0 

Vợ đại văn hào Lev Tolstoy và cuộc hôn nhân địa ngục

Khi đại văn hào Lev Tolstoy xuôi tay về cõi vĩnh hằng, bà Sophia Andreevna vẫn mang cảm giác: cả hai đã từng là tù nhân của nhau. 

 Trong trang đầu tiên của "Anna Karenina", một trong những trước tác văn học lừng danh thế giới của đại văn hào Nga Lev Tolstoy, ông mở đầu bằng câu: "Mọi gia đình đều có những niềm hạnh phúc tương tự như nhau. Nhưng họ lại ẩn giấu những nỗi đau riêng muôn hình vạn trạng mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu". Câu văn đó dường như ông đã đúc kết từ chính gia đình mình.

Lấy chồng gần gấp đôi tuổi mình và đã sinh cho ông đến 13 người con, bà Sophia Andreevna có một đời sống nội tâm vô cùng phức tạp. Bà đã chấp nhận chôn đi những giấc mơ thời thiếu nữ để đảm đương trách nhiệm mà bà tự nhận lấy: phục vụ một thiên tài, trong khi Lev Tostoy đối với bà bằng tình yêu thương nhuốm màu nhục dục, thậm chí oán hận bà... Cứ thế, khi đại văn hào xuôi tay về cõi vĩnh hằng, bà vẫn mang cảm giác: cả hai đã từng là tù nhân của nhau.

Thấy mình là se sẻ bên cạnh chim ưng

Trong 50 năm chung sống, Lev Tolstoy và Sophia Andreevna đã cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thăng trầm. Có những lúc họ yêu nhau nồng nàn, mãnh liệt và có những lúc thì hoàn toàn ngược lại- căm ghét lẫn thù hận. Lúc còn sống bên ông cũng như sau khi chồng qua đời, Sophia Andreevna luôn bị kết tội là người vợ không hiểu chồng, là con người quá thực dụng, không biết chia sẻ những tư tưởng và xa lạ với những quan điểm triết học của đại văn hào.

Chính Lev Tolstoy kết tội bà như vậy, điều này thực chất đã trở thành nguyên nhân của rất nhiều sự bất đồng khiến cho 20 năm chung sống cuối đời của họ trở nên u ám. Mối tình kỳ lạ này đương nhiên đã không thể có được một kết thúc trọn vẹn. Sự thù hận chứ không phải tình yêu đã giành chiến thắng cuối cùng.

Trước khi gặp người vợ đầu tiên và duy nhất của mình, bá tước Tolstoy - hậu duệ của một dòng họ quý tộc lâu đời pha trộn nhiều dòng máu của một số gia đình danh giá- đã là văn hào danh tiếng. Lev Tolstoy (hay Leon Tolstoy) quen biết gia đình Bers trước khi ông phục vụ trong quân đội ở Kavkaz. Sophia là người thứ hai trong số 3 cô con gái của bác sĩ Andrey Bers và bà Lyubov Aleksandrovna Bers.

Gia đình Bers sống ở Moskva, trong một dinh thự gần điện Kremlin, thỉnh thoảng họ về thăm điền trang của gia đình ở làng Ivitsa, cách điền trang Yasnaya Polyana của Lev Tolstoy không xa. Lyubov Aleksandrovna là bạn thân của chị gái Lev Tolstoy, còn Konstantin, em trai bà, là bạn của ông.

Lần đầu tiên, Lev Tolstoy gặp Sophia và các chị em gái của bà lúc còn là trẻ con, khi họ về thăm điền trang Yasnaya Polyana. Những lần ấy, họ chơi dương cầm, hòa giọng hát và một lần còn diễn kịch cùng nhau. 3 chị em Sophia từ nhỏ đã được mẹ vun bồi tình yêu đối với văn học, và Sophia bộc lộ thiên khiếu rõ rệt nhất, cô mê viết truyện ngắn và nhật ký mà về sau được công nhận là một trong những hình mẫu xuất sắc của thể loại hồi ký qua hai tập hồi ký đồ sộ "Cuộc đời tôi" và "Nhật ký 1862-1910". Có tài liệu cho biết, Sophia còn được nhận bằng gia sư của Trường Đại học Moskva.

Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ rồi rong ruổi khắp Châu Âu, khi trở về, bá tước Tolstoy đã gặp lại không phải cô bé Sophia ngày xưa đã cùng ông diễn kịch mà là một thiếu nữ quyến rũ. Hai gia đình lại đến thăm nhau, ông bà Bers sớm nhận ra bá tước để ý tới một trong ba cô con gái của mình, thế nhưng thoạt đầu họ cho rằng, Tolstoy sẽ dạm hỏi cô chị Elizabeta.

Vào tháng 8-1862, Lev Tolstoy đến làng Ivitsa tham gia đêm vũ hội do gia đình Bers tổ chức, tại đây Sophia đã khiêu vũ đẹp đến mức trái tim Tolstoy không còn chút phân vân. Từ đó có giả thuyết cho rằng, văn hào đã lột tả những cảm xúc của mình vào chi tiết nam tước Andrey quan sát Natasha Rostova tại đêm vũ hội đầu tiên của cô trong tác phẩm kinh điển "Chiến tranh và hòa bình".

Trong hai tập hồi ký của mình, Sophia Andreevna thừa nhận: trước khi quyết định làm vợ văn hào Lev Tolstoy, bà đã từng mơ ước trở thành nhà văn. Bà không giấu giếm chuyện từ lúc 8 tuổi, sau khi đọc cuốn "Tuổi thơ" của nhà văn, Sophia đã đem toàn bộ những sáng tác của mình ra đốt vì cảm thấy mình như con se sẻ bên cạnh chim ưng. Đây là hành động mở đầu cho cả một quá trình xây dựng lại bản thân, kéo dài cho mãi đến cuối đời bà.

Về phía Lev Tostoy, mong muốn tỏ ra trung thực với người vợ tương lai, Tolstoy đưa nhật ký của mình cho Sophia đọc- thế là bà biết hết "quá khứ oanh liệt" của vị hôn phu quyền quý và danh tiếng từng sa vào những cuộc đỏ đen, rất nhiếu mối tình và thú đam mê, kể cả chuyện ông quan hệ với cô gái nông dân Aksinya khiến cô có chửa. Sophia Andreevna sốc nặng, nhưng bà đã giấu kín tình cảm của mình, dù sao suốt đời bà không thể quên được những lời bộc bạch chân thành này.

Ngày 23-9-1862, Lev Nikolaevich Tolstoy làm lễ cưới với Sophia Andreevna Bers. Vào thời điểm đó, bà 18 tuổi, còn bá tước đã 34. Sớm mồ côi mẹ, lớn lên ông được nghe những câu chuyện kể về mẹ, và nghĩ rằng người vợ của ông phải là người bạn đời thủy chung, đáng yêu, hoàn toàn chia sẻ quan điểm của ông, một người mẹ và người giúp việc, vừa giản dị, đồng thời vừa biết trân trọng cái đẹp của văn chương và tài năng của chồng. Cuộc hôn nhân giữa hai người bắt đầu vô cùng tốt đẹp, họ yêu nhau say đắm, điên cuồng và mãnh liệt.

Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân lại chẳng trọn giấc mộng màu hồng. Sophia bắt đầu chán ngán với những ý tưởng điên rồ của Tolstoy về sự cải cách xã hội cùng với việc ông chấp nhận một cuộc sống đơn giản đến mức nghèo nàn. Năm 1863, Sophia Andreevna sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Seryozha. Cũng vào năm ấy, Tolstoy bắt đầu viết tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình". Mặc dù bụng mang dạ chửa, Sophia không những vẫn tiếp tục làm các công việc gia đình mà còn giúp chồng chăm chút chép từng trang bản thảo.

Vì không đủ sữa cho con, bà đề nghị chồng thuê vú nuôi. Ông kiên quyết phản đối và nói rằng, vì phải "chia sữa" cho con mình mà con cái của người phụ nữ đó sẽ không đủ sữa bú. Sophia cắn răng nghe lời và răm rắp làm theo những luật lệ do ông đặt ra, bà giải quyết những khó khăn của nông dân trong các làng lân cận, thậm chí còn chữa bệnh cho họ. Từ đó, hầu hết gánh nặng của cuộc sống gia đình, ông để vợ gánh lấy.

Quả thật, ông đã làm rất ít cho những đứa con lớn, và không làm gì cho những đứa bé. Càng cao tuổi, Tolstoy càng tách biệt với đời sống hiện thực mà ông khinh bỉ, để khép kín mình với những dằn vặt của ông trong thế giới tư tưởng.

Đền bù lớn nhất mà Sophia nhận được là được làm việc với Tolstoy. Ngày nào cũng vậy, bà chép lại cho sạch các bản thảo của Tolstoy. Thứ công việc tỉ mẩn và không bao giờ kết thúc này lại làm bà rất hạnh phúc, mặc dù bà đã phải vứt bỏ đi không biết bao nhiêu là giấy, bởi hàng sáng, Tolstoy thường xé bỏ tất cả những gì đã viết ra hôm trước để viết lại. Không quá đáng khi nói rằng, hai tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình" và "Anna Karenina" cũng chính là những đứa con được bàn tay Sophia chăm bẵm.

Chính bà Sophia đã đưa Lev Tostoy vào tội lỗi?

Tuy nhiên, không phải là Sophia thích tất cả những gì chồng mình viết ra. Bà không thích các tiểu luận tôn giáo của Tolstoy và cho rằng chính chứng bệnh đau dạ dày đã khiến ông viết ra những tác phẩm tiêu cực này.

Sophia cũng rất ghét cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Tolstoy "Bản Sonate ở Kreutzer" (xuất bản năm 1889 tại Nga) vì cuốn sách này làm tổn thương đến niềm kiêu hãnh của bà, với tư cách là người vợ. Tiểu thuyết này đã kết tinh lại nỗi bất hạnh lớn của bà Sophia: Tolstoy vừa yêu bà lại vừa căm giận bà bởi vì chính bà đã đưa ông vào tội lỗi… ham muốn nhục dục trong khi ông không thể nào bỏ qua được ham muốn tội lỗi này! Thế là hai người không khác gì tù nhân của nhau.

Sophia và Tolstoy chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ, bao gồm việc dùng chung cả nhật ký của họ. Họ sử dụng nhật ký chung để nói chuyện với nhau và giãi bày nỗi lòng khi hai người xích mích cãi vã. Mỗi khi Sophia phấn chấn hoặc muốn tỏ ra hữu ích với chồng, Tolstoy lại cảm thấy bà chỉ "ngu ngốc và phiền phức".

Hàng chục năm sống dưới bóng của một đại văn hào, nhiều khi Sophia phải chua chát tự nhận "mình chỉ là một cái máy đẻ". Bà liên tục cho ra đời 13 đứa con, trong đó có 5 người mất từ khi còn nhỏ, cũng một tay bà dạy các con học tại nhà. Cuộc sống chỉ quanh đi quẩn lại với chuyện sinh nở và chăm sóc con chiếm hết thời gian của bà. Nhưng cũng có lúc, Sophia muốn nhiều thứ hơn là cuộc sống tẻ nhạt đó.

"Đôi lúc, tôi tự hỏi liệu mình muốn gì. Và thật đáng sợ, tôi thích hội hè, thích diện váy áo đẹp. Tôi muốn mọi người ngưỡng mộ mình và khen mình xinh đẹp. Tôi cũng muốn chồng tôi nghe được những lời xưng tụng đó…".

Khi choàng tỉnh với thực tại, bà Sophia lại cảm thán: "Cả người tôi đau nhừ, mũi thì chảy máu, hàm trước ê ẩm. Tôi rất sợ rụng răng. Thật kinh khủng khi phải dùng răng giả. Tôi lại còn phải chép lại nhật ký của Lyovochka (tên thân mật bà gọi chồng) suốt buổi sáng, rồi đi giặt quần áo cho ông ấy, dọn phòng làm việc của ông cho đến khi nó không còn một hạt bụi. Tiếp đó, tôi phải mang lại tất cho ông - những cái tất đầy lỗ thủng. Những thứ đó khiến tôi bận túi bụi cho đến tận bữa cơm tối".

 Nhưng điều kinh khủng nhất là Sophia càng lúc càng nhận ra rằng, bà vừa yêu vừa hận Tolstoy đến thấu xương. "Ông ấy không hề có tình yêu dành cho tôi, chỉ là nhu cầu xác thịt và sự cần thiết có một người sống cùng mà thôi".

Năm 1877, Tolstoy viết xong tiểu thuyết "Anna Karenina" và cảm thấy hết sức không hài lòng với cuộc sống, điều này khiến cho bà Sophia đau khổ, thậm chí bị xúc phạm. Bà đã hy sinh tất cả vì ông, có gì mà ông không hài lòng với cuộc sống mà bà đã toàn tâm toàn ý gây dựng cho chồng? Những "trăn trở đạo đức" của Tolstoy đã khiến ông hình thành nên những lời răn mà gia đình ông hiện nay buộc phải thực hiện.

Trong đó ông yêu cầu vợ con sống hết sức khiêm tốn, không được ăn thịt, uống rượu, hút thuốc. Ông mặc quần áo nông dân, tự khâu lấy quần áo và giày dép cho mình, thậm chí ông còn muốn dành toàn bộ tài sản cho dân làng. Bà Sofia khô cả cổ thuyết phục chồng từ bỏ ý tưởng đó. Bà thực sự tức giận vì chồng bỗng nhiên cảm thấy có lỗi trước toàn thể nhân loại, mà không hề cảm thấy có lỗi đối với bà.

Sau vụ cãi vã lớn đầu tiên với Sophia, Tolstoy bỏ nhà ra đi mấy tuần. Khi trở về, ông không giao bản thảo cho vợ chép nữa, mà giao cho các con gái. Cái chết của đứa con út Vani chưa đầy 7 tuổi khiến bà kiệt sức. Nỗi đau buồn và cảm giác căm ghét chồng buộc Sophia tìm kiếm sự an ủi bên ngoài. Bà thường lên Moskva học nhạc ở nhà thầy giáo Aleksandr Taneev.

Giữa họ bắt đầu nảy sinh tình cảm nhưng chỉ dừng lại ở mức bạn bè. Nhưng Lev Tostoy thì ghen và tức giận đến mức không thể tha thứ cho sự "phản bội" này. Sự nghi ngờ đã trở thành gần như bệnh hoạn trong cả hai người: Sophia Andreevna đọc lại nhật ký của Tolstoy để tìm thấy trong đó những câu mắng chửi, nhục mạ mình. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 10-11-1910,  sau một trận cãi vào đêm hôm trước, Lev Tolstoy, lúc này đã 82 tuổi, rời nhà và để lại bức thư trên bàn cho vợ.

"Sự ra đi của anh sẽ làm em đau khổ. Anh rất tiếc về điều đó, nhưng hãy hiểu và hãy tin rằng anh không thể khác. Vị thế của anh trong ngôi nhà trở nên không thể chịu nổi. Ngoài tất cả những điều tồi tệ, anh không thể sống tiếp trong những điều kiện xa hoa mà anh đã sống, và anh làm cái điều mà những ông già vẫn thường làm: đi khỏi cuộc sống trần tục để sống những ngày cuối đời trong sự ẩn dật và yên tĩnh".

Theo lời kể của những người trong gia đình, sau khi đọc lá thư, bà Sophia đã nhảy xuống dòng suối nhỏ chảy qua điền trang, tự tử. Rất may người nhà đã cứu được bà.

10 ngày sau, người ta phát hiện Lev Tostoy chết trong nhà của ông trưởng ga của một nhà ga hẻo lánh. Bà Sophia vẫn sống ở ngôi nhà cũ cùng với những đứa con cùng chuỗi hồi ức đau lòng. 9 năm sau, Sophia qua đời.

Những trang tự thuật của bà mang nặng niềm khắc khoải đã phải sống ngược lại với những giấc mơ thời thiếu nữ để đảm nhận trách nhiệm mà bà tự nhận lấy: phục vụ một thiên tài. Sophia đã buộc phải chôn vùi ánh sáng sáng tạo của riêng mình để không làm cản trở mặt trời lớn Lev Tolstoy. Bà yêu Tolstoy nhất nhưng cũng hận ông nhất vì ông đã biến tuổi thanh xuân và cuộc sống hôn nhân của bà trở thành địa ngục.

Hiếu Thảo (tổng hợp)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận