0 

Những tác phẩm văn học Việt Nam lỗi lạc vang bóng một thời

Những tác phẩm văn học Việt Nam lỗi lạc vang bóng một thời được in ấn phiên bản chuẩn gốc, tập hợp những truyện ngắn tiểu thuyết làm say mê lòng người của các tác giả nổi tiếng như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố.

Nếu như bạn đã chán ngấy với mớ sách kỹ năng khô khan và mệt mỏi bởi cuộc sống bận rộn, thế giới càng hiện đại khiến bạn càng cô đơn. Thì hãy đổi gió một chút, trở về với văn học Việt Nam cùng những nhà văn lỗi lạc như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Kim Lân, Thạch Lam…để tưới mát tâm hồn mình bằng những truyện ngắn tiểu thuyết mang một chút nông thôn dung dị của làng quê Việt Nam.

1. Chí Phèo - Nam Cao
Chí Phèo - tập truyện ngắn tái hiện bức tranh chân thực nông thôn Việt Nam trước 1945, nghèo đói, xơ xác trên con đường phá sản, bần cùng, hết sức thê thảm, người nông dân bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân, trái lại nhà văn đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện ngay cả khi bị vùi dập, cướp mất cà nhân hình, nhân tính của người nông dân, đồng thời kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đó trước 1945. Những sáng tác của Nam Cao ngoài giá trị hiện thực sâu sắc, các tác phẩm đi sâu vào nội tâm nhân vật, để lại những cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

2. Vũ Trọng Phụng - Truyện ngắn
Nhắc đến Vũ Trọng Phụng người ta nghĩ ngay tới một nhà văn tài hoa nhưng bạc mệnh. Có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, ông sáng tác từ rất sớm và thử nghiệm mình trên nhiều thể loại: viết báo, viết kịch, sáng tác truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, phê bình văn học… Nhưng có thể nói, tiểu thuyết và phóng sự là hai thể loại thành công nhất của nhà văn tài hoa này. Vũ Trọng Phụng được báo giới thời bấy giờ mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc”, là “nhà tiểu thuyết trác việt”.

Với giọng văn sắc sảo, mang đậm chất châm biếm, trào phúng và nội dung tư tưởng sâu sắc, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều hướng tới chủ đề hiện thực, tố cáo và vạch trần xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng 8 - một xã hội bê bối với những tấn trò đời bi kịch. Đọc những trang văn của ông, người ta không khỏi ngậm ngùi, chua chát. Ra đi vì bệnh tật khi mới 27 tuổi đời, khi tài năng đang độ phát triển rực rỡ, Vũ Trọng Phụng để lại trong làng văn và trong lòng độc giả một chỗ trống không dễ gì khỏa lấp

Từ những truyện ngắn đầu tiên, Vũ Trọng Phụng đã gây ấn tượng cho người đọc bằng lối hành văn rất sinh động, câu văn chau chuốt, sắc sảo; từng lời từng chữ vô cùng chua cay. Đọc truyện Vũ Trọng Phụng, chúng ta cứ ngỡ nhà văn đang tái hiện xã hội thường ngày quanh ta - nơi những mối quan hệ phức tạp giữa con người đan xen với nhau.

 3. Ngô Tất Tố tuyển tập
Ngô Tất Tố nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà phê bình là 1 tác giả vĩ đại trong nền văn hóa của Việt Nam. Với hơn 30  bút danh trên hơn ba chục tờ tuần báo, nguyệt san, tạp chí…. Trong nam ngoài bắc, với hơn 10 nhà xuất bản trước năm 1945. Tác giả đã để lại cho chúng ta 1 khối lượng khổng lồ các tác phẩm bằng các thể loại chữ quốc ngữ và chữ hán với nhều thể loại khác nhau. Ngô Tất Tố đã vượt lên chính mình và các tác giả cựu học để trở thành 1 cây bút tầm cỡ đứng hàng đầu đội ngũ những cây bút tân tiến giữa thời tân văn với sự nghiệp cầm bút phong phú, đồ sộ, đa dạng và hiếm có.

Quyển Ngô Tất Tố Tuyển Tập sưu tầm những tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố theo đúng nội dung của ông công bố lúc sinh thời như: Tắt đèn, Việc làng, Tập án cái đình...

 4. Nam Cao - Sống mòn
Nam Cao có bút danh là Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt, Nhiêu Khê... Tên khai sinh: Trần Hữu Tri, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917. Quê quán: làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam).
 
Sống mòn hoàn thành vào năm 1944, xuất bản ban đầu với tên gọi "Chết mòn" năm 1956. Trong tác phẩm, Nam Cao đã miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Họ là những người có ý thức rất cao về nhân phẩm và danh dự, có khát vọng - hoài bão văn chương lớn lao nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền bóp nghẹt sự sống. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc."
 
Cuốn tiểu thuyết chất chứa những suy nghĩ, trăn trở, ưu tư của Nam Cao về cách sống, về lối viết và nhiệm vụ của những người cầm bút. Không có những xung đột gay gắt, mâu thuẫn cao trào, chỉ đơn giản là những giằng xé đấu tranh nội tâm của mỗi phận người. Chỉ với giọng văn điềm đạm, cốt truyện đơn giản, thế nhưng, Sống mòn đã hội tụ đầy đủ tất cả sự điêu luyện, tinh tế của một ngòi bút truyện ngắn bậc thầy.


 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận