0 

NXB Văn học ra mắt 3 ấn phẩm về tình hữu nghị Việt - Lào

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt 3 cuốn sách viết về những năm tháng quân đội hai nước Việt - Lào cùng kề vai, sát cánh, đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

 Ba cuốn sách bao gồm “Đường về Cánh Đồng Chum” của tác giả Bùi Đình Thi, “Thượng Lào ký sự” của tác giả Hà Đình Cẩn và “Vùng trời thủng” của tác giả Kiều Vượng. Trong đó, "Thượng Lào ký sự" và "Vùng trời thủng" được phát hành bằng tiếng Lào, do hai dịch giả Lê Thu Huyền, Bùi Thị Ngọc Dung chuyển ngữ. 

Tiểu thuyết “Vùng trời thủng” lấy cảm hứng từ hiện thực mở tuyến đường lịch sử, tuyến đường hữu nghị Việt - Lào. Tuyến đường dài 150km nối liền vùng đất phía Tây xứ Thanh và vùng phía đông Hủa Phăn của nước bạn Lào. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khu vực này còn ít được biết đến, những khu rừng còn ở dạng nguyên sinh bao phủ, núi non hiểm trở, nổi tiếng với “ma thiêng nước độc” và căn bệnh sốt rét hoành hành.
Vì vậy, tính chất “ác liệt” của hiện thực không phải là ở những trận “đọ súng”, tổn thất cũng không đến từ những cuộc chạm trán nảy lửa trên chiến trường. Thử thách mà hàng ngàn con người, phần lớn đang độ tuổi trên dưới hai mươi ở đây là phải chịu đựng những gian khổ của thiên nhiên khắc nghiệt và sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần đến quá ngưỡng chịu đựng của con người. Để tồn tại được cần một nghị lực thép, để làm việc được cần một bản lĩnh thép. Vì vậy, những con người có mặt để khai thông tuyến đường Hữu nghị Lào -Việt thời ấy, họ xứng đáng là những anh hùng. 
Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho không gian nơi này là “Vùng trời thủng”. Nơi đây quả là một vùng không gian đặc biệt: Mưa lúc nào cũng lút thút, mùa đông lạnh thấu xương “Nơi đây không có mùa xuân cho chồi non nhú lộc, cũng không có mùa thu cho gió quạt lá vàng, quanh năm chỉ có mây mù bao phủ”. Quần áo giặt phải hong lửa mới khô, ẩm ướt sinh ra bệnh tật, đáng sợ nhất là bệnh ghẻ và bệnh sốt rét. Nơi ấy có đỉnh Phượng Hoàng với Cổng trời chót vót “Cổng trời, ban đầu nơi đây chỉ là một lối mòn dựng ngược, bước chân đầu gối chạm cằm. Leo đến cổng trời kẻ săn gân đến mấy cũng ngồi phịch xuống thở lấy hơi. 
Viết về “vùng trời thủng”, nhà văn từng xót xa thú nhận “Chả biết tôi có đủ can đảm ghi chép tất cả những cảnh trầm luân của thế hệ trẻ mở con đường hữu nghị này không? Mỗi cột mốc làm ra phải đánh đổi bao nhiêu mồ hôi, sức lực, đều phải đổi bằng máu”. 
"Thượng Lào ký sự" viết về hai giai đoạn chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam gắn bó với bộ đội và nhân dân Lào giải phóng Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng và vùng đất chiến trường xưa nay xây dựng hòa bình. 
Trong ký sự có cảnh cả bản người Lào đưa đoàn xe ngựa chở nước cho bộ đội tình nguyện Việt làm nhiệm vụ ở vùng khát giữa mùa khô. Có những người chỉ huy và chiến sĩ tình nguyện dũng cảm và mưu lược, cùng với chiến sĩ Pathét Lào anh dũng chiến đấu. Có nữ bác sĩ Viêng Xay từng cứu thương anh bộ đội Việt và họ hẹn hò nhau khi chia tay. Sau chiến tranh bà Viêng Xay, Giám đốc bệnh viện đa khoa Xiêng Khoảng ba lần sang Việt Nam để tìm anh bộ đội từng nặng lời thề…Không gặp, bà vẫn hi vọng và chờ đợi anh đến năm 40 tuổi mới đi lấy chồng… 
Có đêm múa lăm vông quanh bếp lửa đốt giữa thảo nguyên. Các anh bộ đội Việt áo xanh màu lá múa cùng các cô gái Lào trong trang phục dân tộc rực rỡ với phạ phe quàng chéo ngực, mừng thắng trận. Có phiên chợ Xiêng Khoảng hôm nay tụ họp đông đủ bà con ba dân tộc Lào Lum, Lào Thơng, Lào Sủng rực rỡ rắc màu của trái cây, thổ cẩm, vòng bạc vui như ngày hội. Có Viêng Chăn bình yên nhiều chùa tháp và con người thong thả. Có đêm Phôn Sa vẳn những bà mẹ Lào chắp tay hướng lên núi khi nhìn thấy trên đó có đốm lửa như ngôi sao. Đó là ánh lửa của những chiến sĩ Việt Nam đi tìm hài cốt đồng đội suốt mấy chục năm vẫn chưa ngừng nghỉ. Thấy ánh lửa bà con cầu nguyện mong hài cốt chiến sĩ tình nguyện được yên lành về quê hương…Con người trong ký sự chân chất vạm vỡ và tươi sáng. Họ là những mẫu người đẹp của một thời chiến trận…
Tiểu thuyết Đường về Cánh Đồng Chum gồm mười bốn chương viết về cuộc chiến đấu của quân đội nhân dân Lào chống lại bọn thổ phỉ tay sai Mỹ giai đoạn những năm 1970. Đây là cuộc chiến đấu can trường, thể hiện sự bền bỉ, gan dạ, quyết tâm và hy sinh mất mát của bộ đội Pa-thét (Lào). 
Xuyên suốt tác phẩm là cuộc đấu tranh của 2 tuyến nhân vật chính Đuông-chăn và Bun-ma. Đó là hai người bạn cùng trang lứa, lớn lên trong cùng một bản, nhưng ở hai hoàn cảnh gia đình khác nhau, lý tưởng sống khác nhau đã hình thành nên hai hướng đi trái ngược nhau . Vì thù hằn cá nhân, chính Bun-ma đã đang tâm thiêu sống mẹ Đuông-chăn, cưỡng bức người con gái mà Đuông-chăn sau này lấy làm vợ… họ trở thành hiện thân cho mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc Lào trong giai đoạn này. Nếu như Đuông-chăn là hình mẫu tiêu biểu của quân giải phóng nhân dân cách mạng Lào thì Bun-ma là hiện thân của bọn phỉ tay sai Mỹ. 
Với lối viết giản dị, giọng văn mộc mạc, trong sáng, Nhà văn Bùi Đinh Thi đã tái hiện lại cuộc chiến tranh đau thương gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng của quân đội giải phóng nhân dân cách mạng Lào. Những nỗi đau, mất mát, hy sinh, nợ nước xen lẫn thù nhà, cùng chung cảnh "nồi da nấu thịt" khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ lúc bấy giờ./.
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận