-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Ra mắt cuốn sách "Hừng Đông" của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - 03 January 2021
Buổi giới thiệu sách “Hừng Đông” có sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, đại diện gia đình nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.
Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 30.12 Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học – Nghệ thuật, Đài tiếng nói Việt Nam và Công ty Văn hoá & Truyền thông Liên Việt tổ chức ra mắt cuốn sách “Hừng đông”, tiểu thuyết của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ.
“Hừng Đông” là cuốn tiểu thuyết tư tiệu về Phan Đăng Lưu, nhà cách mạng tiền bối, một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân ta đã sống, chiến đấu, hi sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ Quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (5.5.1902 – 28.8.1941) quê ở thôn Đông, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong gia đình có truyền thống nho học, yêu nước, yêu lao động, nhân ái, nghĩa tình. Ông sớm bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học, can đảm… Những năm tháng tuổi trẻ, ông ấp ủ hoài bão giải phóng đất nước, đưa nước ta theo con đường độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ.
Bằng cuốn tiểu thuyết “Hừng Đông”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tái hiện chân thực, trách nhiệm và sinh động cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, nhiều sáng tạo, gian khổ, hi sinh của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu từ lúc ông tốt nghiệp trường Canh Nông của Pháp; quyết tâm từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, tham gia Hội Phục Việt, sau đó hội này chuyển thành Hội Hưng Nam rồi Đảng Tân Việt và trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng này.
Theo nhà văn Bùi Việt Thắng, “Hừng Đông” viết về phong trào cách mạng Việt Nam những năm trước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và sau đó khoảng 10 năm đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trên cái nền rộng ấy, nhà văn không chạy theo sự kiện biến cố mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học – người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu. “Hừng Đông”, phù hợp với lối cấu trúc tiểu thuyết hiện đại - đương đại: đi từ cấu trúc lịch sử - xã hội đến cấu trúc lịch sử - tâm hồn.
Hải Minh (Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ra-mat-cuon-sach-hung-dong-cua-nha-van-nguyen-the-ky-866482.ldo?fbclid=IwAR0rZr1ZQtVMDo-4OWgM2nhVfBZ5BrUTLpWL-AWRYCtFL07kwd50BpePK-0)