0 

"Rừng có tiếng người" qua góc nhìn thấu cảm

Nhà văn Đinh Công Diệp. Ảnh: L.Q.V

Nhà văn Đinh Công Diệp. Ảnh: L.Q.V

Gần tròn 10 năm nhà văn Đinh Công Diệp đi xa, tưởng nhớ ông, tháng 6.2021, với sự chung tay của gia đình cố nhà văn, NXB Văn học và Lienviet đã ấn hành ''Rừng có tiếng người’’ - tiểu thuyết thứ 2 và cũng là tác phẩm cuối cùng của ông. Cuốn tiểu thuyết cho thấy tâm hồn mẫn cảm của một người văn thành danh nơi xứ Tuyên về sự kỳ vĩ, bí ẩn của vùng cao nguyên đá Hà Giang cùng những thăng trầm của các thân phận.

Lặng lẽ một tài văn

Như nhiều địa phương khác, Tuyên Quang là tỉnh có khá đông nhà văn; nay người còn, người mất. Số người định cư dài lâu tại xứ Tuyên bao gồm: Lan Khai (Nguyễn Đình Khải), Đinh Công Diệp, Phù Ninh (Nguyễn Văn Mạch), Cao Xuân Thái, Trịnh Thanh Phong, Vũ Xuân Tửu, Gia Dũng... và một số sau này về sống ở Hà Nội như: Mai Liễu, Đoàn Thị Ký, Trần Mạnh Tiến, Lê Vũ Hạnh Phúc (Lê Tuấn Lộc), Lương Ky (Lương Hùng).

Đinh Công Diệp (1942 - 2012) nổi tiếng với truyện ngắn ''Hương bạch đàn’’ đăng trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào những năm 70. Theo thống kê của nhà văn Vũ Xuân Tửu (hiện sống tại xứ Tuyên), từ 1970 - 2010, Tuyên Quang có 9 tác giả được đăng 19 truyện ngắn trên Tuần báo Văn nghệ, thì nhà văn Đinh Công Diệp có tới 3 truyện ngắn: ''Hương bạch đàn’’, ''Gió vào cửa bầu’’, ''Lùng Tù’’. Năm 1971, ông đã được tặng giải Nhì (không có giải Nhất) của Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc với truyện ngắn ''Suối tiên’’ và đã được UBND tỉnh Tuyên Quang trao tặng Giải thưởng Tân Trào (đợt 1, năm 2012).

''Đinh Công Diệp là nhà văn viết ít, nhưng có văn (ở Tuyên Quang chỉ có vài người viết văn mà có văn). Ông đã xuất bản 4 đầu sách, gồm: ''Chỉ mình em mặc áo đen’’ (tiểu thuyết, NXB Văn hóa dân tộc, 1995, Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1996), ''Cô bé lắc chuông’’ (tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 1995), ''Truyện ngắn Đinh Công Diệp’’ (tập truyện, NXB Hội Nhà văn, 2009, Giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2009) và mới nhất là ''Rừng có tiếng người’’ (tiểu thuyết, NXB Văn học, 2021). Nhân vật trong tác phẩm của ông đều đời thường (thiếu nhi, người dân tộc thiểu số), nhưng có thân phận và mang tính nhân văn sâu sắc. Trong đó, tiêu biểu vẫn là truyện ngắn ''Lùng Tù’’, thậm chí khiến bạn đọc còn gọi tên nhân vật Lùng Tù để chỉ tác giả Đinh Công Diệp. Kinh nghiệm của ông về viết văn là phải viết không ngừng nghỉ, nếu buông lơi là văn tự truội đi, khó viết lại...’’ - nhà văn Vũ Xuân Tửu chia sẻ.

Từ những trải nghiệm đến các trang viết

Với Đinh Công Diệp, đời văn đã gắn liền cùng những sắc thái văn hóa dân gian nơi vùng đất Tuyên Quang và vùng cao nguyên đá Hà Giang (khi Tuyên Quang và Hà Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên), nên tác phẩm luôn sánh đặc nét riêng lạ về thiên nhiên và cuộc sống của những người dân nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tiểu thuyết ''Rừng có tiếng người’’ cũng cùng chung phong vị như vậy và hơn thế, nó có sức hấp dẫn kể cả bố cục lẫn cách thể hiện.

''Rừng có tiếng người’’ giãi bày hoàn cảnh, số phận của các nhân vật, trên bối cảnh vùng cao nguyên đá Hà Giang - nơi bấy lâu khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng vẫn tồn tại những tập quán đẹp cùng một số hủ tục buồn. Phải là người rất chịu khó, công phu tìm hiểu những tập tục trong cuộc sống của người dân tộc thiểu số, nên Đinh Công Diệp mới chắt chiu được những chi tiết rất đỗi bình dị, trân quý để đưa vào trang viết, như họ rất yêu và nuôi nhiều chó, nhưng không bao giờ ăn thịt chó; họ cũng không ăn tim gà/tim lợn; hoặc kể về truyền thuyết về loài hoa ''vỡ tim’’ (khi trai, gái yêu nhau, mà không lấy được nhau), hay cách lót ổ cho con gái sơ sinh bằng lá quế (để đứa trẻ được thấm vào mình hương quế, rồi tới tuổi dậy thì, thân thể chúng tỏa ngát một mùi hương dìu dịu, rất đỗi quyến rũ)...

Qua cái nhìn mẫn cảm của nhà văn, các nhân vật như Xua Lử, Cư Vần, Vàng Cáo, Xúa Ly, Thào Lềnh, Nhụa Đê, Xịa Chá... đều được bộc lộ các tính cách rõ rành. Những trang viết của Đinh Công Diệp giúp người đọc như được hòa mình sống trong không gian khoáng đạt với các phiên chợ họp dưới màn sương mờ bạc, cùng những sặc sỡ các sắc màu trang phục của phụ nữ và những ồn ã tiếng ngựa hí, lợn kêu, cảnh cánh đàn ông túm tụm uống rượu, múa khèn, hóng chim họa mi đua hót, hay chơi trò ''vỗ mông’’ các cô gái khi đi chợ Tết (bởi quan niệm dân dã cho rằng cô gái nào được vỗ mông nhiều, thì năm đó, cô ấy phát tài, phát lộc). Người đọc cũng thêm dịp để biết sự thi vị về những ''cái lý của người Mông” hay những nghĩ suy căm ghét việc săn bắt thú rừng, ''làm cắp’’ (ăn cắp). Bên cạnh đó là những trang viết về những hủ tục còn tồn lưu - như sự cam chịu của phụ nữ khi làm vợ, nạn nghiện hút thuốc phiện đến độ phải bán hết gia sản vốn đỗi ít ỏi, tục cúng ma đầy sự mê muội và tốn kém, sự tham lam đầy dục vọng của người giàu.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Tuyên Quang, tác giả cuốn tiểu thuyết ''Ma làng’’ đã được chuyển thể thành phim truyền hình, gây tiếng vang lớn) cho biết: ''Nhà văn Đinh Công Diệp am hiểu đời sống của người vùng rừng, đặc biệt là vùng cao nguyên Đồng Văn. Ông viết nhiều truyện ngắn về vùng cao bí ẩn như ''Bên bờ sông Miện’’, ''Con đường Hạnh phúc’’, ''Lùng Tù’’... Trong đó, ''Lùng Tù’’ là truyện ngắn đặc sắc nhất của ông về vùng cao. Tiếp đó, Đinh Công Diệp chuyển sang viết tiểu thuyết. Sau tiểu thuyết đầu tay ''Chỉ mình em mặc áo đen’’, ông viết thưa hơn, nên nhiều người tưởng ông đã gác bút.

Điều này cũng dễ thấy, bởi ở cữ tuổi ngũ tuần, ông thường tập hợp bản thảo thành từng quyển, đóng cẩn thận để trên giá, nhưng ông vẫn thầm lặng viết. Tiểu thuyết ''Đồng Văn - Cơn lốc xoay tròn’’ viết xong, rồi để đấy. Tôi đã được ông ưu ái cho đọc bản thảo này. Thấy hay, tôi động viên ông gửi in, ông lắc đầu rồi cất biệt. Mãi đến khi về hưu, ông mới lôi tập bản thảo đó ra rồi cặm cụi viết lại và đổi tên thành ''Rừng có tiếng người’’. Viết xong, ông đóng lại đẹp đẽ rồi cất đi. Có lần tôi qua, ông cho đọc, vẫn thấy hay, thấy ông thật công phu. Tôi bảo ông đi xin tài trợ để in, ông lắc đầu, bảo: ''Để chơi" ...

Năm 2012, Đinh Công Diệp lâm bệnh nặng, mỗi lần thăm ông, tôi đều nhắc ông gửi in ''Rừng có tiếng người’’, ông chỉ khẽ cười. Rồi bệnh nặng, ông rời cõi thế, tập bản thảo đó được cất trong ngăn kéo của cháu Trang - con gái ông. Đôi khi gặp bà Tình (vợ nhà văn), tôi vẫn nhắc tới tập bản thảo và bảo bà đem in. Bà Tình chỉ cười, mãi đến hôm mới đây, bà tới tặng tôi cuốn ''Rừng có tiếng người’’ và cho hay, cháu Trang đánh máy lại bản thảo, cháu Thủy (con trai cả nhà văn) bỏ tiền in. Tôi đón nhận cuốn sách đẹp như một vật kỷ niệm thiêng liêng rồi đọc ngay. Vẫn những dòng văn có đoạn tôi đã thuộc mà đọc lại cứ mê, cứ sướng...’’.

Tác phẩm của nhà văn Đinh Công Diệp. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm của nhà văn Đinh Công Diệp. Ảnh: L.Q.V

Người đi xa, tác phẩm để lại

Năm 1975, tôi lên nhận công tác tại Ty Văn hóa Tuyên Quang, lúc đó, ông mới ngoài 30 tuổi. Sống trong thời bao cấp, cuộc sống của gia đình ông khá thanh đạm, nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Ông ăn vận giản dị, nói chuyện thì luôn hài hước, chả có dáng vẻ cao đạo của một nhà văn đã có trong tay không ít tác phẩm. Cứ ngỡ, ông là người bản địa, nhưng hóa ra, quê gốc của ông ở tận Ninh Bình. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp cấp 3 phổ thông, Đinh Công Diệp theo đoàn người khai hoang (từ thuở 3 tỉnh Tuyên Quang, Ninh Bình, Bình Thuận kết nghĩa) lên lập nghiệp tại huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

''Rừng có tiếng người’’ được ông viết theo cấu trúc chương - hồi, nghĩa là truyền thống, nhưng nó lạ và mới, bởi mỗi chương như một câu chuyện riêng lẻ, nhưng khi đọc hết sách thì lại thấy như có một sợi chỉ vô hình luồn nối các câu chuyện từ đầu đến cuối và nó được trải ra như tấm thổ cẩm lung linh. Ở đấy, ta nhìn thấy thiên nhiên, con người vùng cao nguyên đá Đồng Văn vừa xù xì, vừa huyền bí, đủ những sắc màu. Đọc nó, thấy rõ cái ác, cái thiện hiện ra quanh những cảnh đời, những số phận. Cái ác thì chịu số phận của cái ác. Cứ tưởng được làm Người, hóa ra lại là Ma (các nhân vật Cừ Vần, Xịa Chá...), còn cái thiện tưởng là Ma mà chính lại là Người, Ma nói tiếng Người (nhân vật Nhụa Đê). Như tiếng Người ấy mà Xúa Ly và Thào Lềnh tìm được lối thoát luân hồi cho đời mình. Đây chính là thông điệp lớn của ''Rừng có tiếng người’’ gửi đến bạn đọc với mong mỏi biết đến một miền cao nguyên hoang sơ, bí ẩn được đổi mới...’’.

Nhà văn/nhà báo Đinh Công Diệp đã dành cả đời mình cho nghề viết văn. Ông viết không nhiều, nhưng viết với sự chỉn chu qua những trải nghiệm. Vì thế, văn ông gần với đời sống, gần với bạn đọc từ dân thường đến trí thức. ''Rừng có tiếng người’’ thực sự là một dấu ấn đẹp trong đời văn của ông.

LÊ QUANG VINH (Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/rung-co-tieng-nguoi-qua-goc-nhin-thau-cam-924044.ldo).