0 

“Rừng hát” tuyển tập tác phẩm đồ sộ đậm tính nhân văn

(Vanhien.vn) Tôi đã từng đọc rất nhiều tuyển tập tác phẩm của các tác giả trong nước, nhưng thực sự cảm phục về sự đồ sộ và đậm tính nhân văn của cuốn sách có lẽ phải nhắc đến tuyển tập tác phẩm “Rừng hát” của nhạc sĩ Trương Minh Phương do Nhà xuất bản Văn học ra mắt tháng 1/2015. Sự đồ sộ và tính nhân văn đặc sắc của tuyển tập không phải chỉ dừng lại ở số lượng bài như phần Giai điệu 128 tác phẩm, Bên cánh màn nhung 80 tác phẩm, Muôn sắc 8 tác phẩm…mà còn là sự đồ sộ về khối lượng kiến thức và tính nhân văn được chứa đựng trong tuyển tập xuyên suốt đề tài nơi nghệ sĩ lão thành đã từng gắn bó cả cuộc đời với dải đất Bình-Trị-Thiên khói lửa, nơi có dãy Trường Sơn hùng vĩ…

 Là người lính trên mặt trận văn hóa, phục vụ trong đoàn Tuyên truyền lưu động Trung Bộ, nhạc sĩ Trương Minh Phương đã đi khắp Trường Sơn, hiểu rõ hơn về đời sống của chiến sĩ, của đồng bào các dân tộc ở những vùng đất đã che chở ông trong những năm tháng kháng chiến. Trường Sơn, người lính và người dân trên mảnh đất này chính là những chủ đề tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ Trương Minh Phương. Đặc biệt Trường Sơn hùng vĩ được thể hiện quá đậm nét  quá đầy đủ qua những tác phẩm của ông như phần giới thiệu về cuốn sách của  Nhà Xuất bản Văn học: Đề tài xuyên suốt trong suốt cuộc đời sáng tác của ông chính là núi rừng Trường Sơn, người lính và người dân trên mảnh đất này. Có thể tìm thấy qua những “Mưa rừng”, “Gió rừng”, “Lửa rừng”, “Suối rừng”, “Nhớ rừng”, “Ngày hội rừng”, “Lời ru của rừng”, “Ta càng yêu rừng”, “Huyền thoại về rừng”, “Rừng xanh quê em”, “Ánh mắt rừng xanh”, “Tổ ấm rừng xanh”, “Tình bạn rừng xanh”, “ Dư âm tình rừng”… đến tuyển tập ca khúc “ Tiếng rừng” và bây giờ là tuyển tập tác phẩm  “Rừng hát”. Với  chừng ấy tác phẩm về rừng cũng quá đủ nói lên tính đồ sộ của tuyển tập “ Rừng hát”. 

Chúng ta biết rằng, nhạc sĩ Minh Phương được đào tạo về âm nhạc nhưng trong tuyển tập “Rừng hát”, sáng tác của ông rất phong phú, nhiều thể loại: từ ca khúc, thơ, kịch bản sân khấu, truyện ngắn đến những công trình sưu tầm nghiên cứu. Nội dung đề tài sáng tác ca khúc, kịch bản sân khấu của nhạc sĩ Minh Phương rất đa dạng, nhiều chiều, đồng thời mang tính cập nhật vào những vấn đề thiết thực của cuộc sống, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, kinh tế , văn hóa, xã hội của địa phương, của đất nước đúng với tâm thế của một chiến sĩ văn hóa, thể hiện trọn vẹn ý thức công dân của văn nghệ trước sự chuyển chuyển biến, đổi thay của đất nước. Các tác phẩm của ông như những bức tranh đẹp về núi rừng, về quê hương đất nước, con người Việt Nam và thể hiện một tâm hồn trẻ trung, nhân hậu, luôn tìm tòi sự sáng tạo và đậm đặc tính nhân văn sâu sắc. Từ thực tiễn cuộc sống sinh động mà ông được trải nghiệm, luôn hòa mình vào đời sống và gắn bó với nhân dân, hết lòng tận tụy với bạn bè đồng nghiệp đã làm nên một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và mang tính nhân văn sâu sắc, tạo nên một giá trị lớn, rất đáng trân trọng của nhạc sĩ Minh Phương.

Còn nhớ, vào những năm cuối của thập niên 70 và đầu những năm 80, khi đó tôi đang là chiến sĩ quân đội được tham gia các lớp sáng tác (Trại sáng tác Quân khu 4) và dự Hội diễn văn nghệ quần chúng của Quân khu 4, tôi được nghe nói nhiều về những tác phẩm của nhạc sĩ Minh Phương, được học như những sáng tác kinh điển. Nhiều đơn vị của quân khu 4 lúc bấy giờ như E176,  E 214,  F 341, F 324 đã chọn dàn dựng  những  ca khúc vở kịch ngắn của ông nói về tình quân dân trong chiến đấu và lao động sản xuất, mối tình đoàn kết Việt Lào...để tham gia Hội diễn và được khan giả đánh giá cao những tác phẩm của ông. Sau này tôi chuyển  về ngành Văn hóa-Thông tin tôi lại càng vinh dự có dịp được gặp gỡ và hiểu nhiều hơn về nhạc sĩ Minh Phương, người nghệ sĩ tài hoa và dễ gần, dễ mến.

Ca khúc: “Chiều Trường Sơn” được nhạc sĩ sáng tác năm 1980 là một trong những tác phẩm được công chúng đón nhận, với tiết điệu  slow lắng động, lay thức hàng triệu con tim người Việt lúc bấy giờ. Đúng như nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viên Âm nhạc Huế nhận xét: “Với ca từ mộc mạc, hát như kể chuyện trong dòng chảy giai điệu hoài niệm, nhớ thương. Ca khúc như làm sống lại một thời đạn bom, một thời hào hùng nhưng đầy tính nhân văn của thế hệ cha anh đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của quốc gia, dân tộc. Ít ai biết trong khói hương nghi ngút trước phần mộ các liệt sĩ Trường Sơn, ông đã dấu kín nỗi buồn, dấu kín tâm tư khi liên tưởng có lẽ một ngày nào đó, con trai mình cũng sẽ về nằm ở đây. Người con trai cả của nhạc sĩ thời điểm đó đang chiến đấu ở mặt trận biên  giới phía Bắc đầy khốc liệt, nơi sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc. Bài hát lắng đọng hòa trộn đan xen những cảm xúc riêng-chung, những nỗi niềm ruột thị đau đáu, nhớ thương với tình cảm, sự trân trọng, thương nhớ, biết ơn những người anh hùng của dân tộc”.

Và rất nhiều ca khúc khác nữa trong “Rừng hát” như:  Ôi Đa Nhim,  Nhớ về Đà Lạt, Đêm rừng già, Xanh tít chân trời, Lời ru cánh võng đường dây, Bình Định tôi yêu, Nhớ biển, Huyền thoại Mimosa, Chim én bay xa…Đây là những ca khúc có giai điệu đẹp mang tính nhân văn sâu sắc, dễ hát dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. Đặc biệt ca khúc Hành khúc tháng Mười  tác giả đã chọn cách tiếp cận với cách mạng Tháng Mười thông qua hình ảnh Bác Tôn Đức Thắng với biển Hắc Hải, với xứ dừa An Giang, với chiến hạm Rạng Đông để nói lên mối tình đầu tuyệt đẹp giữa quan hệ hai nước Việt Nam-Liên Xô.

Như phần trên đã nói nhạc sĩ Minh Phương không chỉ có tài sáng tác ca khúc mà trong sáng tác thơ và sân khấu cũng khá nổi tiếng trong sự nghiệp sáng được thể hiện trong “ Rừng hát” như vở kịch nói ba cảnh “ Lưa rừng”, hay vở kịch nói một màn “ Gió rừng”…Nhưng có lẽ tôi vẫn thích nhất đó là vở kịch ngắn: Giám đốc chịu chơi, vở kịch tâm lý ngắn nhưng đã có dụng phê phán được thói phô trương hình thức, xa hoa lãng phí của một số cán bộ. Vở kịch vui hóm hỉnh nhưng không kém phần đấu tranh, xây dựng.

Viết về đề tài biển đảo, nhạc sĩ Minh Phương với hoạt cảnh dân ca “Đảo xa” thật xúc động và cuốn hút và cũng thật đậm tính nhân văn, vừa thể hiện được tình cảm của người vợ ở hậu phương với người chiến sĩ nơi đảo xa, vừa  là những lời động viên chồng yên tâm cầm chắc tay súng bảo vệ biên cương, hải đảo. Hoạt cảnh dân ca Bình Trị Thiên với âm hưởng mộc mạc sâu lắng đi sâu lòng người có sự hòa quyện của thơ của nhạc và dân ca, thật xúc động. Hay có những vở kịch vui “Bức điện khẩn” với sự kết thúc vở kịch là bức điện “Mẹ qua đợi anh chị về gặp” với công nghệ không dấu của bức điện thế này chắc Thượng đế cũng phải cười ra nước mắt…

Một mảng đề tài nữa mà nhạc sĩ Minh Phương sáng tác nhiều đó là viết về đồng bào dân tộc thiểu số. Ông đã cùng ăn , cùng ở với đồng bào ở các bản làng xa xôi hẻo lánh nên có nhiều tác phẩm nghệ thuật về đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến những sáng tác như: Đêm rừng già, Người Cơ Ho xuống núi, Nghe đàn đá Khánh Sơn...

Có thể nói “Rừng hát” cho ta rất nhiều cảm xúc với nhiều thể loại ca khúc, hợp xướng, kịch ngắn, hoạt cảnh, dân ca… có lúc chúng ta xúc động trào dâng về những mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa người dân và chiến sĩ quân đội, sự sẻ chia trong đói nghèo, sự can trường vượt lên trong mọi hoàn cảnh… lúc bùng lên ngọn lửa căm thù quân xâm lược , lúc được tắm mình trong dòng chảy cuộc đời, trong khung cảnh tuyệt đẹp của quê hương,đất nước, lúc tưng bừng,  hối hả rộn vui… Nhưng cảm nhận rõ nét nhất đó chính là khối kiến thức đồ sộ ghi nhận sự lao động không mệt mỏi của người nghệ sĩ. Những tác phẩm của nhạc sĩ Minh Phương được ra đời như là sự thôi thúc từ trong sâu thẳm của tâm hồn, với lòng nhiệt huyết hiến dâng. Một sự lăn lộn, trải  nghiệm thực tiễn của người nghệ sĩ đa tài, một trái tim nhân hậu gần gũi rất đỗi thân thương. Những tác phẩm của ông chứa đựng một tình yêu quê hương đất nước, yêu con người và vượt lên hết đó là tính nhân văn sâu sắc.

                                      Hà Nội, tháng 12 năm 2016

      Thạc sĩ Văn hóa học Trần Anh Tuấn - Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận