0 

Vẻ đẹp của thiếu nhi Việt Nam trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của đổi mới. Ông quê ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Minh Châu bắt đầu viết văn từ năm 1954. Trong hơn ba mươi năm cầm bút ông đã để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Cửa sông (1966), Những vùng trời khác nhau (1970), Những người đi từ trong rừng ra (1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985)… Đặc biệt tiểu thuyết Dấu chân người lính (1972) đã đưa ông lên vị trí những nhà văn tiêu biểu của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1980 trở đi ông bắt đầu khuynh hướng đổi mới trong văn học nghệ thuật thời kỳ sau chiến tranh.

Nói đến những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu viết cho thiếu nhi, ta nhớ ngay tới bộ ba tiểu thuyết: Từ giã tuổi thơ (1972), Những ngày lưu lạc (1981), Đảo đá kỳ lạ (1983). Đây là những sáng tác viết cho thiếu nhi về đề tài lịch sử, kháng chiến. Các em nhỏ hầu hết tuổi đời chỉ 13, 14, 15 nhưng đã được giác ngộ lý tưởng cách mạng, sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Sự kiên cường, gan dạ của chính những chiến sĩ nhỏ tuổi này đã góp phần tạo nên sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược.

Bộ 3 tiểu thuyết thiếu nhi của Nguyễn Minh Châu do NXB Văn học phát hành tháng 5 năm 2020

Xuyên suốt Bộ ba tiểu thuyết thiếu nhi này là câu chuyện kể về cuộc đời của chú bé Nến, bố mẹ bị giặc giết hại, chú đi lưu lạc khắp nơi, về quê cũ, bị địch bắt đi phu, bắt ra đảo hoang… Nhưng trong hoàn cảnh nào chú vẫn giữ được tình yêu quê hương đất nước và lòng căm thù giặc. Trong “Từ giã tuổi thơ”, cũng là tập mở đầu câu chuyện đã giới thiệu về quê hương và gia đình chú bé Nến. Bé Nến lớn lên ở làng Tri Lai, gọi tắt là phố Trũi, trong một ngôi nhà lá nhỏ bé. Trước cách mạng Tháng Tám, bố làm giao thông cho cơ quan Việt Minh bí mật, sau bị giặc giết hại. Bé Nến sống cùng mẹ và hàng ngày hay chơi cùng những người bạn: The, Gắm, Tiết... Các bé tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã bộc lộ phẩm chất yêu nước. Bé Nến lúc nào cũng muốn xung phong vào bộ đội, có lần bé còn giảng cho u mình nghe về việc bọn thực dân Pháp bóc lột nhân dân ta trong 80 năm như thế nào. Cô bé The hàng ngày vẫn thay bố gác máy bay cho dân làng khi bố đi hoạt động cách mạng. Rồi bé Tiết lúc nào cũng luyện gồng, lấy cánh cửa trường học về tập, rồi còn cùng nhau tập chạy, tập bò, tập lăn… với hy vọng một ngày sẽ được ra trận chiến đấu. Cho đến một lần các em phát hiện ngoài bãi Đồng Ma có gián điệp. Nến và Gắm  đã quyết tâm bám theo, theo dõi không sót một cử chỉ nào, và phát hiện ra tên gián điệp sắp đặt mìn phá kho vũ khí của bộ đội. Các em đã tổ chức một trận truy kích với ý định bắt sống tên gián điệp. Ý tưởng táo bạo của các em đã được các chú bộ đội giúp sức, tên gián điệp bị bắt... Cho đến ngày khai trường phố Trũi bị giặc ném bom, mẹ bé Nến chưa kịp đi tản cư thì đã mất do trúng bom địch. Nến trở thành đứa trẻ mồ côi: “Tôi đã nhịn ăn hai ngày. Bữa cơm đầu tiên trong đời tôi không có u. Tôi phải ăn miếng cơm của nhà người ta…”. Từ đây bé Nến càng có ý thức hơn về lòng căm thù giặc. Chính quân giặc đã giết chết mẹ chú bé, cướp ngôi trường học, đốt phá xóm làng.

Sau khi mẹ mất, chú bé Nến được cô Cương - cô ruột của mình đưa về Thanh Hóa tản cư. Từ đây bé Nến bắt đầu những ngày tháng xa quê, chính là nội dung của tập “Những ngày lưu lạc”. Tuy sống cùng gia đình cô ruột nhưng bé Nến luôn cảm thấy chạnh lòng. Dù được cô Cương chăm sóc chu đáo, nhưng với tâm trạng của đứa trẻ mồ côi chú vẫn thấy mình không thuộc về gia đình này. Tính ngây thơ hồn nhiên của bé Nến đã mất đi nhiều. Ở đây chú bé thấy mình như sống trên một hòn đảo cô độc, lẻ loi. Sau khi suy nghĩ bé Nến đã quyết định từ giã gia đình cô Cương ra đi theo một đoàn Vệ quốc quân với hy vọng có thể trở về khu Ba, tìm gặp chú Lộc, cái The, Gắm, Tiết… với mong muốn sẽ cùng nhau tiếp tục đi trinh sát giúp các chú bộ đội. Lúc này giặc Pháp đã bắt đầu chiến dịch càn quét vùng sông Dầu, không khí chiến tranh đã bao trùm lên làng xóm và những khôn mặt người trong làng. Nến đã tìm được bé The, lúc này The đang đi ở cho nhà bà Phó Đỗ - một me Tây theo Pháp. Tại đây bé Nến, The, Trí tuy dưới danh nghĩa là một người ở, giúp việc nhưng đã bí mật theo dõi những việc làm của bà Phó Đỗ. Ngôi nhà của bà Phó Đỗ trở thành nơi họp bàn của các quan tây. Nến, The, Trí đã lập kế hoạch rất kỹ trước khi rời khỏi nơi này sẽ ném lừu đạn truy kích mụ Phó Đỗ và các quan tây. Kế hoạch đã được tính toán kỹ càng, Trí dạy Nến và The cách ném lừu đạn, lập kế hoạch làm nhốn nháo ngôi nhà, đánh lạc hướng đối phương và sau đó hai quả lừu đạn đã nổ trước mặt mấy tên đầu sỏ… Người ta chỉ kịp nhìn thấy mụ Phó Đỗ và tên Phiệt ngã gục tại chỗ và những tên khác mặt mũi nhuốm đầy máu… Trí sau khi ném bom cũng bị thương, trên đường thoát chạy đã hy sinh.

Sau buổi đó, bé The tiếp tục bị lưu lạc, Nến bị quân Pháp bắt đi phu, lênh đênh trên chiếc tàu há mồm ra một hòn đảo nhiều đá quý là nội dung của phần ba “Đảo đá kỳ lạ”. Trên tàu dù những người xung quanh bảo nhau rằng bây giờ chỉ có chết hoặc ốm thì mới được rời chiếc tàu há mồm. Riêng bé Nến lòng vẫn bình tĩnh và tràn đầy hy vọng. Chú bé không thấy sợ hãi, và cũng không buồn chút nào. Bởi vì tất cả những điều thử thách tưởng như một đứa trẻ khó có thể vượt qua, thì chú đã trải qua rồi: “Tôi không còn là một đứa trẻ thích chạy theo ô tô của lão thầu khoán như ngày xưa, nhưng tôi vẫn ưa thích những điều mới lạ, những con người, những chân trời và những thử thách mới…”. Một mảnh tâm hồn thiếu niên tuy trải qua biết bao đau đớn và bất hạnh nhưng vẫn lạc quan yêu đời, vẫn rạo rực một tình yêu cuộc sống, vẫn mang nỗi thèm khát được dấn thân vào mọi thử thách, vẫn khao khát được đi tới chân trời xa lạ.

Tại hòn đảo kỳ lạ này bé Nến đã gặp bác Quảng - bố cái The và những người cách mạng đang bí mật hoạt động ở đây. Bé Nến đã kể cho bác Quảng nghe những chặng đường gian truân đã trải qua. Bác Quảng đã vạch ra một kế hoạch hoạt động bí mật rất cụ thể để giao nhiệm vụ cho Nến. Và từ nay bé Nến sẽ được đổi tên là Đức. Nến biết mình đã bước vào một cuộc chiến đấu mới. Tên tuổi và lý lịch của Nến đã được thay đổi, khiến cho Nến có thể lọt vào làm con nuôi của gia đình lão thầu khoán Hồi - một gia đình tư sản chống lại cách mạng. Nghĩ về những người thân đã mất và nhìn những người dân khốn khổ trên hòn đảo này chú đã tự thì thầm rằng: “Cháu sẽ không bao giờ quên, cháu là một đứa trẻ con cái của những người khốn khổ trên mặt đất này…”.

 Sau khi lão thầu khoán chết, bà vợ đã lấy Đờ Xăngtê - một tên mật thám của thực dân Pháp được cử đến đảo để khai thác đá quý. Nến lại trở thành con nuôi của Đờ Xăngtê và dọn đến ở biệt thự “Bồ câu trắng”. Khi sống trong ngôi nhà của những tên thực dân này Nến đã cùng người bạn Lưới Tơ tìm kiếm chìa khóa của chiếc két sắt chứa mọi tài liệu bí mật về hòn đảo đá quý để tố cáo thực dân Pháp. Đây là một chiến công lớn của Nến, ông Bọ Ô và Lưới Tơ bởi ngoài việc giải phóng hòn đảo này thì đồng thời cũng phải giành lấy từ trong tay bọn thực dân Pháp tất cả mọi thứ bí mật của nó. Cuối cùng nhiệm vụ mà tổ chức giao cho Nến cũng hoàn thành, những chồng tài liệu quý đã được giao tận tay các anh bộ đội với mặt bìa ở ngoài đề hàng chữ nắn nót của Bọ Ô: “Kính chuyển lên Cụ Hồ”.

Một trận đánh chiếm đảo đã diễn ra, những người cách mạng đã giành được chiến thắng, hòn đảo được giải phóng, tên quan năm mật thám và tay sai đã bị đưa ra trước vành móng ngựa. Bé Nến đã được tổ chức khen ngợi: “Nhờ có cháu đưa các bác vào đây trước thật êm, nên mới giải quyết điểm ‘đầu sỏ’ này nhanh đến thế…”. Lúc này Nến đã bước sang tuổi mười lăm, tuy thân hình gầy nhom nhưng đã có dáng chắc chắn của một cậu bé làm liên lạc.

Ưu đãi dành cho bạn đọc: Chiết khấu 40% khi mua trọn bộ

Chiến tranh luôn là phép thử đối với nhân cách một con người và những nhân vật thiếu nhi ở đây chính là linh hồn của tác phẩm này. Hình ảnh các em - những chiến sĩ nhỏ tuổi lớn lên từ một vùng quê bị bom đạn giày xéo nhưng đã bản lĩnh, kiên cường đứng lên chống quân xâm lược. Sự kiên cường, gan dạ của các em đã góp phần làm nên sức mạnh lớn lao của một dân tộc. Đó cũng chính là vẻ đẹp của thiếu nhi Việt Nam thời kỳ chiến tranh trong tiểu thuyết của Nhà văn Nguyễn Minh Châu. Và, như mong ước của chú bé Nến: “Cầu cho những đứa trẻ đừng bao giờ đánh mất những vì sao lung linh trên hai bàn tay, dù bàn chân có phải đi qua bao chặng đường gian khó”.

Trân trọng mời các bạn tìm đọc Bộ ba tiểu thuyết thiếu nhi “Từ giã tuổi thơ” –“Những ngày lưu lạc” – “Đảo đá kỳ lạ” của Nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Hà Nội, ngày 9-5-2020

Trần Mai Anh

 

 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận