0 

Nguyễn Tiến Thanh - Thơ từ ngày tháng cũ

Bẵng đi một thời gian dài, tôi biết Nguyễn Tiến Thanh đi làm báo và trở thành người phụ trách một tờ báo rất ăn khách. Cứ nghĩ, Thanh đã xếp cái gọi là “thơ từ ngày tháng cũ” vào ký ức và đã khóa chặt lại. Coi như đấy là kỷ niệm của một thời. Nhưng hóa ra, thơ vẫn quẩn quanh đâu đấy trong trái tim Thanh. Đấy là điều tôi nghĩ đến khi đọc Chiều không tên như vết mực giữa đời (NXB Văn học) và Loạn bút hành (NXB Hội Nhà văn) của Thanh.

1. Ngày ấy, cuối năm 1989, nhân Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV, Khoa văn Đại học Tổng hợp đã tổ chức một đêm thơ mang tên Quyến luyến thế kỷ này để các nhà thơ đến đọc thơ. Đến đọc thơ hôm đó có cả nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Hoàng Cầm… Nhờ thế mà tôi gặp được nhiều sinh viên làm thơ còn trẻ măng, trong đó có Nguyễn Tiến Thanh.

Gặp nhau sau đêm thơ ít hôm, Thanh đã tặng tôi nhiều bài lục bát chép tay của anh, chữ rất đẹp và lục bát rất riêng. Vài năm sau, khi làm báo Thanh niên, Thanh lại tặng tôi một “phong bì thơ” của anh nữa. Có bài đã in trong tập Thơ Nguyễn Tiến Thanh, có bài đang là bản đánh máy chữ (lúc ấy chưa có máy vi tính). Các bài thơ này phần lớn đều in trong tập Chiều không tên như vết mực giữa đời. Riêng bài Hoang tưởng thì không có. Có thể là Thanh bị thất lạc bản thảo chăng? Nhưng đấy là một bài thơ tôi thích:

Chú thích ảnh
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh (Ký họa chân dung của Đỗ Hoàng Tường)

Chiều nay

Cơn mưa nào lang thang

Chiếc xích lô cô đơn

Lăn bánh qua mùa Thu góa bụa

Ngoài phố có rất nhiều nỗi nhớ

Rơi vàng mỗi lối heo may

Thì đâu dám trách chi trời xanh thế

Gió rất gầy ngày ai hát xa em

Thơ – máu rỏ ven đường thập tự

Ta – cô đơn đầy ly cà phê đen

Đắng đến nỗi ngàn đêm mất ngủ

Rồi là vỡ dưới chân mười sáu tuổi

Tờ lịch vèo bay giữa quỹ đạo 2000

Vòng quay cuối thời gian về cát bụi

Trái đất nằm phơi rốn sơ sinh

Tênh hênh nỗi niềm sỏi đá

Mặc chiều nay

Chiều nay

Cơn mưa buồn lang thang

Chiếc xích lô cô đơn

Lăn bánh qua mùa Thu góa bụa

Ở ngoài phố có rất nhiều nỗi nhớ

Cứ rơi vàng mỗi lối heo may.

Bài thơ như một ca khúc được viết ở thể 3 đoạn đơn A – B – A mà ở đấy, đoạn thứ 3 nhắc lại y nguyên đoạn thứ nhất. Có lẽ, Nguyễn Tiến Thanh định cảm thán về sự hoang tưởng của con người với chứng bệnh “cô đơn”. Có lẽ đây là một bài thơ đậm chất siêu thực, không thuộc giọng điệu “ông đồ” thường thấy ở Thanh. Những “lang thang”, “cô đơn”, “góa bụa”, “rơi vàng”… ghim vào ta ấn tượng của đơn lẻ đến cùng cực. Một bức tranh siêu thực ám ảnh.

Còn nói chung, những bài thơ khác trong “phong bì thơ” đều mang đậm chất sinh viên văn khoa. Chút triết lý, chút lãng mạn, chút ngơ ngác, chút hồn nhiên. Đặc biệt, nhịp thơ khó lẫn vào đâu được. Nó đã như thế hình như từ thời nảo, thời nào, nhưng tạo ra ấn tượng của sự riêng.

2. Rồi bẵng đi một thời gian dài, tôi biết Thanh đi làm báo và trở thành người phụ trách một tờ báo rất ăn khách. Cứ nghĩ, Thanh đã xếp cái gọi là “thơ từ ngày tháng cũ” vào ký ức và đã khóa chặt lại. Coi như đấy là kỷ niệm của một thời. Nhưng hóa ra, thơ vẫn quẩn quanh đâu đấy trong trái tim Thanh. Phải rồi, ở nước ta, từ khi có báo chí, nhà thơ, nhà văn nào mà chả đi làm báo. Làm báo để sống, còn làm thơ để chết. Từ cụ Tản Đà đến cụ Ngô Tất Tố, từ cụ Nguyễn Vỹ đến cụ Vũ Bằng, từ cụ Nguyễn Bính đến cụ Nguyên Hồng… tất cả đếu như vậy. Và Thanh cũng không ở ngoài câu chuyện đó. Bởi thế, dù có hơi ngạc nhiên vì Thanh “quay về núi thơ” hơi sớm, nhưng có thể cũng đến lúc khép lại một thời và rồi sẽ mở ra một thời mới.

Trong 2 tập thơ đều cùng ấn hành tháng 5/2021 thì tập Chiều không tên như vết mực giữa đời thực sự là việc công bố cái va li “thơ từ ngày tháng cũ” của Thanh với bao kỷ niệm của Khoa văn khóa 30. Ngay tên tập thơ cũng được chọn nguyên từ một câu thơ hay của Thanh: “Chiều không tên như vết mực giữa đời” nằm trong bài thơ Điều đó dĩ nhiên rồi. Ôi sao cái ngày xưa đẹp đẽ và mơ mộng biết bao. Mơ mộng trong đói nghèo “Nốt trầm rơi xuống lá hư vô”. Cái ngày xưa ngỡ nhiều người lãng quên, qua thơ Thanh hiện lên tươi rói. Cái ngày xưa tinh khôi của những ngày đầu đổi mới, mở cửa. Nỗi đời mà các nhà thơ trắc ẩn sao giống nhau đến thế. Thật đồng điệu.

Ở Thanh là “Nước chè xanh đây, ai thuốc lá nào/ Mẹ khan giọng sân ga chiều rộng quá”. Còn ở tôi là “Nước trà ngon mời chú uống giùm/ Cháu cứ lượn quanh còn tôi thì lặng đứng”. Có lẽ lúc nào đó, tôi và Thanh sẽ phải cụng một ly rượu đắng bởi những đồng điệu này chăng? Rồi ngay cả trung du nữa. Ở Thanh là “Trung du - nay quay về tuổi thơ mình đứng đó/ Dưới từng tán cọ đợi chờ/ Và trong mùi hương xôn xao đồi vắng”. Còn ở tôi là “Trung du – vò rượu cũ ta chôn sâu lòng đất/ Hôm nay ta về đào lên uống cạn/ Chếnh choáng núi đồi”.

Khác thế hệ nhưng đồng điệu, liệu có phải là tôi trẻ lại hay Thanh già trước tuổi? Trẻ lại hay già trước tuổi đâu có gì quan trọng. Quan trọng hơn là ta viết ra những điều chân thật của lòng mình.

Chú thích ảnh
Hai tập thơ mới ra mắt của Nguyễn Tiến Thanh

3. Loạn bút hành là tập thơ mà tác giả lấy tên tập từ tên một bài thơ viết năm 1990. Bài thơ được viết ở thể hành đấy khẩu khí: “Dẫu có một đi không trở lại/ Thì ta thề, uống mắt môi xưa/ Ngàn lau đã trắng trời quan ải/ Em ở đâu, hề, không tiễn đưa”.

Loạn bút hành có nhiều bài thơ làm trong suốt 2 thập kỷ của thế kỷ mới. Bởi thế cũng dễ thấy không còn những ngỡ ngàng, ngơ ngác, non nớt sách vở của thời sinh viên nữa. Sự từng trải đã thấm vào thơ Nguyễn Tiến Thanh từ lúc nào không hay: “Đời người như viên đạn/ Bắn tan chiều hư không”. Ở đấy mang mang nỗi niềm, day dứt ngẫm nghĩ: “Chợ trưa người đã chiều rồi/ Đi trong nhân thế nghe trời đất ru”. Ở đấy cô đọng hơn, khúc chiết hơn: “Chiều mưa sân ga cổ/ Người cũ hơn toa tàu/ Đường ray về quá khứ/ Tóc xanh đã phai màu” và cũng siêu thực hơn: “Không thể cắt bỏ vơ bằng liềm hái/ Ta phơi mây trên những đỉnh sương mù”.

Vẫn trên hai chủ đề tình và đời, nhưng nếu như “thơ từ ngày tháng cũ” của Nguyễn Tiến Thanh chỉ là những ca khúc thoảng buồn nhè nhẹ, còn ở hôm nay, nó đã cùng cả hai chủ đề ấy tạo nên cuộc va chạm, xô đẩy nhau trong những phúc điệu của cảm xúc theo một hình thức mà trong âm nhạc gọi đó là hình thức sonate. Đấy là bản hợp tấu của chữ. “… Khi âm nhạc rền vang khúc bi hoan số phận/ Thì bản hòa âm cuộc sống xung quanh chìm lắng toàn những nốt trầm/ Rơi bên thềm tâm tưởng/ Những nốt nhạc hành hạ đêm/ Dày vò ta trong im lặng/ Giai điệu vô thanh bủa vây niềm cô độc/ Tim ngân rung chỉ để hát hay hơn bài ca/ Về cái chết tất yếu của linh hồn…”. Những con chữ có sức mạnh của “Nốt nhạc bay khỏi phím dương cầm”.

Bởi thế, trong “Loạn bút hành” có nhiều đoản khúc. Đọc và cảm nhận những đoản khúc có sự ngân vang ở ngoài con chữ. Một cảm nhận mơ hồ: “Không thể dùng chữ cơn cho thứ dằng dai vấn vương như một suy tư - Đến khi nào mưa bụi sẽ phôi pha, để nhân sinh chỉ còn mây trắng? Một thức ngộ song hành cùng nguôi quên còn sót lại – Mưa bụi sinh ra từ mây trắng, nhưng cuối cùng mây trắng vẫn đi hoang”.

Có một dằn vặt gì đó ở phía sau con chữ, khiến ta phải lắng nghe đâu đó mà chia sẻ: “Nắng buông dịu dàng và nuối tiếc trên ngõ nhỏ của mê cung tâm trạng - Như không muốn rời khỏi nỗi ưu tư - Đó là lúc thành phố bỗng biến thành u cốc- Cô tịch và mị hoặc – Trong mơ hồ ảo giác của im lặng và của nicotin”.

Và trong những đoản khúc ấy, “Ngày hôm qua” như chọn chủ đề từ một ca khúc bất tử của The Beatles phủ sóng khắp nhân loại để tấu lên cung bậc của riêng mình: “Và ngón tay lướt trên dây kim loại – Ngón guitar tay chiêu của một gã Ăng lê - Ngày hôm qua phủ kín năm mươi năm trái đất ơ hờ, im lặng, hắt hiu - Rồi bùng nổ rền vang trên một niềm quên lãng – Vài nỗi hoang vu và rất nhiều cơn nhớ… Vì hôm nay là hôm qua của ngay mai – Ngày hôm qua phất phơ lạc lối – Ngoài kia là gió lạnh – Ngoài kia là mưa phùn – Ngày hôm qua – Đã xa”.

Hãy đi theo bước phiêu diêu của kẻ “Lữ hành” để thấu tận đáy tâm tư: “Bây giờ xa lắc đam mê – Giấc cô miên lời niệm khúc – Rượu nửa đêm, quán vỉa hè - Dấu chân thiếu thời phiêu bạt”. Và đây là lời “Tự thú” của một người thơ thành thực với những giấc mơ “có tội”: “Mơ danh trùm ngạo thế - Mơ trăm mắt tôn thờ - Nhưng mà rồi sống tệ - Mơ thế làm bẩn thơ”. Niềm ân hận cứ se sắt mãi cùng tuổi tác: “Quá nửa đời lạc lối - Mơ những chuyện hoang đường – Ngoảnh về hoang vu tuổi – Tóc vương đầy bão giông”. Nhưng nếu không còn biết ân hận, thì liệu thơ có còn?

Gần 40 năm đi, từ những câu thơ ngây thơ của “ngày tháng cũ” đến những câu thơ trắc ẩn của ngày hôm nay, người thơ Nguyễn Tiến Thanh vẫn hoang mang trong phức điệu của nhiều con người trong một con người nơi anh. Nhưng tôi vẫn quý mến chàng thi sĩ với vẻ mặt bơ phờ đã một thời dài bị “Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Thanh” cách ly trong trong góc tối của tâm hồn, song có khoảnh khắc vu vơ, canh chừng lỏng lẻo, chàng thi sĩ đã thoát ngục và than vãn đôi câu lục bát lơ ngơ:

Ngỡ rằng đã vợi mùa thu

Ngờ đâu lá trút như mưa trên đầu

Tóc xanh chưa kịp phai màu

Ngày sau lá đỏ đã nhàu thiên thu

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/nguyen-tien-thanh-tho-tu-ngay-thang-cu-n20210621091952671.htm)