0 

"Trái tim đơn độc" của Đạo diễn - NSND Phạm Thanh Phong

Nhà văn nổi tiếng Canada ROBERTSON DAVIES đã từng nói: “Sẽ là vô ích khi cố gắng viết một cuốn sách, trừ phi bạn biết chắc rằng hoặc là bạn phải viết nó, hoặc bạn sẽ phát điên lên, thậm chí là chết”. Và tập truyện ngắn "Trái tim đơn độc" của Đạo diễn NSND Phong Pham Thanh được viết lên theo kiểu như thế. 

 Trái tim đơn độc  được NXB Văn học ấn bản và phát hành gồm 14 truyện ngắn có cùng mạch cảm xúc, trong đó có nhiều truyện đã được làm phim, đạt được những giải thưởng trong các cuộc thi văn học và kịch bản phim như: Đêm trăng suông, Cỏ ngọt, Điện thoại đồ chơi, Nê rô hiền dịu, Tặng phẩm tình yêu, Những con sói non… 

Lời tác giả

Những truyện ngắn trong tập truyện này đều được viết ra bởi những sự việc đã gieo ấn tượng rất mạnh trong tâm hồn tôi. Ấn tượng đó đã tạo cảm xúc mạnh mẽ thúc giục tôi phải bật dậy viết ra trang giấy, như chỉ là để giải tỏa tâm tình với chính mình. Có thể là giữa đêm khuya, hoặc khi vơ vẩn đâu đó trên đường phố. Ví dụ như truyện Bến nước, được viết ra sau khi tôi đi làm phó đạo diễn phim Thằng Bờm ở Thuận Thành, Hà Bắc, hoặc như truyện Lời ru xa xôi được viết sau chuyến đi làm phim Một thời đã sống ở Bảo Lộc - Lâm Đồng. Hoài niệm, nỗi nhớ nhung con phố nhỏ Hàng Đào, nơi tôi sinh ra và lớn lên, cứ đằng đẵng đi theo và ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Dù có đi đến phương trời nào, đến tận miền đất xa xôi nào của Tổ quốc, nỗi hoài niệm và nhớ nhung đó luôn luôn hòa quện với những sự kiện và những cảm xúc mà tôi phải trải qua. Có thể nói nỗi hoài niệm đó âm thầm làm vai trò chủ đạo trong những sáng tác của tôi, từ văn xuôi cho đến kịch bản và đạo diễn.

Rất nhiều truyện ngắn trong tập truyện này đã được làm phim và được những giải thưởng trong các cuộc thi văn học và kịch bản phim. Đêm trăng suông, Cỏ ngọt, Điện thoại đồ chơi, Nê rô hiền dịu, Tặng phẩm tình yêu, Những con sói non…Đến bây giờ, sau hơn hai mươi năm nhìn lại, tôi vẫn thấy nỗi hoài niệm đó, sự khát khao một cuộc sống ấm áp tình người vẫn là cảm xúc xuyên suốt cả tập truyện ngắn này. Nỗi hoài niệm đó thật mong manh như là lời thì thầm rụt rè trong từng số phận. Nói đúng hơn đó là lời rụt rè âm thầm và chấp nhận của phố phường Hà nội cũ. 

Có nhiều quan điểm khác nhau về sáng tác nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật là gì? Sáng tác nghệ thuật để làm gì? Phải chăng đó là phương cách chữa lành vết thương trong tâm hồn mỗi con người, mà điểm bắt đầu của sự chữa trị đó chính là từ tác giả. Sự ấm áp tình người sẽ tạo nên chất thơ cho mỗi số phận, nhưng dường như điều đó ngày càng mong manh. Với tôi điều đó cũng như sự hoài niệm, dù rằng có rất thật trong cuộc sống thường ngày, nhưng vẫn chỉ là hoài niệm đẹp đẽ và mơ hồ. Cho đến ngày hôm nay, đã làm đạo diễn hàng trăm tập phim, viết kịch bản cũng hàng trăm tập phim, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, tôi vẫn dựa vào nỗi hoài niệm mong manh đó để làm điểm tựa cho cuộc sống và sáng tác của mình.

Đôi nét về tác giả

Phạm Thanh Phong sinh ngày 30-9-1959 tại Hà Nội

Giải thưởng truyện ngắn: Đêm trăng suông, Nê rô hiền dịu

Giải thưởng kịch bản: Điện thoại đồ chơi, Cỏ ngọt, Linh huyết

Giải Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng, Huy chương Vàng cho phim: Người cộng sự, Mùa hè rớt, Dương Tính, Tiếng gọi bên sông.

Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2001

Danh hiệu Nghệ sĩ Nghệ sĩ nhân dân năm 2016

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận