũ Trọng Phụng mất ngày 13-10-1939 tại Hà Nội, ở tuổi 27.

Những sáng tác để đời của Vũ Trọng Phụng được ghi nhận là những di sản đặc sắc của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện đại. Rất nhiều vấn đề được ông đề cập tới nay vẫn còn nguyên giá trị hiện thực.

Hồng Quảng (TTXVN)

Bình luận (2)
doctorpa
DoctorPa
21 December 2019
Buy sildenafil NuT AborgaP NuT NuT NuT
jamesnut
JamesNuT
21 December 2019
Buy online Viagra NuT NuT NuT NuT NuT
Viết bình luận