0 

Tọa đàm, giao lưu "Người lính viết về chiến tranh - Nói về văn học chiến tranh”

TTTĐ.VN- Vào lúc 9h30 thứ sáu ngày 25/8 tại Sân khấu Trung tâm - Công viên Thống Nhất, Đường Trần Nhân Tông, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội sẽ diễn ra buổi Tọa đàm, giao lưu "Người lính viết về chiến tranh - Nói về văn học chiến tranh”.

 Chương trình “Tọa đàm, giao lưu với Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhân dịp tái bản tiểu thuyết Tàn đen đốm đỏ với chủ đề: "Người lính viết về chiến tranh - Nói về văn học chiến tranh” do Nhà xuất bản Văn học và Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội phối hợp tổ chức.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời: Nhà văn Nguyễn Bình Phương – TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội; PGS.TS. Nhà văn Ngô Văn Giá – Trưởng Khoa Viết văn – Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Nhà thơ, Nhà báo Hữu Việt – Báo Nhân dân; Nhà văn Bảo Ninh; Nhà thơ, TS. Nguyễn Sĩ Đại – PCT Hội Nhà văn Hà Nội; Nhà văn Trung Trung Đỉnh; Nhà thơ Trần Anh Thái; Nhà văn Bình Ca; Nhà phê bình Bùi Việt Thắng; PGS.TS. Phạm Xuân Thạch – Chủ nhiệm Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn…
 

Buổi tọa đàm sẽ là những chia sẻ của tác giả Phạm Ngọc Tiến, các khách mời với đông đảo sinh viên Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, sinh viên Khoa Viết Văn – Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và độc giả quan tâm đến văn học chiến tranh.
 

Tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ” được in lần đầu năm 1994 và tái bản nhiều lần, ấn bản mới nhất vừa được NXB Văn học phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Tiểu thuyết từng đạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 5 năm (1991 - 1996).

Nội dung tiểu thuyết là câu chuyện của chính bản thân tác giả, bạn bè thế hệ ông, những hồi ức về chiến tranh, những người lính đi tìm lại đồng đội của mình. Qua tiểu thuyết, ông mong muốn chia sẻ với bạn đọc một vấn đề tồn tại nhức nhối, hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu không thể khắc phục. Với ông, đây là sự mất mát lớn nhất của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn kéo dài nhiều năm nữa trong tương lai.
 

Đã hơn 40 năm kể từ ngày non sông nối liền một dải, nhưng những ký  ức về chiến tranh vẫn còn tươi nguyên với những chiến sĩ đã trực tiếp cầm súng. “Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính” của tác giả Nguyễn Quang Vinh là một trong những tác phẩm mang âm hưởng đó. Hồi ký vừa được NXB Văn học ấn hành cùng thời điểm tái bản “Tàn đen đốm đỏ” để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, thương binh, cựu binh... những người đã hy sinh xương máu và tuổi xuân của mình vì sự hòa bình, thống nhất của dân tộc.

Qua “Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính”, bộ mặt thật của chiến tranh được phơi bày, cả vinh quang lẫn nước mắt, cả dũng cảm và hèn nhát. Nhưng trên tất cả vẫn là bản anh hùng ca của tuổi trẻ, từ bộ đội chủ lực đến giao liên, du kích. Trong hoàn cảnh cụ thể của mình, tác giả đã có những trang viết xúc động, đầy tự hào về tuổi trẻ Hà Nội trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có chính ông. 

Nguyễn Quang Vinh tâm sự, ông khắc họa lại những ngày tháng ở Quảng Trị không vì mục đính văn chương mà  như một nén hương lòng tưởng niệm và tri ân những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.

Văn học gần đây có khuynh hướng thiên về ký sự, mô tả sự thật như nó vốn có. Sự thật trong chiến tranh Việt – Mỹ vẫn mãi là những ký ức hào hùng và tiêu biểu đến mức không cần tới hư cấu vẫn lay động sâu xa tới nhiều thế hệ độc giả. Đề tài người lính viết về chiến tranh và nói về văn học chiến tranh không chỉ là những nguồn cảm hứng, những giá trị lịch sử mà còn góp phần khẳng định một khuynh hướng mới có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay.

                                                                                                                                          (Cẩm Tú)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận