-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Nguyễn Tuân đuổi học trò khỏi lớp với lý do không giống ai
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - 25 May 2020
Đó là chuyện Vũ Phạm Chánh bị nhà văn Nguyễn Tuân đuổi ra khỏi lớp học với lý do chẳng giống ai.
Trong bài Vài kỷ niệm về Nguyễn (sách Câu chuyện văn chương, NXB Trẻ, 2014), nhà báo Vũ Phạm Chánh viết: “Những kỷ niệm về ông (nhà văn Nguyễn Tuân) trong tôi lúc nào cũng 'long lanh' giống như những con chữ của ông trong những thiên tùy bút có một không hai của nền văn học nước nhà”.
Một trong những kỷ niệm lúc nào cũng “long lanh” ấy là chuyện Vũ Phạm Chánh bị nhà văn Nguyễn Tuân đuổi ra khỏi lớp học với lý do thật chẳng giống ai.
Nhà văn Nguyễn Tuân trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Ảnh Trần Văn Lưu.
Vũ Phạm Chánh cho biết hồi nhỏ, ông rất yêu thích Nguyễn (những người thích đọc thời đó chỉ cần nói đến “Nguyễn” thì bao giờ cũng nghĩ ngay đó là Nguyễn Tuân).
Vào những năm học trung học, trong một ngôi trường sơ tán ở Việt Bắc, Vũ Phan Chánh được tiếp cận hàng chục tùy bút của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời như Chém treo ngành, Chữ người tử tù, Cái ấm đất, Chùa Đàn… Những con chữ trong các tùy bút của Nguyễn Tuân này cứ chập chờn bám theo ông cho đến khi về Hà Nội tiếp quản.
Đầu năm 1964, Vũ Phạm Chánh có ghi tên học lớp Viết ký sự báo chí do Hội Nhà báo mở. Lớp có hơn 10 nhà báo trẻ đến từ các báo ở Hà Nội, được tổ chức vào buổi tối tại một căn gác nhỏ ở nhà số 65 đường Nguyễn Du.
Người ta mời thêm các nhà văn chuyên nghiệp như Đào Vũ, Bùi Hiển và Nguyễn Tuân đến giảng bài như những hoạt động ngoại khóa.
Theo lời kể của Vũ Phạm Chánh, Nguyễn Tuân đến lớp, gây ấn tượng ngay bằng cái vẻ ngoài hơi bạt mạng, chiếc mũi nhòm mồm, hàng ria mép cộng với đôi mắt nhỏ nheo nheo sau cặp kính lão trông thật hóm hỉnh và gần gũi.
Không ai nghĩ Nguyễn đã ngoài 50 tuổi. Các nhà báo tham dự lớp chỉ bằng nửa tuổi Nguyễn nhưng gọi là anh, lúc bằng bác rất thân tình.
Nguyễn vào lớp đặt túi tài liệu lên bàn, gập người cúi chào thật thấp rồi ngẩng lên: “Xin phép cho tôi được điểm danh”.
Ông gọi tên từng người theo thứ tự trong sổ điểm danh mà Hội Nhà báo đã lập. Ngón tay ông dò theo từng dòng nhỏ, rồi ông ngước cặp kính lên gọi: “Vũ Phạm…?”.
Vũ Phạm Chánh đứng lên dõng dạc: “Thưa tôi có mặt!”. Nguyễn hỏi: “Anh là người làng Đôn Thư?”. Vũ Phạm Chánh ngạc nhiên ngập ngừng đôi chút: “Vâng tôi quê ở Đôn Thư, Hà Đông…”.
Nguyễn hỏi: “Thế thì… anh có họ hàng gì với Thám hoa Vũ Phạm Hàm”. “Dạ, tôi là cháu nội của ông Vũ”. Nguyễn hơi mỉm cười, hàng ria mép rung nhẹ, nét mặt giãn ra, rồi như đùa như thật, ông phẩy tay nói: “Thế thì anh… về đi, không phải học nữa! Về, về!...”.
Mãi về sau này, khi có dịp cùng đi một chuyến công tác, Vũ Phạm Chánh mới tò mò hỏi lại Nguyễn Tuân chuyện năm xưa: “Sao hồi đó bác lại đuổi tôi, không cho vào học?”.
Nguyễn cười: “Thì anh là cháu nội Vũ Phạm Thám hoa, có học hay không thì anh vẫn có thể viết được, nếu anh không viết được thì có học cũng bằng thừa… Mà sau đó, anh có học không, tôi chỉ lên lớp một buổi nên không biết”.
Vũ Phạm Chánh cho Nguyễn Tuân biết hồi đó, dù có bị Nguyễn Tuân “đuổi”, ông vẫn học những giờ khác, học hết khóa và nhờ vậy ông biết thêm được những kinh nghiệm thành công của những nhà báo, nhà văn tên tuổi. Nguyễn cũng dạy ông một bài học đích đáng “Không chỉ dựa vào gien và còn phải dựa vào sự dày công học hành”.
Nhà văn Nguyễn Tuân. Nguồn: Tạp chí Văn hiến Việt Nam.
Vũ Phạm Chánh còn kể ông có nhiều dịp đi cùng Nguyễn, trong đó có lần tháp tùng các nhà văn nhà báo ngược sông Đà bằng tàu thủy cuối năm 1964.
Lần ấy, Vũ Phạm Chánh hỏi Nguyễn về chữ “hoa lốp” trong bài sông Đà mà ông cho rằng nhà văn đã dùng một chữ rất lạ, rất hay, rất hình ảnh, nhưng với cánh cầu đường lục bộ, dường như đó là lời trách móc. Bởi, nó mô tả vết lốp xe in trên mặt đường 6 mới làm hồi nào.
Nguyễn Tuân cười xòa, nói: “Thế sau khi đọc bài ấy, cấp trên có kiểm điểm các anh không? Không hả, thế là hoa lốp vẫn cứ là hoa trên đường, đẹp thật đấy phải không?”.
Vũ Phạm Chánh cũng cho biết nhờ có quen biết Nguyễn Tuân mà ông biết thêm nhiều nghệ sĩ khác, trong đó có họa sĩ Lê Chính.
Một hôm, Vũ Phạm Chánh tình cờ gặp Nguyễn ở nhà Lê Chính và ông đã được nhà văn dành cho “một cái đặc ân” là nhận xét.
Nguyễn nói với Lê Chính: “Cái anh này được đấy”. Nguyễn hất hàm chỉ Vũ Phạm Chánh. “Anh có nhớ cái truyện ngắn mà anh trình bày cái tít đẹp mê hồn trên báo, truyện Đêm rằm không? Truyện cũ rích về tình yêu, nhưng cách viết của hắn thì đáng nể, chẳng có tên của anh của ả mà chi tiết tâm tình thì ngồn ngộn…”.
Thì ra “ông nhà văn lớn” Nguyễn Tuân đã đọc truyện ngắn đầu tay của Vũ Phạm Chánh đăng trên báo văn nghệ hồi năm 1962.
Minh Châu (Nguồn: https://zingnews.vn/)
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.