0 

Vụ án Moncada dưới ngòi bút của Marta Rojas

Marta Rojas sinh năm 1931 tại Santiago de Cuba, tốt nghiệp trường báo chí Manuel Márquez Sterling ở La Habana năm 1953. Sự nghiệp báo chí của bà khá đồ sộ, để lại dấu ấn sâu đậm trong nền báo chí Cuba ở tính chân thực và sức chiến đấu mạnh mẽ. Nhà văn lớn của Cuba – Alejo Carpentier đánh giá cao Marta Rojas: “Các bài viết của bà là mẫu mực của phong cách báo chí lớn”.

Với cương vị phóng viên chiến tranh, Marta Rojas đã xuất bản một số cuốn sách tập hợp những ký sự, phóng sự về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tác phẩm Người cần phải sống sót của bà, năm 1978 được nhận Giải thưởng Nhà văn châu Mỹ cho thể loại điều tra. Bà là thành viên Ban Giám khảo Giải thưởng Mighen de Cervantes 2011 (Tây Ban Nha) do Liên hiệp các Nhà báo Mỹ La-tin (FELAP) đề nghị. 

     Tiếp tục viết báo và hoạt động trong lĩnh vực báo chí, Marta Rojas chuyển sang viết văn. Bà đã xuất bản nhiều tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết viễn tưởng. Trong đó, cuốn tiểu thuyết lịch sử Hang chết (1983,2002) được dịch ra một số tiếng nước ngoài và được chuyển thể thành bộ phim Những người tị nạn của hang chết do nhà điện ảnh nổi tiếng Santiago Aslvarez đạo diễn. Tiểu thuyết viễn tưởng Làm người Anh trong một năm được trao Giải thưởng tiểu thuyết Alejo Carpentier, Hội Nhà văn Cuba, 2006.

Gần đây nhất, năm 2012, tại La Habana, Nhà xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện sách Cuba đã ấn hành tác phẩm El juicio del Moncada của Marta Rojas; và, quý IV năm 2013, Nhà xuất bản Văn học Việt Nam ấn hành tác phẩm Vụ án Moncada do Vũ Trung Mỹ, Vũ Văn Âu, Đặng Quân, Đặng Thành chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha và do Phạm Đình Lợi hiệu đính. Đây là một cuốn tiểu thuyết tư liệu/lịch sử viết về Vụ án số 37 năm 1953 diễn ra tại Tòa án Santiago de Cuba, từ 21 tháng Chín đến 16 tháng Mười năm 1953, để xét xử những người tham gia cuộc tấn công vào trại lính Moncada, mà Marta Rojas là người dự tất cả các phiên tranh tụng với tư cách một nhà báo.

     Như một định mệnh, vừa tốt nghiệp trường báo chí, Marta Rojas, lúc đó mới hai mươi hai tuổi, đã được tiếp cận một vụ án lịch sử ngay tại Santiago de Cuba quê hương. Lịch sử đặt lên vai bà một sứ mệnh, vừa nặng nề vừa vinh quang. Chưa hề có một chút kinh nghiệm nghề nghiệp và chưa được nhận vào làm việc ở một tòa soạn nào, bằng tất cả nhiệt huyết và nghị lực, bằng sự quan sát tỉ mỉ và kiên trì, tính chân thực và lòng dũng cảm, nữ nhà báo trẻ tuổi đã tìm mọi cách để không bỏ sót một phiên xét xử và sau mỗi phiên tòa lại gửi những ghi chép chi tiết của mình cho tạp chí Bohemia (tạp chí tư nhân ra hằng tuần lâu đời nhất ở Cuba). Những bài báo của Marta Rojas hồi đó gần như duy nhất, kỹ lưỡng nhất, chân thực nhất về Vụ án số 37, chúng trở thành chất liệu để 59 năm sau bà cho xuất bản cuốn sách El juicio del Moncada đậm chất sử thi, trong đó nổi bật là phiên xét xử Fidel Castro - người đứng đầu Cách mạng Cuba, ngày 16 tháng Mười năm 1953, tổ chức tại Phòng Y tá Bệnh viện Saturnino Lora, với bài tự bào chữa nổi tiếng có tên Lịch sử sẽ xóa án cho tôi của ông.

 Haydée Santamaria và Melba Hernández, hai nữ chiến sĩ tham gia cuộc tấn công vào trại lính Moncada ngày 26 tháng 7 năm 1953, sau khi đọc bản thảo cuốn sách viết: “Ngay từ đầu tác giả đã nắm được chiều hướng của tương lai, nên không chỉ ghi chép như một phận sự phải làm mà đã quan sát chăm chú, say sưa những gì diễn ra hồi đó trước những ngọn lê tua tủa khắp phòng xử án. Marta Rojas đã có thể phân tích, đánh giá được rằng tại nơi đây có một hạt giống mới đang nảy mầm có thể sẽ cải tạo hoàn toàn nền tảng của xã hội thối nát ngày đó; tại phòng xử án ngày ấy không phải đang quyết định tương lai của một nhóm người mà là quyết định tương lai của cả một dân tộc. Do phản ánh được những chân lý, sự mong muốn và khát vọng của một dân tộc đã biết tự giải phóng mình nên chúng tôi cho rằng tác phẩm chắc chắn sẽ góp phần lớn lao cho sự hiểu biết đầy đủ về mục tiêu mà các chiến sĩ Moncada theo đuổi và những lý do thúc đẩy họ khi xông lên tấn công pháo đài quân sự ấy. Sau khi nhiều chiến sĩ tham gia Moncada đã đọc cuốn sách, chúng tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm về mặt lịch sử, bởi vì các mặt quan trọng nhất của hành động cách mạng đã được phản ánh”.

Pháo đài Moncada

     Lời nhận xét và đánh giá trên đây về cuốn sách đã nói lên tất cả những giá trị và ý nghĩa không chỉ với lịch sử bấy giờ mà cho cả tiến trình cách mạng Cuba tiếp sau đó. Cuộc tiến công vào trại lính Moncada do Fidel dẫn đầu vào năm 1953 cũng là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh người Anh hùng của dân tộc - José Martí (1853 - 1895), một nhà lãnh đạo của phong trào độc lập Cuba khỏi Tây Ban Nha, một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng, người gây ảnh hưởng đối với Rubén Darío và các nhà thơ khác như Gabriela Mistral. Fidel đã trích đọc những dòng thơ hùng hồn và nhân bản của J. Martí:

          … Khi người ta ngã xuống

          Trên đôi tay biết ơn của Tổ quốc

          Cái chết kết thúc, nhà tù tan tành

          Cuối cùng, cuộc sống bắt đầu cái chết

     Những người tham gia cuộc tiến công Moncada năm 1953 còn được gọi là “Thế hệ một trăm năm”. Ngay hồi đó, trong bản tự bào chữa, Fidel đã nói: “Một ngày nào đó họ (những chiến sĩ hy sinh vì độc lập dân tộc) sẽ được đào lên và mang trên vai nhân dân đến tượng đài bên cạnh mộ José Martí, Tổ quốc tự do sẽ dựng lên tượng đài “Các liệt sĩ của Thế hệ một trăm năm”; và, ông dẫn lời của José Martí: “Trên đời cần phải có lòng danh dự như là cần ánh sáng mặt trời. Khi không có nhiều người có lòng tự trọng thì luôn luôn có những người khác mang trong mình lòng tự trọng của rất nhiều người. Những con người đó là những người đứng lên với sức mạnh mãnh liệt chống lại những kẻ tước quyền tự do của các dân tộc, là tước đoạt phẩm giá của những người đó. Trong những người đó có nhiều nghìn người, có cả một dân tộc, có nhân phẩm…”.

     Với phong cách viết trực tiếp, chuẩn xác, với văn phong ngắn gọn, súc tích, Marta Rojas đã nói được rất nhiều điều trong tác phẩm của bà. Toàn bộ Vụ án số 37 năm 1953 được bà mô tả kỹ lưỡng, không thiếu một chi tiết nhỏ cùng những câu văn tinh tế, sắc sảo. Tại phiên thẩm vấn Pedro Miret Prieto ngày 25 và 26 tháng Bảy, nữ nhà báo mô tả: “Bị cáo nói rõ ràng, thong thả. Phòng Xử im phăng phắc và mọi người đều nghe rất rõ tiếng nói của anh, ở mọi ngóc ngách của căn phòng, thậm chí cả ở ngoài hành lang, nơi trung úy Teodoro Rico, một trong những tên tay sai của Chivano đang ghi chép vào sổ những lời khai báo của những nhân chứng chính. Miret mặc bộ “complet” màu xám sáng, sơ mi trắng, “cra-vát” đen; anh có vầng trán rộng, mái tóc rậm và đen láy” (tr.358). Trong khi kể lại những phiên tranh tụng tại tòa, Marta Rojas đã làm sống dậy toàn bộ hoàn cảnh, công việc của các chiến sĩ trước, trong và sau cuộc tấn công Moncada; và, sống dậy cả niềm tự hào dân tộc, tinh thần quật cường trong lòng các chiến sĩ. Raún Gosmez García – một chiến sĩ Moncada đã đọc những vần thơ do anh sáng tác để chờ đến “ngày ấy”:

          Chúng ta đã bước vào cuộc chiến đấu

          để bảo vệ tư tưởng của tất cả những người đã hy sinh

          để tống cổ những kẻ xấu xa khỏi ngôi đền lịch sử

          vì hành động anh hùng của Maceo

          vì ký ức ngọt ngào của Martí”.

     Rất nhiều trang trong cuốn sách của Marta Rojas in đậm sự cuốn hút ấy.

     Trong cấu trúc tuyệt vời, Bản tự bào chữa của Fidel Castro, in nguyên văn trong tác phẩm El juicio del Moncada của Marta Rojas, vừa là sự cáo chung chế độ độc tài Batista (người mà trong thời kỳ cầm quyền, hơn 10 năm, ước tính có khoảng 20.000 người bị giết hại dưới dạng đàn áp chính trị), vừa là dự báo cho tương lai của một nước Cuba mới với tất cả nhiệt huyết cách mạng trên nền tảng của lòng yêu nước, chuộng độc lập và tư tưởng giải phóng dân tộc. Bản tự bào chữa cho thấy Fidel chịu ảnh hưởng sâu sắc không chỉ riêng ở José Martí mà ở nhiều nhà cách mạng đấu tranh giành tự do cho toàn bộ châu Mỹ Latin, như Simón Bolívar (1783-1830), nhà cách mạng nổi tiếng người Venezuela, người lãnh đạo các phong trào giành độc lập ở Nam Mỹ đầu thế kỷ 19, được mệnh danh là Người Giải phóng (El Libertador), George Washington của Nam Mỹ; những cuộc chiến đấu do Bolíva lãnh đạo đã lật đổ sự thống trị của Tây Ban Nha, giành độc lập cho sáu quốc gia ngày nay là: VenezuelaColombiaPanamaEcuadorPeru, và Bolivia. Và, như Che Guevara (quốc tịch Argentina) – người bạn, người đồng chí thân thiết và thủy chung của Fidel và cách mạng Cuba, đã tiếp tục hành động theo tư tưởng đó và trở thành người kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng rộng rãi ở Nam Mỹ và thế giới. "Đó là một con người chân chính, một người bạn tuyệt vời và là người mà ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể." – Fidel đã nói về Che như thế, và Jean Paul Sartre (triết gia người Pháp) đánh giá Che “Là con người hoàn thiện nhất trong thời đại chúng ta".

     Ngay từ năm 1953, mặc dù cuộc tấn công trại lính Mocada không thành, Fidel đã tiên đoán con đường cách mạng dẫn đến ngày thắng lợi. Trong bài tự bào chữa ông đã bác bỏ mọi lời buộc tội và lên án chế độ độc tài Batista bằng những dẫn chứng cụ thể, công khai công bố kế hoạch hành động giành chính quyền và những việc cần phải làm sau khi chính quyền về tay đội quân cách mạng. Kết thúc bản tự bào chữa, Fidel kiêu hãnh tuyên bố: “Còn tôi, tôi biết là ngục tù sẽ đau khổ hơn so với bất cứ ai, ở đó đầy rẫy những đe dọa, sự thấp hèn và sự tàn ác đê tiện, nhưng tôi không sợ như đã không sợ sự tức giận điên cuồng của tên độc tài khốn kiếp đã cướp đi mạng sống của 70 anh em tôi. Các vị hãy kết án tôi đi, không quan trọng, lịch sử sẽ xóa án cho tôi!”. Quả như thế, chưa đầy 6 năm sau, tháng 1 năm 1959, quân cách mạng Cuba đã giành thắng lợi vẻ vang và Fidel đã đưa Cuba lên vị thế mới với tầm thu hút mãnh liệt các dân tộc Mỹ Latin trên con đường đấu tranh vì tự do và dân chủ; bản thân ông trở thành nhân vật xuất chúng trong nửa cuối thế kỷ hai mươi trên phạm vi toàn thế giới (Fidel từng nhận trên 50 huân chương do các quốc gia trao tặng).

     Sự kiện Moncada do những người thuộc “Thế hệ một trăm năm” tiến hành, là một dấu nối quan trọng giữa quá khứ và tương lai Cuba và giữa Cuba với các dân tộc Mỹ Latin trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc trên lục địa Nam Mỹ. Qua tác phẩm của Marta Rojas, người đọc liên tưởng tới một dòng chảy liên tục, sục sôi cách mạng, cả cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng trong văn chương, nghệ thuật, quyện làm một trong tiến trình lịch sử của các nước Mỹ Latin. Các nhà lãnh đạo cách mạng không chỉ là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận, mà còn là những nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa đầy uy tín, có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà thơ, nhà văn, các nhà hoạt động nghệ thuật không phân biệt dân tộc, chủng tộc, đẳng cấp xã hội trên phạm vi khu vực và quốc tế, để hình thành nên các trào lưu văn học nghệ thuật đặc sắc, vừa hiện thực vừa huyền ảo, của Mỹ Latin với các đại diện lừng danh: Gabriela Mistral - nhà thơ Chile (1889-1957) - Nobel Văn chương 1945, thơ của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, như Anh, Pháp, Đức, Italia, Thụy Điển...; Miguel Angel Asturias -  nhà văn Guatemala (1899-1974) - Nobel Văn chương 1967; Pablo Neruda - nhà thơ Chile  (1904-1973) - Nobel Văn chương 1971, người được mệnh danh là nhà thơ nhập cuộc vĩ đại của châu Mỹ Latinh, đồng thời được coi là một trong những nhà thơ hàng đầu của thế kỉ XX; Octavio Paz (31/3/1914 – 20/4/1998) – Nobel Văn chương 1990, là một trong những gương mặt kỳ vĩ nhất trong văn chương Mexico thế kỷ XX, ông đến với độc giả thế giới chủ yếu qua thơ và tiểu luận, một số truyện ngắn rất độc đáo (O. Paz và P. Neruda đều chịu ảnh hưởng phong cách thơ của G. Mistral); Gabriel Garcia Marquez - nhà văn Columbia (1928-2014) - Nobel Văn chương 1982, bạn thân của Chủ tịch Cuba Fidel Castro, ông luôn đứng về phía những người yếu thế, bị áp bức bóc lột. Chính O. Paz đã nói về sự đồng hiện của cách mạng giải phóng dân tộc và văn chương ở châu lục này: “nhà văn không phải là một con người tách biệt mà là thành viên của một cộng đồng, của một truyền thống văn học”. Truyền thống vẻ vang ấy tiếp tục được phát huy trong các thế hệ nhà văn, nhà thơ sau này của Mỹ Latin.

      Tác phẩm El juicio del Moncada của Marta Rojas không chỉ viết về một sự kiện, về những con người cụ thể của một thời điểm xác định, mà thực sự gợi lại rất nhiều điều trong truyền thống văn hóa của đất nước Cuba và của các dân tộc Mỹ Latin, vừa để lý giải cho hiện tại vừa mở ra tầm nhìn cho tương lai trên lục địa Nam Mỹ luôn hướng về độc lập, tự do và dân chủ, bởi các cộng đồng trên lục địa ấy đã bị mất quá nhiều, bị lệ thuộc và áp bức quá sâu sắc, quá dài lâu.

CAO NGỌC THẮNG

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận