0 

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Cỏ cứ bạc, thơ vẫn cứ xanh tươi

Sau gần 10 năm kể từ tập thơ Nỗi buồn tốc ký (NXB Hội Nhà văn, 2013), nhà thơ Hồng Thanh Quang lại tái ngộ bạn đọc với tập thơ Cỏ bạc triền đê (NXB Văn học vừa ấn hành).

Cỏ bạc triền đê gồm 3 tập, 999 bài, tập hợp những bài thơ được tác giả viết từ cuối năm 2013 cho đến nay. Đó cũng là giai đoạn tác giả dồn nén nhiều tâm tư sau quãng thời gian “chiến đấu” với bạo bệnh. Ở đó, người ta vẫn thấy một Hồng Thanh Quang cuồng nhiệt với tình yêu, sâu sắc với cảm xúc thế sự, nhưng có thêm hồn thơ thẫm đẫm suy nghiệm với nhân tình thế thái trong đời.

Một tập thơ của sự tự nhiên

Nhà thơ Hồng Thanh Quang sinh ra và lớn lên trên phố Hàng Đào (Hà Nội) nhưng quê gốc ở Phù Cừ (Hưng Yên). Đó là vùng quê ven sông Luộc có những con đê dài dặc. Hồng Thanh Quang nói suốt đời ông bị ám ảnh bởi những triền đê. Ông vẫn có thói quen trong những chuyến du hành thường chọn đi trên triền đê thay vì những con đường bằng phẳng.

Chú thích ảnh

Nhà thơ Hồng Thanh Quang

Phải chăng, ở triền đê quê hương có điều gì mê hoặc?

“Đa phần mọi người sẽ thấy cải vàng trên triền đê, nhưng tôi luôn ấn tượng với những vạt cỏ. Vạt cỏ như đời người, xanh non khi còn trẻ, bạc và khô héo dần đi khi có tuổi. Cỏ bạc có trong chính trí nhớ và những trải nghiệm đã qua” - nhà thơ chia sẻ về cái tên Cỏ bạc triền đê - “Triền đê dù với một người thị thành như tôi vẫn là biểu tượng gợi nhắc những xúc cảm đặc biệt về quê hương. Còn cỏ là biểu hiện của chính tâm hồn tôi. Vạt cỏ dù bạc nhưng vẫn sống, vẫn vươn tới và tụ lại thành những câu thơ xanh tươi nơi triền đê. Cũng như đời tôi, trải qua bao thăng trầm mới ngộ ra những giá trị thiết thân nhất”.

Tác giả quan niệm, thơ là sự tự nhiên như hơi thở. Cuộc sống vẫn tiếp diễn và những câu thơ vẫn tự nhiên xuất hiện. Những câu thơ không bao giờ được chuẩn bị trước, chúng mặc nhiên được sinh ra trong tất cả những cảnh huống cuộc đời. Và Cỏ bạc triền đê có lẽ cũng ra đời như thế. Tập thơ tự nhiên xuất hiện, như đời người chẳng một ai có thể chuẩn bị để sống. 999 bài thơ được tập hợp vì đơn giản đã đến thời điểm chúng cần xuất hiện. 999 theo tác giả là một con số dự cảm. 999 không phải không đủ thơ để vượt qua cái mốc 1.000. Nó được chọn như một sự hy vọng.

Chú thích ảnh

Nhà thơ Hồng Thanh Quang qua con mắt họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm

Thay vì dụng công tuyển chọn, Cỏ bạc triền đê là một tập thơ của sự tự nhiên. Tác giả Hồng Thanh Quang cho hay, trong mỗi tập thơ là những bài thơ theo những chủ đề khác nhau, những phong cách khác nhau, những trạng thái khác nhau, và viết ở những thời gian khác nhau. Tập thơ đơn giản là một sự tập hợp đầy ngẫu hứng. Nó là một chuyển động hỗn mang, cũng giống như cuộc sống sinh ra với tất cả những phức tạp, thăng trầm, chìm nổi, hạnh phúc và đau đớn. Vì thơ như chính cuộc đời.

Nói Cỏ bạc triền đê là tập thơ tình cũng đúng nhưng chưa đủ. Bởi trong sự mênh mông của 999 bài thơ không chỉ có tình yêu mà còn có cả những sáng tác về thế sự, về trải nghiệm con người, về đúng sai của mọi sự trong đời. Tựu lại, Cỏ bạc triền đê chứa đựng đủ mọi hình sắc của cuộc sống. Đó vừa là tình yêu, vừa là hận thù, vừa là thất vọng, vừa là hy vọng, vừa là niềm tin và vừa là sự mất niềm tin, của một người thơ chọn sống tận tình từng ngày và sống bằng cảm hứng của chính mình.

“Cuộc sống là một bài thơ tình bất tận”

Hồng Thanh Quang được biết đến nhiều với những bài thơ tình đắm say, ông có hẳn một tập thơ mang tên 101 bài thơ tình ra mắt năm 2009. Điều này cũng dễ hiểu khi bài thơ đầu tiên Hồng Thanh Quang chạm ngõ thi ca cũng là một bài thơ tình được nảy nở rất đỗi tự nhiên.

“Ngay từ nhỏ, khi mới biết chữ trong tâm hồn tôi đã có những hình dung về những câu thơ như kiểu đồng dao. Từ lớp 3, lớp 4, tôi đã viết những câu văn vần. Mãi đến lớp 10, tôi mới viết những bài thơ đầu tiên. Hồi ấy, tôi viết rất nhiều thơ trong trạng thái cảm xúc của tuổi học trò” - nhà thơ Hồng Quang nhớ lại - “Năm 1979, khi còn đang học lớp 10, tôi từng rất mê một cô bạn học cùng trường, nhưng chỉ mê theo kiểu mơ mộng tuổi học trò. Thế rồi, một hôm, tôi tình cờ nhặt được tấm ảnh dán thẻ của cô bạn ấy đánh rơi. Trước hình ảnh tóc ngang vai, môi mím cười, bất giác trong tôi nảy ra 4 câu thơ: Ngang vai tóc thả mượt mà/ Mắt nhìn ai mắt thoảng qua nét cười? Dịu dàng khẽ mím bờ môi/ Chắc em không biết có người hôn em. Bài thơ này sau vẫn được tôi giữ lại và in trong tập Nỗi buồn tốc ký. Đây cũng có thể coi như dấu mốc đầu tiên tôi bắt đầu bước vào con đường làm thơ chuyên nghiệp”.

Chú thích ảnh

3 tập thơ “Cỏ bạc triền đê” của Hồng Thanh Quang

Từ bài thơ đầu tiên cho đến dấu ấn trên địa hạt thơ tình, Hồng Thanh Quang vẫn chưa khi nào nhận thơ tình là sở trường hay thế mạnh. Thay vào đó, ông quan niệm: “Không phút giây nào không có sự khát khao yêu thương. Thực ra cuộc sống là một bài thơ tình bất tận. Con người sinh ra nếu không để yêu thương còn để làm gì khác? Tình yêu là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc sống. Và yêu thương cũng là một trạng thái sống xuyên suốt và chủ đạo của đời tôi. Nó có thể là tình yêu đôi lứa, là mục tiêu vươn lên, là biểu tượng trái tim hướng đến, v.v. Và tôi làm thơ để thể hiện những trạng thái yêu thương đó”.

Nhiều người vẫn thường nghĩ thơ tình làm nhiều, làm hay phải yêu đắm đuối, yêu say mê. Điều này có thể đúng hoặc không đúng với thơ tình Hồng Thanh Quang. Nhưng quan trọng hơn, “trong lòng tôi luôn luôn có một hình tượng người phụ nữ lý tưởng để vươn tới. Hình tượng người phụ nữ lý tưởng ấy, tôi luôn mòn mỏi, luôn nồng nhiệt, lạc quan xen lẫn bi quan để tìm kiếm. Và chính trong những trạng thái như thế, thơ đã được viết ra” - nhà thơ bộc bạch.

Từng có quãng thời gian bận rộn với công việc sự vụ tại một số cơ quan báo chí, song nhà thơ Hồng Thanh Quang vẫn dành thời gian tâm hồn cho thi ca trong cõi yêu thương của chính mình. Ông kể “có những câu thơ được sinh ra trong lúc bận rộn nhất, rối bời nhất, bị thử thách quăng lên, quật xuống. Trong công việc, trước mọi vấn đề của xã hội tôi có nhiều lựa chọn để thể hiện quan điểm, nhưng với thơ tôi luôn dành riêng cho những cảm xúc tình cảm, yêu thương”.

Thế mới thấy hiếm có một nhà thơ nào trong từng giây phút, từng khoảnh khắc sống, thi ca và tình yêu thương vẫn luôn hiện hữu trong “một cõi đi về”, như Hồng Thanh Quang.

“Vịn câu thơ” mà sống dậy

Nhà thơ Phùng Quán từng viết: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Điều này ứng hợp vào Hồng Thành Quang. Cũng đã có những khi nhà thơ “vịn câu thơ” mà sống dậy. Thơ bầu bạn với ông cả khi tưởng như đã bước một chân sang thế giới bên kia. Đó là quãng 2 năm về trước, thời điểm Hồng Thanh Quang phải “chiến đấu” với bạo bệnh.

Chú thích ảnh

Tập thơ "Cỏ bạc triền đê" (NXB Văn học, 3 tập, 999 bài thơ)

Ông tâm sự: “Có những lúc nằm trên giường bệnh, những câu thơ bỗng dưng vang lên. May thay không lúc nào thơ rời bỏ tôi. Thơ trở thành chỗ dựa thực chất. Nhiều khi đau đớn không thể nói ra, những câu thơ đã xuất hiện. Mỗi bài thơ xuất hiện như một lá cao chườm lên vết đau tưởng như không thứ gì trên đời có thể làm dịu đi”.

Hồng Thanh Quang lao động thi ca như lẽ sống đời mình. Điều này chẳng khó để lý giải! Bởi từ những rung cảm đầu đời thuở đôi mươi đến cả những khi giành giật sự sống trong cuộc chiến với bệnh tật, thơ luôn xuất hiện trong đời ông. Hơn hết, với Hồng Thanh Quang “thơ là một phương thức sống”. Có những người làm thơ là đi tìm thơ để làm, nhưng với Hồng Thanh Quang, làm thơ là vì không thể không làm thơ.

Từng trải qua khoảnh khắc giữa sống và chết, đi với thi ca quãng chừng trên dưới 40 năm, tất cả đã giúp Hồng Thanh Quang nhận ra nhiều điều. Ông chọn sống với những thứ thiết thân và yêu thương thay vì những danh lợi, chức tước hoàng nhoáng. Trong đó có thơ ca, với ông thi ca là thứ có giá trị hơn hết.

“Thi ca là lá cao chườm lên nỗi đau khi tổn thương bởi chính cuộc sống. Thi ca là mùi hương làm tâm hồn mỗi người trở nên ngát hoa khi sống giữa những ô trọc. Thi ca là điểm tựa để nghỉ ngơi khi mệt mỏi với những vật lộn mưu sinh” – ông nói.

Chẳng vậy mà khi đọc thơ Hồng Thanh Quang, dẫu là những câu thơ mang hơi hướng bị quan nhất vẫn là tiếng nói của một tâm hồn, một trái tim, một trí tuệ lạc quan. Những câu thơ u ám nhất vẫn có thể làm chỗ dựa rọi ánh sáng cho những con người đang tuyệt vọng, bất hạnh.

Vốn học kỹ sư vô tuyến điện, nhưng Hồng Thanh Quang không chọn theo nghề “số”. Thay vào đó, ông chọn làm thơ như số mệnh đã định trước. “Ngày từ hồi trẻ tôi đã chối bỏ tất cả, tôi hiểu rằng hạnh phúc của tôi chính là làm thơ chứ không phải một công việc nào khác. Sau tất cả, những câu thơ vẫn là thứ an ủi tôi nhất. Những khi lòng rung động hay thậm chí bức xúc mà không viết ra thành những câu thơ, tôi luôn cảm thấy khó chịu. Và khi viết ra được những câu thơ, tôi cảm thấy nhẹ lòng, hạnh phúc, hơn thế là sự sung sướng mà những giá trị vật chất không thể đáp ứng được bằng khoái cảm mà những câu thơ mang lại”.

Sau Cỏ bạc triền đê, chắc chắn Hồng Thanh Quang vẫn tiếp tục làm thơ và chuẩn bị cho những đầu sách mà ông ấp ủ xuất bản trong những năm tới. Ông chọn sống bận rộn và làm việc bằng tất cả nhiệt huyết ngay cả khi nhàn rỗi. Để rồi sau tất cả, Hồng Thanh Quang cho thấy một hình ảnh “cỏ bạc triền đê” nhưng vẫn xanh tươi trong thơ, trong tâm hồn và trong cả đời mình.

Công Bắc (Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/nha-tho-hong-thanh-quang-co-cu-bac-tho-van-cu-xanh-tuoi-n20220113065937975.htm).