0 

Trương Đăng Dung luôn nỗ lực vượt qua những giới hạn

Em là nơi anh tị nạn là tập thơ thứ hai của nhà thơ Trương Đăng Dung ra đời 10 năm sau tập thơ thứ nhất có tên Những kỉ niệm tưởng tượng. Được biết đến là một nhà nghiên cứu, lí luận trước khi là một nhà thơ, thế nhưng, với những tác phẩm của mình ông đã chứng minh mình là một nhà thơ đích thực bên trong một nhà nghiên cứu.

Sáng 15/10, tại Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm giới thiệu tập thơ Em là nơi anh tị nạn của nhà thơ Trương Đăng Dung với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, giới nghiên cứu phê bình đến từ Hà Nội và một số địa phương khác. PGS.TS, nhà phê bình Đỗ Lai Thuý, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp giữ vai trò diễn giả chính, PGS.TS, nhà phê bình Văn Giá làm nhiệm vụ dẫn chương trình. 

Dù thời tiết không đẹp, rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình tại Hà Nội và các tỉnh vẫn có mặt tại buổi tọa đàm giới thiệu thơ Trương Đăng Dung. Ảnh: Trần Mai Anh

Làm thơ từ cuối thập niên 70 của thế kỉ trước, nhưng Trương Đăng Dung luôn lặng lẽ thầm kín, hay nói cách khác thì, con-người-thơ trong ông từng ẩn đi. Suốt mấy chục năm im hơi lặng tiếng, 10 năm trước ông mới in tập thơ đầu tiên, Những kỉ niệm tưởng tượng. Tác phẩm ngay sau đó đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Trương Đăng Dung có một vị trí xứng đáng trong làng thơ Việt. Ở tập thơ thứ hai này vẫn cho thấy ở ông một lối viết giàu cảm xúc và được biểu đạt bằng ngôn ngữ giản dị, sâu sắc.

Là người có những nghiên cứu kĩ lưỡng về thơ Trương Đăng Dung, PGS.TS, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thuý chia sẻ: “Nguồn cội sáng tạo của thơ Trương Đăng Dung chính là thời gian và triết học. Hai yếu tố này lẩn khuất xuyên suốt trong những câu thơ Trương Đăng Dung. Thơ ông cũng nói về những giới hạn, không đơn thuần là giới hạn về thời gian, không gian mà là giới hạn của thơ, của nghệ thuật và của chính mình. Trương Đăng Dung cũng chính là người luôn nỗ lực để vượt qua những giới hạn đó”.

Em là nơi anh tị nạn vẫn tiếp tục mạch thơ suy tư về thời gian, nhưng ở thi tập này Trương Đăng Dung đã kiến tạo nên một đời sống nghệ thuật gần với hiện tồn hơn, cũng như là cụ thể hơn về con người, về số phận, về bản thể so với thi tập trước. Mở đầu buổi tọa đàm giới thiệu tập thơ mới, tác giả đã đọc 3 bài mà ông tâm đắc nhất trong tập thơ là "Tin nhắn cho em", "Trên bàn mổ" và "Tự bạch". Đó cũng là những bài thơ được nhiều bạn đọc đánh giá cao và được tác giả chọn ý để đặt tiêu đề cho tập thơ. Khi đọc bài thơ dành kính tặng mẹ, tác giả đã không tránh được nghẹn ngào: Xin mẹ đừng buồncon đã không giữ được vẹn toàn thân xác mẹ choĐã 65 nămđói con cho ănkhát con cho uống/ rét con cho mặc ấmcon đối xử chu toàn với thân xác của mìnhhơn cả với tâm hồn nhạy cảm// Con làm kẻ thứ bagiữa tâm hồn bất anvà thể xác bất toàn. (Trên bàn mổ)

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà thơ Trương Đăng Dung đọc 3 bài thơ trong tập Em là nơi anh tị nạn mà ông tâm đắc nhất.

Nói về thơ Trương Đăng Dung, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học đã có những nhận định: Lõi trầm của nghệ thuật là kết tụ. Trương Đăng Dung đã chạm vào lõi của thân phận con người. Ông là một bất an lớn, một bất an thi sĩ. Ông nhìn vào nội giới để sáng tạo sau những trốn chạy, bất an, lo lắng. Thơ Trương Đăng Dung là một tiếng nói thức tỉnh thi ca, ở đó ta thấy có những ánh lửa của tư tưởng.

Vượt qua thời gian, bằng trí tuệ và những vẫy gọi khôn nguôi của tiếng nói thi ca, Trương Đăng Dung đã khẳng định về sự tồn tại người đằng sau những bất an thường trực. Ông cũng cho thấy khát khao mở rộng những chiều kích của phản ánh nghệ thuật để đưa đến những tiếp nhận nghệ thuật đa chiều và đa diện hơn bằng lối viết mang tính dụ ngôn hóa. Luôn suy tư, ám ảnh về những tiếng gọi sâu xa trong tâm thức, nhà thơ Trương Đăng Dung là người luôn quan sát, lắng nghe những phận người, ông tâm niệm, nhà thơ là người không được lừa dối con người, thơ ca cũng không được lừa dối con người. Thơ ông chứa đựng yếu tố liên văn bản qua tôn giáo, triết học và những nhân vật lớn như F. Kafka, Dostoevsky, Nikos Kazantzakis, Tô Thùy Yên...

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên xác quyết: Thơ Trương Đăng Dung là một chiêm nghiệm triết học về thời gian và hiện hữu ở cõi người. Là một thi sĩ, ông sống bằng tinh thần tự do, lấy tự do làm nơi tị nạn của tâm hồn và phận người.

Em là nơi anh tị nạn, tập thơ mới của Trương Đăng Dung ra mắt sau 10 năm kể từ khi ông giới thiệu tập thơ thứ nhất.

Thơ Trương Đăng Dung nói lên mối quan hệ của nỗi đau và đức tin, thi ca của ông không phản ánh cái ngoài kia mà phản ánh cái ảo ảnh của nó, cái thê giới bên trong. Với ông, nỗi đau và những cảm nhận cần được thể hiện bằng ngôn từ giản dị. Có lẽ vì vậy mà thơ ông cũng trở nên gần gũi với chúng ta hơn như nhận định của Nhà xuất bản EUROPA, Hungary khi dịch và giới thiệu thơ Trương Đăng Dung ra tiếng Hung: “Do đâu mà những bài thơ - thời - gian này, cơn ác mộng thể hiện qua bản dịch của Hay Janos, lại quen thuộc với chúng ta đến thế? Giữa các câu thơ là sự vận hành của thời gian, là nỗi vô vọng khuôn nguôi của sự sa đọa, sự bất an và tha hóa các giá trị”.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm tại tọa đàm. Ảnh: Trần Mai Anh

TS, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã có bài viết "Tình thế của tồn tại người trong thơ Trương Đăng Dung" in trên tạp chí Thơ trước đó, văn bản được phát cho đại biểu dự tọa đàm, trong bài viết đã nêu vấn đề: Em là nơi anh tị nạn khác gì so với Những kỉ niệm tưởng tượng? Và anh cho rằng, ở tập thơ thứ hai này, Trương Đăng Dung đã có những phản tư chính mình, dần rời bỏ cái nhìn từ bên trên của siêu hình học để nhập vào đời sống với những biểu hiện cụ thể. Đặt câu hỏi, thơ ca mang lại điều gì cho con người, ở trường hợp Em là nơi anh tị nạn, Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, phía sau những âu lo, hoang mang, hoài nghi hay tuyệt vọng, dưới định mệnh tàn tro, Em là nơi anh tị nạn gửi gắm ý niệm hướng về ánh sáng.  "Thơ ca, mà rộng hơn là nghệ thuật, ngay trong cơn bi kịch của chính mình vẫn gắng gượng gõ nhịp vào trái tim con người, đánh thức đốm lửa trong lồng ngực, thắp nên niềm hi vọng ở tương lai", anh nói. 

Em là nơi anh tị nạn, từ những bất an, lo lắng, ám ảnh khôn nguôi cùng trí tuệ uyên bác, nhà thơ Trương Đăng Dung đã tiếp tục xác lập một lối thơ của riêng mình. Đồng thời nhà thơ cũng đưa đến/truy vấn nền thơ ca đương đại hôm nay những câu hỏi lớn về thứ thơ ca mang tầm tư tưởng. “Không ai có dấu ấn mà lại không có tư tưởng”, nhà thơ khẳng định.

TÙNG PHƯƠNG (Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/su-kien/truong-dang-dung-luon-no-luc-vuot-qua-nhung-gioi-han_11345.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30&fbclid=IwAR1AnXSjaGZvMrLusAfyAlZf5AW--jtyFyVVcfgGEWMCkD-zu21_z6oIf18)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận