0 

Tinh thần Đài Loan trong sáng tác của nhà văn Diệp Thạch Đào

Tuyển tập "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô" cho thấy chuyển động của lịch sử, văn hóa xã hội Đài Loan sau chiến tranh thế giới thứ hai. 

 Sáng 10/12, Nhà xuất bản Văn học phối hợp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ra mắt tuyển tập truyện ngắn Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô của nhà văn Diệp Thạch Đào tại Hà Nội.

Tới dự lễ ra mắt có Giáo sư Trần Ích Nguyên (Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan), ông Diệp Trạch Sơn (Giám đốc Sở Văn hóa Đài Nam, Đài Loan), PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhóm dịch giả.

Từ trái qua phải: PGS.TS Phạm Xuân Thạch, GS. Trần Ích Nguyên, dịch giả Nguyễn Thị Diệu Linh, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lồ là tuyển tập tám truyện ngắn tiêu biểu trong ba giai đoạn sáng tác của nhà văn Diệp Thạch Đào: thời trẻ, trung niên và những năm cuối đời. Nhan đề cuốn sách được lấy theo truyện ngắn cùng tên trong tập truyện.

Thánh mẫu tháng ba, Lễ tế thánh mẫu trên trời là hai trong tám truyện ngắn. Chọn đề tài cách mạng làm phạm vi phản ánh đời sống lịch sử xã hội, Diệp Thạch Đào đã thể hiện sự phản kháng của thanh niên trước bạo lực chính trị, bên cạnh lòng bao dung và sự kiên trì của phụ nữ Đài Loan.

Xã hội Đài Loan giai đoạn 1960 - 1970 được khắc họa rõ nét qua ba truyện ngắn Chiếc vòng cổ hoa hồng, Dòng họ kiếm ăn, Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô. Ở đó, người đọc bắt gặp những câu chuyện cảm động về tình yêu lứa đôi cũng như sự đa diện của đời sống xã hội như: tiếng cười lẫn nước mắt, nỗi xót xa bất lực của giới trí thức...

Với đề tài cuộc sống tộc người, Hậu duệ cuối cùng của tộc Chiraya, Hoa lay ơn và bột mỳ, Không hẹn mà gặp được nhà văn sáng tác trong giai đoạn 1989 - 1993. Chuỗi truyện cho thấy hình dung của nhà văn Diệp Thạch Đào về nền văn học đa sắc màu. Thông qua việc xây dựng hệ thống nhân vật, tác giả đã phản ánh mối quan hệ giữa tộc người Hán với tộc người thiểu số khác của Đài Loan, miêu tả những ràng buộc xuyên văn hóa giữa Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc...

Tại lễ ra mắt, PGS.TS Phạm Xuân Thạch nhận định: "Văn chương của Diệp Thạch Đào gắn chặt với lịch sử và văn hóa của đảo Đài Loan. Đó là thứ văn chương của những xung đột, đối thoại và tiếp biến văn hóa, đậm tinh thần hậu thuộc địa". 

TS. Nguyễn Thị Diệu Linh - thành viên nhóm dịch - chia sẻ: "Trong quá trình chuyển ngữ, tôi nhận thấy nét tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Đài Loan".

Cố nhà văn Diệp Thạch Đào. 

 Diệp Thạch Đào (1925 - 2008) sinh tại thành phố Đài Nam (Đài Loan). Ông là nhà phê bình, nghiên cứu văn học sử và tiểu thuyết gia của văn học đương đại Đài Loan. Với công trình Sử cương văn học Đài Loan, Diệp Thạch Đào trở thành người đầu tiên biên soạn lịch sử văn học dân tộc.

Hơn 60 năm cầm bút, ông đã cho xuất bản hơn 100 cuốn sách bao gồm tác phẩm văn học và công trình nghiên cứu, phê bình văn chương. Diệp Thạch Đào nhận nhiều giải thưởng như: "Giải phê bình văn học" của Hội Văn học Nghệ thuật Trung Hoa (1969), "Giải cống hiến trong lĩnh vực văn hóa" của thời báo Trung Quốc dành cho cuốn Sử cương văn học Đài Loan (1987), "Giải thưởng văn học Oxford" của Đại học Alethia (1998)...

Cuốn sách do nhóm dịch giả khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội chuyển ngữ và Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Trọng Trường

 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận