0 

'Thư chết' - lời sám hối của người con gái dành cho cha

Tiểu thuyết của Linda Lê không có tình tiết cao trào, thắt mở. Tuy nhiên, mọi câu chữ trong sách đều ghi lại diễn biến nội tâm, sự sám hối của người con gái dành cho người cha đã qua đời. 

Thư chết là một cuốn sách mỏng về dung lượng, nhưng có sức nặng và ám ảnh. Suốt từ mở đầu tới khi kết thúc, câu chuyện chỉ có hai nhân vật: Tôi và Sirius. Các nhân vật khác chỉ hiển hiện trong lời kể, lời nhắc lại. "Tôi" là một cô gái sống xa cách cha đã 20 năm. Cô đang xếp lại những bức thư mà người cha vừa khuất gửi cho cô trong nhiều năm qua, và thổ lộ nỗi lòng với người bạn Sirius. Cô cứ nói và Sirius đóng vai trò người nghe, không lên tiếng, không một cử chỉ, dáng vóc nào được miêu tả. Nói đúng ra, tiểu thuyết chính là một cuộc độc thoại.

Cuộc độc thoại ấy lại không một lần được ngắt xuống dòng, liền mạch từ đầu tới cuối khiến người đọc như hụt hơi với tâm sự của nhân vật. 

"Thư chết" vừa có ý nghĩa là những bức thư của người đã chết, vừa ngụ ý là những dòng sám hối gửi tới người quá cố. Trong lá thư ấy đầy những giằng xé nội tâm, hối hận. Ngay câu mở đầu tiểu thuyết đã viết: "Người chết không buông tha chúng ta"; đó cũng là tâm lý đeo đẳng dai dẳng của người con gái khi không về bên cha những phút lâm chung. 

Diễn biến tâm trạng cô gái khiến câu chuyện nặng nề, u ám. Hối hận là cảm xúc bao trùm các trang sách, nhưng qua từng đoạn, từng chút một, có thể thấy sự chuyển biến tâm lý. Ở phần đầu, nhân vật "tôi" tưởng tượng về cái chết của cha, sự cô đơn những ngày cuối đời, những bức thư ông viết cho cô và sự tha thiết mong chờ con gái về bên mình. Tiếp đến, nhân vật tôi hồi tưởng lại ký ức tuổi thơ bên cha, cùng quê hương Đà Lạt mà cô đã bỏ lại 20 năm về trước.

Lý do khiến cô lần lữa không về bên cha mặc cho những bức thư tha thiết mong chờ là vì cô còn mải mê chạy theo một người đàn ông đã có vợ, một người chẳng yêu quý gì cô và các cô gái khác ngoài bản thân hắn. Cô gọi hắn là Nhà xác, bởi sự xuất hiện của hắn khiến cuộc đời cô lạnh lẽo, u ám, giống như sự hủy diệt sự sống. Cô gái nổi giận, khinh bỉ, chán ghét chính bản thân vì đã quá coi trọng và chạy theo Nhà xác.

Tác giả Linda Lê là người Pháp gốc Việt

Ngay cả những ký ức về tuổi thơ, đôi khi cũng là một điềm báo cho sự u ám. Câu chuyện cha kể cho hồi nhỏ cũng nhuốm màu tang tóc: "Cha tôi đọc cho tôi nghe mấy bài thơ, kể cho tôi nghe những câu chuyện nàng công chúa hồn ma khi đêm xuống hóa thành thiếu phụ lạc đường để cám dỗ đàn ông, rồi đưa họ về lâu đài của mình, và hôm sau những người đàn ông này tỉnh dậy giữa nghĩa trang". Hay ký ức về ngày Tết: "Đôi khi người cậu điên đến nhà chúng tôi chơi. Cậu mặc áo tuồng chèo, hát nhạc kịch, đòi uống, bứt hoa mai vàng trong sân, xé các bao lì xì treo trên cành cây và nói rằng ngày tận thế sẽ rơi vào năm đó".

Nhân vật chính tự ý thức về những hậu quả tâm lý mà mình gánh chịu: "Chúng ta cứ nghĩ mình khóc cho những gì đã mất, nhưng thực ra thì chỉ khóc cho bản thân chúng ta mà thôi. Những người chết không một mình lẻ bóng đâu, chính chúng ta mới lẻ bóng một mình...".

Linda Lê chứng tỏ khả năng sử dụng ngôn từ, hình ảnh phong phú. Cả một tiểu thuyết chỉ nói về tâm trạng ăn năn, hối lỗi, không có một sự kiện gì xảy ra. Ấy thế mà ngôn từ của chị, những hình ảnh để miêu tả, những ẩn dụ, so sánh, liên tưởng không lặp lại.

Cuốn sách như một lời nhắc nhở với những người con gái được lớn lên bên cha, tới khi đủ lông đủ cánh thì bay đi và mải mê với người đàn ông khác. Sách là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất, một thiên đường được dệt nên bởi tình yêu giữa đứa trẻ và cha. 

Sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhìn thấy ở Thư chết những tang thương chết chóc, u sầu. Nếu kiên nhẫn đi cùng Linda Lê tới cuối tác phẩm, sẽ thấy cuối đường hầm u tối vẫn luôn là ánh sáng. Chỉ một trang cuối cùng thôi, mà ánh sáng ấy tỏa rạng cả tác phẩm, giải tỏa cho những xám xịt, nặng nề trước đó: "Dường như những lá thư của cha không còn dội lên những lời oán trách, mà là một tiếng gọi để tôi hướng mắt về phía ánh sáng".

Thư chết xuất bản ở Pháp đã nhận được những đánh giá cao từ báo chí và các nhà phê bình. Tờ Lire viết: "Những ngôn từ tinh khiết và thứ năng lượng của sự tuyệt vọng nơi Linda Lê trao cho khúc độc thoại này một sức mạnh hiếm thấy, ngang ngửa Thomas Bernhard hay Stig Dagerman". Tờ Le Matricule des Anges nhận xét: "Thư chết giống như một bức thư người ta tự gửi cho mình, một mệnh lệnh, một cuộc hẹn. Kết cuộc là một sự tĩnh lặng tuyệt đối, cho phép cảm xúc giận dữ dồn nén bên trong được choán đầy không gian". 

Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, cha là kỹ sư người Việt và mẹ người Pháp. Năm 1981, Linda Lê đến Paris theo học văn chương tại trường Henri IV. Chị viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp nhưng các tác phẩm phần lớn đều được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và cả tiếng Việt. Các tác phẩm của Linda Lê được nhiều người biết đến như Sự dịu dàng của Ma cà rồng (1986), Tình ca ác quỷ (1989), Phúc âm tội ác (1992), Vu khống (2009), Lại chơi với lửa (2010)...

Chị cũng nhận được rất nhiều giải thưởng văn chương của Pháp: giải thưởng Tài năng năm 1990, giải Văn chương sáng tạo năm 1993, giải Fénéon năm 1997. Năm 2007, tác phẩm Hồi tưởng của Linda Lê được giải Prix Femina và giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng.

Hiền Đỗ 

Nguồn: Vnexpress

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận