0 

Nguyên mẫu nhân vật Tám Bính trong 'Bỉ vỏ' là ai?

Nguyên Hồng cho biết nhà ông ở Nam Định trước có bán cơm và “chứa trọ”. Ngày đó, có một khách đàn bà bị mọi người trong nhà ghê sợ và khinh bỉ.

Bỉ vỏ - tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng (5/11/1918 - 2/5/1982) - là một trong những tác phẩm có nội dung thành công nhất của văn học Việt Nam hiện đại “thời tiền chiến”. Tác phẩm không chỉ đề cập đến số phận của những người cùng khổ, thuộc tầng lớp dưới đáy của xã hội, mà còn phơi bày nhiều góc khuất, mặt trái của đời sống xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Tác phẩm cũng đánh dấu việc định hình khuynh hướng sáng tác của Nguyên Hồng - nhà văn luôn đứng về những người lao động và luôn bênh vực những kẻ yếu thế...

Tại sao tiểu thuyết lại mang tên Bỉ vỏ

Trong cuốn hồi ký “Bước đường viết văn” (NXB Trẻ, 2019), nhà văn Nguyên Hồng cho biết, Bỉ vỏ được ông thai nghén ngay từ những ngày đầu ông theo mẹ và cha dượng về Hải Phòng tìm kế sinh nhai. Khi đó ông mới 16-17 tuổi (cha Nguyên Hồng mất khi ông 12 tuổi, mẹ ông cải giá, đi một bước nữa). Đó cũng là những tháng ngày gia đình ông khổ sở, vật lộn với cuộc sống (phải đi thuê nhà, mọi sinh hoạt của cả gia đình đều trông vào mấy hào vốn buôn trầu cau của mẹ).

Nhà văn Nguyên Hồng thời trẻ. Nguồn: tienphong

Nguyên Hồng cũng cho biết ông tập viết và bắt đầu có những truyện ngắn đầu tiên (viết trong cảnh đói nghèo cùng cực) gửi đăng báo vào năm 1935. Sau những truyện ngắn này, ông dồn tâm sức viết Bỉ vỏ, cuốn tiểu thuyết được ông ấp ủ và “dàn xếp kỹ càng trong đầu óc” nhiều ngày tháng trước đó. Vào khoảng đầu năm 1936, bản thảo đầu tiên của cuốn tiểu thuyết (khoảng 170 trang) hoàn thành. Nhắc lại thời khắc quan trọng này, Nguyên Hồng không khỏi xúc động: “Tôi đã muốn reo, muốn thét, muốn cười, muốn khóc…”.

Cũng trong cuốn hồi ký, Nguyên Hồng cho biết lý do tại sao ông lại đặt tên cuốn tiểu thuyết là Bỉ vỏ mà không phải là những cái tên khác như: Nàng thôn nữ lạc loài, Một kiếp trầm luân, Người con gái xấu số... Ông giải thích, bỉ là con, vỏ là ăn cắp. Một con ăn cắp. Cái tên này theo đúng tiếng lóng cả xã hội đương thời và theo đúng với cuộc đời nhân vật và câu chuyện của nó. Tiểu thuyết Bỉ vỏ chính là câu chuyện và cuộc đời của một con ăn cắp: Bính hay Tám Bính.

Bìa cuốn hồi ký Bước đường viết văn của nhà văn Nguyên Hồng (NXB Trẻ, 2019).

Bính vốn là một cô gái quê hiền lành, nhưng vì nhẹ dạ nên đã có thai với một gã thư ký đạc điền và bị bỏ rơi giữa lúc bụng mang dạ chửa. Không thể chịu được những tục lệ cay nghiệt, đẻ xong, Bính phải bỏ làng ra đi. Ra đến Hải Phòng, Bính liên tiếp sa vào những cảnh thê thảm tàn bạo khác. Bị hãm hiếp, bị lừa lọc, trở thành tội phạm, rồi bị buộc phải làm nghề mại dâm.

Thoát khỏi nhà chứa, Bính lấy Năm Sài Gòn, một kẻ tứ cố vô thân, làm nghề du côn, anh chị ở Hải Phòng, đã trải qua không biết bao án tích. Bính yêu thương Năm Sài Gòn và muốn lôi kéo hắn về con đường làm ăn lương thiện, nhưng cô đã tính lầm vì không thể lay chuyển được chồng. Hai người bỏ nhau giữa những ngày sống trở nên khó khăn.

Bính trở về Nam Định lấy chồng mới làm mật thám gác xà lim. Nhưng rồi Bính cũng lại bỏ cuộc đời đó mà đi… Bính ra đi lại làm vợ của Năm Sài Gòn. Đến giai đoạn này, Bính theo hẳn nghề ăn cắp. Cuối cùng Bính bị bắt cùng Năm Sài Gòn trong một vụ vừa cướp của vừa giết người. Kẻ bị giết là một đứa bé con trai. Đau đớn thay đó chính là đứa con mà Bính đã phải cho đi khi còn đỏ hỏn. 

Nguyên mẫu nhân vật Tám Bính là ai?

Cũng trong cuốn hồi ký “Bước đường viết văn”, nhà văn Nguyên Hồng cũng đã trả lời một số câu hỏi xung quanh cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ như: Bỉ vỏ là truyện có thật không? Nếu là tưởng tượng, là hư cấu, thì tượng hư cấu đến mức nào?...

Nhân vật Tám Bính trong phim Bỉ vỏ do NSND Hoàng Cúc đóng.

Nguyên Hồng cho biết khi còn bé, ông thường phải đọc sách cho cha và bà nghe, phần lớn là truyện Tàu nên ông đã thuộc phần nào sử Trung Quốc xưa và các bộ tiểu thuyết với những nhân vật là các anh hùng nghĩa hiệp. Bên cạnh đó, ông còn biết đến Kiều qua lời kể của bà.

Nguyên Hồng cũng cho biết nhà ông ở Nam Định trước có bán cơm và “chứa trọ”. Ngày đó, có một người khách đàn bà khiến cậu bé Nguyên Hồng chú ý. Người này bị mọi người trong nhà ghê sợ và khinh bỉ. Y nằm ở một tấm phản tồi tàn mé trong lối vào nhà bếp. Người xanh bủng, trông còn trẻ và rã rượi, ốm yếu một cách kỳ lạ. Y ăn riêng, bát đũa phải rửa lấy và để ngay chỗ nằm. Về sau, Nguyên Hồng được biết, y làm nhà thổ, bị bệnh rất nặng. Dù bệnh nặng và chỗ nằm bốc mùi hôi thối, nhưng y vẫn trẻ đẹp, lẳng lơ, và khêu gợi.

Người tiếp theo là chị Lan, làm ở nhà thổ và có họ hàng xa với Nguyên Hồng. Hồi bé, có lần Nguyên Hồng vào cái nhà ghê khiếp của chị. Lúc đó chị đang đánh chắn, mặc quần đùi, cởi trần, đeo nịt vú, tóc vấn buột ra xã xượi… Người chị đen, gầy khẳng và thoảng ra mùi hôi thối của bệnh tật…

Bìa cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ (NXB Văn học, 2015).

Nguyên Hồng cũng kể rằng, trường học của ông gần nhà thương và nhà tù. Nhiều lần đi học qua nhà thương ông được chứng kiến cảnh sinh hoạt của hàng chục người bị nhốt ở khu nhà thổ… Hầu hết da vàng ủng, thân thể thì lở loét sần sùi…

Vào những ngày mới ra Hải Phòng đi tìm việc và trong những ngày tập viết truyện ngắn đầu tiên, Nguyên Hồng thường lang thang qua phố Hạ Lý. Phần chính khu phố này là khu nhà thổ cặn bã của Hải Phòng… Khu này quanh năm nhớp nháp, mờ mờ hôi hám…

Đó là những người, cảnh, truyện Nguyên Hồng được nghe, được biết trước khi viết Bỉ vỏ. Vậy, trong số đó là đâu là nguyên mẫu để Nguyên Hồng xây dựng nên Tám Bính?

Nói về việc này, Nguyên Hồng cho biết những thứ kể trên chỉ đóng góp một phần nào đó cho công việc viết lách của ông mà thôi. Khi xây dựng Bỉ vỏ và Tám Bính, ông không tưởng nhớ đến ai cả. Hình ảnh Tám Bính, cuộc đời Tám Bính, hoàn toàn do ông tạo nên với tất cả tưởng tượng, suy nghĩ của ông về sự đau khổ mà ông đang sống và phải sống ở xã hội lúc bấy giờ. Nhân vật Tám Bính một phần của bao nhiêu người cùng cảnh, cũng có cả một phần của ông. Nguyên Hồng viết:

“Phải! chính sự đau khổ tôi phải sống và đang sống ở cái xã hội bấy giờ nên tôi đã tạo ra Tám Bính bị lừa phản, chịu oan ức; bệnh tật phá hoại thể xác, tội ác phá hoại tinh thần; con người cứ vùng lên, dập xuống, dập xuống lại vùng lên. Trải qua bao nhiêu cảnh đau đớn tủi nhục, tối tăm, tất cả trái tim và linh hồn bị xẻo, bị nướng, bị tan nát… tất cả những ước mơ trong sáng… bị tàn phá… bị xô đi bởi sức mạnh tàn nhẫn và độc ác vô cùng.

Tám Bính lẻ loi, bơ vơ, trơ trọi ấy, cũng có cả một phần tôi và một phần của bao nhiêu người cùng cảnh. Tôi mượn Tám Bính để đưa ra giữa ánh sáng ban ngày của một sự thật trong những sự thật của một hạng người, một số người. Tôi mượn Tám Bính để làm cho nhiều người thấy có một sự thật trong những sự thật như thế của xã hội”.

Minh Châu (Theo https://zingnews.vn/)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận