0 

Thơ Bác Hồ qua trí nhớ của bà Đặng Quỳnh Anh

Bài viết trích từ "Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh" (quyển 1) của nhà văn Sơn Tùng.

Cụ bà Đặng Quỳnh Anh, năm nay 97 tuổi , hiện đang nghỉ hưu tại khu tập thể Tương Mai, Hà Nội, là em gái chí sĩ Đặng Nguyên Cẩn. Tham gia cách mạng từ phong trào Duy Tân Hội, năm 1913, cụ xuất dương sang Thái Lan, cùng hoạt động với các chí sĩ Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính... Những năm tháng hoạt động trên đất Đông Bắc Thái Lan, công việc chính của đoàn thể giao cho cụ là đón tiếp các đồng chí ở trong nước sang và phụ trách trại trẻ của Việt Nam Quang Phục Hội, rồi Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội...

Các đồng chí hoạt động trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường đi qua Thái Lan hầu hết đều ở trong nhà cụ. Bác Hồ với tên gọi Nam Sơn, Thầu Chín đến Thái Lan năm 1928-1929 cũng ở trong nhà cụ Quỳnh Anh một thời gian...

Cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Đặng Quỳnh Anh trải qua nhiều giai đoạn, nhiều tổ chức khác nhau. Cụ lại có một trí nhớ rất đặc biệt. Do đó, cụ còn nhớ được khá nhiều bài thơ của các nhà cách mạng sáng tác trên đất Thái Lan. Đặc biệt là những bài thơ của Bác Hồ mà cụ đã thuộc được từ thời kỳ ấy, nay cụ còn nhớ. Chỉ có điều, cụ không thể nhớ lại tất cả cùng trong một lúc mà phải trò chuyện ngày này, lúc khác cụ mới nhớ lần lần khi một đoạn, một số câu, cũng có bài cụ nhớ được trọn vẹn, đọc trong một lúc.

Trong mấy năm liền, hàng tháng tôi thường đến thăm cụ đều đặn và mỗi lần trò chuyện với cụ, tôi đều ghi chép được thêm những bài thơ cách mạng đáng quý. Năm 1928, dịp mùa thu, cụ đã thuộc bài phỏng dịch Quốc tế ca của Bác:

Những ai nô lệ trên đời
Những ai cực khổ đồng thời đứng lên
Bất bình này chịu sao yên
Phá cho tan nát một phen cho rồi
Bao nhiêu áp bức trên đời
Sạch sành sanh phá tơi bời mới tha
Cuộc đời này sẽ biến ra
Ta xưa con ở, nay là chủ ông
Trận này là trận cuối cùng
Ầm ầm Đoàn lực, đùng đùng
Đảng cơ Lanh-téc-na-xô-nan-lơ
Ấy là nhân đạo, ấy là tự do
* * *
Công nông phải có Đảng to
Có nhà thì mới có kho, có tài
Trời sinh đất của muôn người
Những quân biếng nhác thì mời chúng đi
Những quân ăn xổi ở thì
Ta làm chúng hưởng lẽ gì xưa nay?
Đến khi diệt hết bọn này
Cuộc đời sáng sủa tháng ngày ung dung
Trận này là trận cuối cùng
Ầm ầm Đoàn lực, đùng đùng
Đảng cơ Lanh-téc-na-xô-nan-lơ
Ấy là nhân đạo, ấy là tự do.

Theo cụ Quỳnh Anh thì có một số đồng chí đã được đọc lời bài Quốc tế ca bằng tiếng Pháp, hơi phân vân về bài phỏng dịch của Bác... Bác giải thích đại ý: Cái đích của sự dịch là nhằm phục vụ cách mạng, cốt sao cho những người bình thường dễ nhớ, dễ hiểu để học làm. Cách mạng là sự nghiệp quần chúng.
* * *
Một buổi trăng lên. Bác Hồ đang công tác tại Thạt U-Thêm, một huyện lỵ sát bờ sông Mê Kông, Bác đã cùng với ông Võ Tùng (chồng cụ Quỳnh Anh) và ông Toản ngồi trên bến sông, bàn công việc. Lúc nhìn về phía đất Lào, trước cảnh trí đêm trăng, ông Toản (Đông Tùng) xúc động xin Bác làm một bài cảm tác để kỷ niệm. Bác ngẫm nghĩ một lát, đọc luôn tám câu thơ:

Sông núi u sầu cảnh tịch liêu
Khen ai khéo vẽ bức tranh chiều
Chim tìm tổ cũ lơ thơ liệng
Dế nấp hang sâu ríu rít kêu
Đỉnh núi lập lòe vầng ác lặn
Sườn non lấp ló bóng trăng gieo
Trông về cố quốc lòng thao thức
Một đóa lan cù gió hắt hiu.
* * *
Cụ Đặng Quỳnh Anh mãi gần đây mới nhớ và đọc cho tôi nghe bài “Công nông liên minh”.

Cụ được đọc bài thơ ấy đăng trên một báo của cơ quan Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Thái Lan, khoảng năm 1929. Nhưng mãi tới năm 1946, một số đồng chí phụ trách Tổng bộ Việt kiều mới cho cụ biết tác giả bài thơ “Công nông liên minh” là Hồ Chủ tịch.

Công nông đôi bạn kết liên minh
Lịch sử giao cho xóa bất bình
Búa nọ đập tan quân ác nghiệt
Liềm kia cắt sạch lũ hôi tanh
Ta nhiều sao chịu thân ta nhục
Chúng ít lại tôn(?) xác chúng vinh
Phất ngọn cờ hồng lên mặt trận
Cùng nhau ta chiến đấu hy sinh.

Năm 1947, cụ Đặng Quỳnh Anh được Tổng bộ Việt kiều cử về U-Đon vận động bà con Việt kiều lập Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Phụ lão kháng chiến để đón các chiến sĩ ở mặt trận miền Tây sang an dưỡng, điều trị và vận động con em mình về nước tham gia kháng chiến, cứu nước.

Trong một cuộc liên hoan văn nghệ đón anh em chiến sĩ sang an dưỡng, có một đại biểu từ trong nước mới sang nhận công tác lãnh đạo Tổng bộ Việt kiều đã đọc bài thơ Lẩy tam thiên tự. Cụ Đặng Quỳnh Anh còn cho biết thêm: Trước lúc đọc bài thơ vị đại biểu giới thiệu sự xuất xứ của bài thơ này là của Bác Hồ tặng các cụ phụ lão, nhân Hội nghị Lão quân toàn quốc tại tỉnh Phúc Yên, cuối năm 1946:

Phụ lão ta cùng các giới đồng bào thống nhất
Đoàn kết như “thiên: trời, địa: đất”
Đồng nhất tâm “một: mất, tồn: còn”
Ông cha ta gây dựng nước non
Truyền để lại “tử: con, tôn: cháu”
Dân Việt Nam quyết thề tranh đấu
Chẳng quản dài lâu “lục: sáu, tam: ba”
Quyết tâm xây nền Dân chủ Cộng hòa
Cho vẹn cả “gia: nhà, quốc: nước”
Giống rồng tiên đủ tài thao lược
Lớp lớp xông lên “tiền: trước, hậu: sau”
Đứng lên ngang với hoàn cầu
Thoát khỏi cảnh “ngưu: trâu, mã: ngựa”
Cuộc sống nhuốc nhơ quyết rửa
Sợ gì quân “cự: cựa, nha: răng”
Mặc Tây nhiều bom đạn xe tăng
Ta lắm mẹo: “vô: chăng, hữu: có”
Sợ gì quân “khuyển: chó, dương: dê”
Kháng chiến gian nan nào có quản gì
Đánh cho chúng “quy: về, tẩu: chạy”
Phụ lão ta đồng tâm đứng dậy
Đánh cho Tây “bái: lạy, quy: quỳ”
Với những ai lạc lối chạy về
Ta chỉ đánh kẻ “khứ: đi”, tha người “lai: lại”
Người cách mạng đồng tâm hăng hái
Không kể gì “nữ: gái, nam: trai”
Chữ kiệm cần, liêm chính chớ đơm sai
Gột đầu óc “đái: đai, quan: mũ”
Khuyên con cháu bài trừ tục hủ
Và gia tăng “túc: đủ, đa: nhiều”
Gắng học hành cho biết đủ điều
Chớ lệch lạc “ái: yêu, tăng: ghét”
Phụ lão ta một lòng đoàn kết
Thế mới là “thức: biết, tri: hay”
Làm sao cho đất nước ngày mai
Như bồi đắp “mộc: cây, căn: rễ”
Tiền nhân ta hồi mười ba thế kỷ
Hội Diên Hồng quyết chí phá quân Nguyên
Tổ tiên ta bao sử sách còn truyền
Chống xâm lược giữ vẹn tròn bờ cõi”.

Thường mỗi bận nhớ lại và đọc thơ, cụ Đặng Quỳnh Anh nói: “Thời cách mạng còn trong bóng tối, thơ ca cách mạng cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng không được in ấn công khai, phổ biến rộng rãi như ngày nay. Chúng tôi phải học thuộc lòng những bài thơ cách mạng để bí mật tuyên truyền cho người khác. Nhờ vậy mà nhớ được một số bài thơ của Bác cho đến già. Vì lâu ngày và do sự truyền miệng từ người này qua người khác có thể tôi quên đôi chỗ, nhớ sai một số chữ, giảm phần hay bài thơ của Bác... Tùy các đồng chí lượng định”.

Tôi cũng đem so sánh đối chiếu ba bài thơ và bài phỏng dịch Quốc tế ca của Bác Hồ trong tập Hồ Chí Minh giai sử của ông Đông Tùng. Số câu thơ như nhau, có khác biệt một số từ, không đáng kể. Hy vọng ở các nhà hoạt động cùng thời với Bác trên đất Thái Lan sẽ bổ sung được đầy đủ, chính xác hơn.

(1) Bà Đặng Quỳnh Anh sinh năm 1885, mất ngày 18- 9-1984 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 100 tuổi.

-Ngõ Văn, 1982-

 

Bình luận (1)
huynh-xuan-nhan
Huỳnh Xuân Nhân
19 May 2020
Tôi muốn biết tác phẩm này và cuốn (Con người và Con đường) của nhà văn Sơn Tùng viết về cụ Đặng Quỳnh Anh bây giờ tìm mua ở đâu nhờ NXB chỉ giúp . Tôi xin chân thành cám ơn
Viết bình luận