0 

'Thạch trụ huyết' – Vấn thế gian thế nào là nhân nghĩa

Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trần Bé cuộc đời của bạo chúa khát máu Sùng Chứ Đa hiện lên vừa đáng thương vừa đáng sợ, một minh chứng cụ thể về cơn mê quyền lực của con người. 

 Nguyễn Trần Bé là nhà văn sở hữu lối viết rất đa dạng, từ bút ký đến thơ thiếu nhi ông đều có thể sáng tác. Văn chương của cây viết lão làng này thường mang tính phổ quát cao, dễ đọc, dễ tiếp nhận nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ hướng tới cái chân, thiện, mỹ ở đời.

Để hoàn thành tác phẩm Thạch trụ huyết, tác giả đã phải vất vả trong suốt bảy năm vừa viết vừa lao động, tìm hiểu, quan sát cuộc sống sinh hoạt của bà con đồng bào người Mông. Tác phẩm với cái tên ấn tượng này đã đem về cho ông giải ba trong cuộc thi viết tiểu thuyết lần thứ thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam.

Thạch trụ huyết là câu chuyện kể về cuộc đời của tên bạo chúa Sùng Chứ Đa. Sinh thời hắn vốn là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, có tố chất trở thành thủ lĩnh thâu tóm một vùng thiên hạ. Nhưng người đời vẫn nói, trẻ sinh giờ thiêng hoặc thành kỳ nhân hoặc thành ác nhân. Chứ Đa là con của trời, nó có sự dũng cảm bản lĩnh hơn người nhưng cái ác trong máu cũng mạnh mẽ hơn bất kỳ ai.

Ở nơi mù sương, xám đá này từ một thanh niên tay trắng mà hắn đã lập nên cả một cơ nghiệp với đội quân Đại Thạch khét tiếng chỉ bằng con đường điều chế và bán thuốc phiện. Người dân bị khủng bố tinh thần bằng bạo lực, bị tàn sát không thương tiếc. Nơi vó ngựa Chứ Đa đi qua cỏ không mọc nổi. Đỉnh điểm của sự tàn bạo độc tài ấy là việc tên bạo chúa cho xây dựng một cột trụ đá để hành hình những kẻ chống lại mình.

Nạn nhân sẽ phải chịu đau đớn, giày vò cả thể xác lẫn tinh thần cho đến chết. Máu của kẻ xấu số tưới đẫm cột thành những mảng loang lổ như một con quái vật kỳ dị đang ngấu nghiến nuốt trọn con mồi.

Nhưng ngồi trên tháp ngà tự phong Chứ Đa không hề hay biết một cuộc cách mạng đang âm thầm diễn ra và kẻ lãnh đạo lại chính là đám bạn thân thiết thủa hàn vi của hắn. Họ là Seo Lử, Mí Vư, Tháo Mỷ, A Pẩu… những người con chiến đấu vì nhân nghĩa, vì đạo làm người, giải thoát chúng sinh, bá tánh khỏi cảnh thống khổ, lầm than.

Truyền thống Đông phương thường khuyên con người ăn ở sao cho hợp lẽ đời, đừng tạo nghiệp để tránh tai ương. Giáo lý nhà Phật khuyên chúng ta hãy cố gắng tu tập hướng đến mục tiêu chính là cuộc sống hướng thiện, giải thoát, tự tại. Người nào đạt được những điều trên, kẻ ấy hạnh phúc nhất thế gian. Thật tiếc Chứ Đa lại nằm ngoài số đó. Vì thế dù cố gắng nhưng y cũng không thể kháng được mệnh trời.

Khi cái ác bị đẩy lên tới tận cùng đương nhiên sẽ xuất hiện sự phản kháng, cách mạng. Bản chất dã man, thú tính của Chứ Đa được miêu tả sắc bén tới nỗi chính quân binh dưới trướng cũng không thể chịu nổi. Họ đã bật khóc trong bất lực, vụng trộm giấu kín đi hàng nước mắt xót thương cho những kiếp người bị bạo chúa hành hình.

Bằng một lối viết nặng miêu tả, tác giả khéo léo dẫn dắt, xuyên suốt các sự kiện khiến người đọc bị thuyết phục. Thiện ác đối đầu, không một chi tiết thừa thãi, tạo cho mạch chuyện một sự chắc chắn, hoàn chỉnh về thuyết nhân quả cõi đời. Bên cạnh đó nội tâm của các nhân vật cũng được phơi bày, đặc tả kỹ càng, tường tận nhất có thể.

Nếu như Sùng Chứ Đa làm người đọc kinh hãi, căm hờn bằng những hành động không thể dung thứ thì cái tình, cái lý, sự đùm bọc nơi chốn hoang vu giữa người với người lại khiến độc giả cảm thấy ấm lòng mà rưng rưng nước mắt. Cái thiện vẫn chưa bị tận diệt, luôn song hành chờ ngày phản kháng.

Seo Lử được tạo ra như một thế đối trọng với Chứ Đa, không quá lời nếu ví chàng trai Mông này sống trọng tình như Lưu Bị trong Tam Quốc diễn nghĩa. Cũng chính sức mạnh ấy mà anh được buôn làng tin theo, cầm vũ khí cùng Seo Lử chống lại kẻ thù.

Trong Thạch trụ huyết không có ai là kẻ ác mãi mãi. Tác giả đã thể hiện góc nhìn nhân đạo với tất cả các nhân vật từ đó để cho họ một đường lùi để cải tà quy chính. Đọc văn mà như thấy được khuyên răn, tự nhủ trong lòng sống tốt, đời sẽ không đãi bạc người lành.

Thạch trụ huyết miêu tả khá nhiều về các trận đánh của Chứ Đa. Một yếu tố khiến cuốn tiểu thuyết trở nên đáng đọc. Tài cầm quân và đầu óc đầy tham vọng, mưu lược đã giúp hắn chiếm được hết các vùng đất, bày binh bố trận không thua kém mưu sĩ năm xưa. Vậy tại sao một kẻ tài giỏi như vậy lại sa ngã, lầm lạc? Đây sẽ câu hỏi khiến người đọc phải suy nghĩ, thậm chí là ám ảnh để rút ra câu trả lời của riêng mình.

Những thứ Chứ Đa hướng tới như tài sản, quyền lực, thuốc phiện chỉ là phù du hư ảo, một ngọn lửa thiêu sẽ xóa sạch mọi sự tồn tại của y. Hắn đã ỷ vào sức mạnh để hà hiếp chèn ép mọi người mà quên đi con người thật của mình, mặc cho chất độc gặm nhấm, mục nát tận bên sâu trong tâm hồn. Một hồi chuông cảnh tỉnh cho ai đang sa đà, u mê. Nếu tất cả chỉ lo làm giàu về của cải vật chất mà sống không có đạo đức thì sẽ tạo ra mầm họa lớn cho xã hội.    

                                                                                                         My Lan  (news.zing.vn)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận