Tiểu thuyết “Số đỏ” trở lại với diện mạo hoàn toàn mới
Được xem là tác phẩm đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của “Ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết Số đỏ đã từng quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Mới đây, tác phẩm vừa được trở lại với một diện mạo hoàn toàn mới do Công ty Sách Đông A và NXB Văn học ấn hành.
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ hạ lưu bỗng chốc đổi đời, nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa những năm đầu thế kỷ XX.
Để tôn vinh một trong những danh tác tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam, ở bản in lần này, Đông A in lại theo bản in của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938). Đây là bản Số đỏ đầu tiên được in đầy đủ và cũng là bản sách duy nhất được in khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống.
Ban đầu, Số đỏ được tác giả ra mắt người đọc dưới dạng truyện đăng đều kỳ trên tuần san Hà Nội Báo (từ số 40, ra ngày 7-10-1936) liên tục 16 kỳ (tương ứng với 16 chương) thì bị dừng (năm 1937, do tờ Hà Nội Báo bị cấm).
Bản in của NXB Lê Cường năm 1938 là bản in đầu tiên có đầy đủ 20 chương của tác phẩm. Đến năm 1946, khi tác giả đã mất được 7 năm, tác phẩm mới được in lần thứ hai bởi một nhà xuất bản khác. Điều này có nghĩa, bản in Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938) là ấn bản đầy đủ đầu tiên và duy nhất có sự tham gia trực tiếp của tác giả Vũ Trọng Phụng.
Tác phẩm "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng trong lần trở lại với diện mạo hoàn toàn mới
Với việc làm lại bản in Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938), bạn đọc sẽ được tiếp cận một văn bản quý mà ngày nay hiếm người còn được thấy. Điều này vừa có ý nghĩa với giới sưu tầm, vừa cần thiết cho những người quan tâm, yêu mến, hoặc nghiên cứu về tác phẩm và phong cách sáng tác của Vũ Trọng Phụng.
Đặc biệt, trong lần trở lại này, tác phẩm Số đỏ còn mang đến nhiều bức hình minh họa độc đáo đến từ họa sĩ Thành Phong, từng được đông đảo độc giả biết đến và yêu thích với các dự án truyện tranh và minh họa từ hài hước đến nghiêm túc như Thương nhớ thời bao cấp, Sát thủ đầu mưng mủ, Phê như con tê tê, Long thần tướng... Anh cũng đã từng hợp tác với Đông A để minh họa cho hai cuốn tiểu thuyết lịch sử là Trần Khánh Dư và Trần Quốc Toản.
Những minh họa trong tác phẩm do họa sĩ Thành Phong thực hiện
Với nét độc đáo, trẻ trung và phong cách dí dỏm, sự kết hợp giữa minh họa của Thành Phong và cuốn "hoạt-kê tiểu-thuyết" (tiểu thuyết khôi hài) của “Ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng hứa hẹn mang đến một ấn bản hấp dẫn, đáng kỳ vọng.
Ngoài ra, tác phẩm còn được bổ sung một bảng Chú thích đặt ở cuối sách, giải nghĩa một số từ, cụm từ tiếng Pháp và các từ ít quen thuộc với bạn đọc hiện nay để giúp độc giả đọc hiểu thông suốt tác phẩm.
Bên cạnh đó, cuối sách còn có phần Phụ lục với bài viết Con người Vũ Trọng Phụng của nhà văn Lan Khai, một người bạn của tác giả, để bạn đọc có thể hiểu thêm về thời đại, về con người và tư tưởng sáng tác của tác giả tiểu thuyết Số đỏ
Hình ảnh Xuân Tóc Đỏ và cô Tuyết tại hiệu may Âu Hóa qua nét vẽ của họa sĩ Thành Phong
Với mong muốn góp phần vào việc đưa cuốn danh tác này trở về đúng vị trí là một trong những cuốn sách hàng đầu của văn học Việt Nam, ít nhiều góp phần vào việc giúp bạn đọc cảm nhận được sự trân quý đối với từng con chữ của một nhà văn bậc thầy, Đông A đã thực hiện tác phẩm Số đỏ với nhiều phiên bản khác nhau.
Trong đó, phiên bản phổ thông được làm bìa cứng, kèm bìa áo, dày 280 trang khổ in 16x24 cm. Ruột sách được in 4 màu bằng công nghệ mực vi sinh thân thiện với môi trường, trên giấy GV76-BB định lượng 100gsm (giấy dùng in bản đặc biệt S100 trước đây).
Ngoài phiên bản phổ thông, Đông A còn phát hành một số phiên bản đặc biệt của cuốn Số đỏ, gồm: 500 bản giới hạn, 100 bản tri ân và 105 bản đặc biệt làm thủ công.
Vũ Trọng Phụng là nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu bước chân vào làng văn với truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Năm 1933, trên báo Nhật Tân, ông ra mắt phóng sự Cạm bẫy người, và một năm sau tiếp tục với phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây, gây được tiếng vang lớn trong dư luận với giọng văn châm biếm, trào phúng.
Trong chưa đầy mười năm cầm bút, ông để lại hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch cùng hàng trăm bài báo, bài phê bình và tranh luận văn học, nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến các tiểu thuyết Số đỏ và Giông tố. Người đương thời xưng tụng ông là “Vua phóng sự đất Bắc” và là “Balzac của Việt Nam”. Năm 1939, ông qua đời bởi căn bệnh lao phổi trong tình trạng nghèo túng khi mới 27 tuổi.
Quỳnh Yên (Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tieu-thuyet-so-do-tro-lai-voi-dien-mao-hoan-toan-moi-680597.html)