0 

Ra mắt hai tiểu thuyết lịch sử " LÝ ĐÀO LANG VƯƠNG và LÝ PHẬT TỬ ĐỊNH QUỐC"

Sáng ngày 20 tháng 3 năm 2022, tại Trung Nguyên Legend, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã diễn ra buổi ra mắt hai tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai. Tới dự có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam; Trung tướng, nhà văn Hữu ước - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn công an và đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học cùng các phóng viên báo chí Trung ương và thành phố Hà Nội.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại buổi ra mắt sách

Nhà văn Phùng Văn Khai là một cây bút đang sung sức, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội trên cương vị Phó Tổng Biên tập. Khoảng trên mười năm qua, ông đã lần lượt cho ra mắt các tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc và đã nhận được sự quan tâm của giới phê bình cũng như bạn đọc. Đặc biệt, có nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh đã chọn các tác phẩm trên làm đề tài khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ.

Hai tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương và Lý Phật Tử định quốc nằm trong bộ tiểu thuyết lịch sử Vương triều Tiền Lý đã được nhà văn miệt mài sáng tác trong sáu năm (2016-2022), có cuốn đã tái bản lần thứ hai. Đây cũng là đề tài tâm đắc và vùng sáng tác say mê của Phùng Văn Khai trong thời gian qua.

Mở đầu buổi ra mắt sách, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước đã phát biểu khái quát những đóng góp về đề tài lịch sử, điểm danh những tiểu thuyết đã được ấn hành của Phùng Văn Khai. Ông nhận định: “Phùng Văn Khai giỏi về tả chiến trận, nhất là những trận đánh đã đi vào lịch sử”. Nhà văn Hữu Ước cũng cho rằng, viết về đề tài lịch sử cần tiết chế nhân vật, tránh bị pha loãng, trùng lặp, dễ thiếu kiểm soát; đồng thời cần tập trung xây dựng những nhân vật chính có xương, có thịt, có tư tưởng thì các sáng tác sẽ thành công hơn.

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, PGS.TS Trần Thị Trâm chia sẻ: “Phùng Văn Khai đã có những đóng góp quan trọng trong sáng tác về đề tài lịch sử, nhất là những nhân vật lịch sử có công với nước song do điều kiện khách quan và chủ quan chưa được khắc họa đúng tầm. Đặc biệt, nhân vật Lý Thiên Bảo trong tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương đã thực sự mang đến sự tươi mới, vạm vỡ và làm rõ một vệt mờ lịch sử.”

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tại buổi phát biểu đã đánh giá cao sức lao động của nhà văn Phùng Văn Khai. Ông nhận định: “Cả sáu cuốn tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai đều thống nhất ở cảm hứng nồng nàn yêu nước, tự hào lịch sử, với cách viết đầy tính sử thi, lời văn hào sảng, cảnh tượng hoành tráng, chủ vào hành động và phát ngôn của nhân vật. Nhiệt huyết tình cảm của nhà văn Phùng Văn Khai đã phả được cho trang văn sự sôi sục, cuồn cuộn, tạo sức hấp dẫn cuốn người đọc vào truyện”. Về tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương, Phạm Xuân Nguyên đã chỉ ra rằng: “Những trận chiến của Lý Thiên Bảo chỉ vài dòng vài câu trong sử được tác giả dựng lại bằng cách tưởng tượng. Có những nhân vật không có trong sử được tác giả nghĩ thêm ra. Hai lá thư của Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương trao đổi về việc ai ngồi vào ngôi chính thống thay Lý Nam Đế trị vì nước Vạn Xuân cũng là hư cấu. Đó là lao động nghệ thuật của nhà văn để làm thành cuốn tiểu thuyết gần năm trăm trang”.

PGS Phạm Quang Long chia sẻ: “Đề tài lịch sử là một đề tài khó và khó viết thành công. Tuy nhiên, nhà văn Phùng Văn Khai đã có những thành tựu đáng ghi nhận”. PGS Phạm Quang Long cũng là người hướng dẫn sinh viên làm luận văn thạc sĩ về tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai. Ông cho rằng, tiểu thuyết lịch sử cần có sự cổ vũ mạnh mẽ và sự dấn thân quyết liệt hơn nữa của các nhà văn.

Độc đáo và đặc sắc là những phát biểu rất cá tính của Vi Thùy Linh. Trong các lần ra mắt sách của nhà văn Phùng Văn Khai, nữ thi sĩ đều gây sự chú ý bằng cảm xúc mãnh liệt và những phát biểu chân thành với đồng nghiệp.

Cũng tại buổi ra mắt sách, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã chỉ ra những thiếu khuyết của các nhà văn viết về đề tài lịch sử, trong đó có Phùng Văn Khai. Ông đã gợi mở một số vấn đề về phong tục, tập quán, tôn giáo và đời sống vật chất trong các thời kỳ lịch sử. Đây là những điều rất hữu ích đối với người sáng tác.

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đánh giá, nhận định khá toàn diện về các tiểu thuyết lịch sử trong đó có hai cuốn Lý Đào Lang Vương và Lý Phật Tử định quốc của nhà văn Phùng Văn Khai. Ông cho rằng, đề tài lịch sử luôn có sức hấp dẫn lớn với người cầm bút.

Để cảm ơn sự nhiệt tình của mọi người, trong đó có sự đồng hành của Cà phê Trung Nguyên, nhà văn Phùng Văn Khai đã xúc động chia sẻ quá trình sáng tác của mình, nhất là những năm tháng đi diền dã khắp các đình, đền, chùa, miếu trên các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là các địa danh đã đi vào lịch sử. Ông cũng bật mí rằng mình đang bắt tay vào thực hiện bộ tiểu thuyết lịch sử Hai Bà Trưng. Đây cũng là dự án sáng tác mới của nhà văn.

Hà Thy Linh (Nguồn: http://baovannghe.com.vn/ra-mat-hai-tieu-thuyet-lich-su-quot-ly-dao-lang-vuong-va-ly-phat-tu-dinh-quocquot-24753.html).