0 

Tạo đời sống mới cho tác phẩm kinh điển

Thời gian gần đây, bên cạnh việc đầu tư công phu cho phiên bản giới hạn, nhiều đơn vị xuất bản trong nước cũng đã chú ý đến việc đầu tư về hình minh họa, qua đó góp phần làm “sống lại” những tác phẩm văn học kinh điển của nước nhà.

Bằng những hình ảnh minh họa bắt mắt, các tác phẩm kinh điển trở lại với độc giả ngày nay qua một diện mạo mới

Khi văn chương và hội họa kết giao 

Dù không còn xa lạ nhưng khi thông tin tác phẩm Số đỏ (NXB Văn học) của nhà văn Vũ Trọng Phụng được Công ty Sách Đông A tái bản đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Bởi lẽ, ấn bản vừa ra mắt được đơn vị này làm lại từ bản in Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938), chính là ấn bản đầy đủ đầu tiên và duy nhất có sự tham gia trực tiếp của nhà văn Vũ Trọng Phụng lúc bấy giờ. Đặc biệt, sách được minh họa bởi họa sĩ Nguyễn Thành Phong, một họa sĩ có nhiều dự án truyện tranh và minh họa gây ấn tượng từ trước như Thương nhớ thời bao cấp, Sát thủ đầu mưng mủ, Long thần tướng… 

Cùng thời điểm, Đông A giới thiệu đến độc giả Tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (NXB Văn học). Dù còn quá sớm để xếp truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vào hàng kinh điển, tuy nhiên, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ngay từ khi xuất hiện vào hơn 30 năm trước. Lần này, Tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được tái bản từ bản in năm 2007, đồng thời có sự tham gia minh họa của các họa sĩ đương đại Việt Nam như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Phan Cẩm Thượng, Đào Hải Phong…

Trước đó, Đông A còn ra mắt ấn bản Truyện Kiều (NXB Văn học) của Nguyễn Du do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải. Tác phẩm có sự tham gia của 15 họa sĩ được xem là tiêu biểu cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam minh họa riêng cho ấn phẩm. Một tác phẩm kinh điển khác cũng được Đông A đầu tư minh họa công phu là Lục Vân Tiên (NXB Văn học) do một mình họa sĩ Nguyễn Công Hoan vẽ minh họa. Để hoàn thành dự án này, họa sĩ Nguyễn Công Hoan đã dành gần nửa năm để hoàn thành gần 20 bức minh họa cho tác phẩm. 

Ngoài Đông A, NXB Kim Đồng cũng là đơn vị được xem có nhiều nỗ lực trong việc làm mới những tác phẩm văn học kinh điển. Sau tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, đáng chú ý là tác phẩm Lĩnh Nam chích quái, một tập sách ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ tích của nước ta. Tác phẩm viết bằng chữ Hán và theo các nhà nghiên cứu, có thể được xuất hiện từ đời Trần. Không chỉ xuất hiện trở lại, Lĩnh Nam chích quái còn có hơn 200 bức minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long, đã tạo nên một diện mạo thực sự bề thế và cuốn hút cho tác phẩm. 

"Chính hội họa đã tạo ra cho chúng ta mặc định, để chúng ta tưởng tượng được về người xưa, tạm chấp nhận một giả thuyết như vậy. Đó chính là lý do vì sao những bộ phim lịch sử Việt Nam luôn có tình trạng tranh cãi vì chúng ta thiếu những tư liệu đó. Như vậy, hội họa hay điêu khắc sẽ giúp chúng ta có một kiến thức về văn hóa, lịch sử, bối cảnh với giai đoạn đã xa với chúng ta." - Nhà phê bình MAI ANH TUẤN
 

Đóng góp bên ngoài văn chương 

Trong một chương trình giao lưu về chủ đề vẽ minh họa văn chương do Trạm Radio và Đông A tổ chức gần đây, họa sĩ Kim Duẩn, người đã có nhiều kinh nghiệm trong việc vẽ bìa và minh họa cho các tác phẩm văn chương, cho rằng, minh họa các tác phẩm văn chương là một việc rất nên làm. Điều quan trọng của một cuốn sách là ngay từ đầu phải tạo được sự hấp dẫn người đọc khiến họ quyết định mua, sau đó sẽ thưởng thức qua độ hấp dẫn của minh họa và cảm thụ tác phẩm đó một cách dễ chịu hơn. “Nếu một cuốn sách mà giảm nhẹ yếu tố mỹ thuật, có thể tác phẩm vẫn rất hay, nhưng nó làm giới hạn lượng độc giả hơn và mọi người sẽ cảm thấy ngại ngần khi đọc những cuốn sách như vậy”, họa sĩ Kim Duẩn bày tỏ.

Còn nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng, minh họa cho văn chương chính là việc làm sáng nghĩa hơn tác phẩm văn chương qua kênh hội họa. Anh đánh giá cao trường hợp của tác phẩm Số đỏ, khi họa sĩ Nguyễn Thành Phong đã đọc và có sự thấu hiểu với tinh thần của tác phẩm. Theo anh, hình vẽ trong tác phẩm mang đến góc nhìn hiện đại, những nhân vật, những trang phục hoặc cách thể hiện không chỉ nằm trong giai đoạn Âu hóa những năm 1930 thế kỷ trước, mà có thể gặp hình ảnh đó trong xã hội hôm nay. Và đó là cách đem một tác phẩm văn học cách đây hơn 80 năm trở lại với đời sống ngày hôm nay dễ dàng hơn. 

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận định: “Những tác phẩm có khoảng cách về mặt lịch sử và văn hóa như vậy, nếu có góc nhìn hội họa hay có cách vẽ nào đó làm đa dạng hóa hình thức, đưa những tác phẩm văn học đó đến với độc giả hôm nay, quả thật là cách làm hay. Và tôi rất hy vọng thế hệ họa sĩ mới như Kim Duẩn, Nguyễn Thành Phong tiếp tục để tâm hơn làm mới những tác phẩm văn học kinh điển qua góc nhìn hội họa”.

Hồ Sơn (Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tao-doi-song-moi-cho-tac-pham-kinh-dien-686016.html )