0 

"Người chồng vĩnh cửu" của F. M.Dostoievski

F. M. Dostoievski (1821-1881) được thừa nhận là một trong số các nhà văn vĩ đại có tầm ảnh hưởng đặc biệt tới sự phát triển văn học thế giới thế kỉ XX. Cho tới nay ảnh hưởng đó không hề thuyên giảm. Bạn đọc Việt Nam từng làm quen với Dostoevski qua những kiệt tác của ông như Tội ác và trừng phạt; Anh em Karamazov; Gã khờ; Lũ người quỷ ám; Bút kí dưới hầm... Những tác phẩm này đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần của họ, tới sáng tác của một số nhà văn, lôi cuốn mạnh mẽ sự chú ý của giới nghiên cứu, phê bình Việt Nam. Tiếp tục giới thiệu di sản của nhà văn thiên tài Nga cho người đọc Việt Nam hiện đang là mục tiêu lớn của các nhà Nga học. Tác phẩm "Người chồng vĩnh cửu" mà các bạn cầm trên tay là một trong những cố gắng nhằm thực hiện mục tiêu đó.

  ''Người chồng vĩnh cửu'' in lần đầu tiên trên tạp chí Rạng đông năm 1869. Về tác phẩm này Dostoevski cho biết: “Tôi đã định viết truyện ngắn này cách đây bốn năm, năm anh trai tôi mất, đáp lại lời của Apollon Grigoriev, người đã khen ngợi Bút kí dưới hầm của tôi và có nói với tôi khi ấy: “Cậu tiếp tục viết theo kiểu đó đi”. Nhưng đây không phải là Bút kí dưới hầm; tác phẩm này hoàn toàn theo một hình thức khác, mặc dù trên thực tế nó vẫn thuộc bản chất xưa nay của tôi (...) Tác phẩm này tôi có thể viết xong rất nhanh - bởi vì trong nó không có một từ nào, một dòng nào lại không rõ đối với tôi”. 

Quả thật, Dostoievki đã viết Người chồng vĩnh cửu trong đúng có ba tháng, và từ một truyện ngắn theo ý đồ ban đầu, khi kết thúc nó đã trở thành thiên truyện dài có dung lượng của một cuốn tiểu thuyết.

 Người chồng vĩnh cửu viết về câu chuyện một người chồng bị “cắm sừng” và những hành vi của ông ta sau khi biết mình bị vợ và bạn phản bội. Về đề tài này Dostoevski đã từng có một truyện ngắn trước đó, nhan đề Vợ người khác và gã chồng dưới gầm giường (1848), trong đó, theo “gu” thịnh hành trong văn học đương thời, Dostoevski mô tả nhân vật người chồng bị lừa dối theo kiểu nửa hài kịch thông tục. Còn giờ đây, với Người chồng vĩnh cửu,

Dostoevski đã “nâng tầm” sáng tác của mình, tạo bước ngoặt phát triển nghệ thuật mô tả tâm lí phức tạp cho dạng đề tài này. Viết về đề tài ghen tuông và tính cách của người chồng bị phản bội Dostoevski có thể đã xuất phát từ một số tình huống cốt truyện và diễn biến tâm lí của hài kịch Molier - Trường học dạy làm vợ (1665) và Trường học dạy làm chồng (1667). Năm 1867, theo lời khuyên của Turghenev, Dostoevski đã đọc Bà Bovary của G.Flaubert. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Pháp đã gợi ý cho ông ý đồ mô tả và lí giải hình tượng người chồng bị cắm sừng theo

hướng nghệ thuật-tâm lí mới. Ông tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết này motip mà sau này ông sử dụng như điểm xuất phát cốt truyện cho tác phẩm của mình: Charles Bovary sau cái chết của vợ, qua những bức thư của bà với tình nhân, đã biết về sự phản bội của vợ mình, đâm ra rượu chè rồi chết. Trusotski sau cái chết của Natalia Vacilievna, vợ mình, và qua thư từ của bà biết mình bị phản bội, đồng thời phát hiện ra đứa con gái yêu không phải con đẻ của mình.

Vở kịch ngắn một hồi Người đàn bà tỉnh lẻ của Turghenev (1851) cũng để lại dư âm cốt truyện trong Người chồng vĩnh cửu. Nhà văn quan tâm tới hai tính cách chính trong hài kịch của Turghenev - Stupendiev - người chồng tận tuỵ và vợ ông ta - Daria Ivanovna, người đàn bà sỏ mũi chồng và phải lòng tên sở khanh già, dân thủ đô. Trong Người chồng vĩnh cửu Dostoevski xây dựng nhân vật người chồng Trusotski có nhiều nét giống Stupendiev của Turghenev. Tuy nhiên, cũng là người chồng tận tuỵ, bị vợ sỏ mũi, nhưng nhân vật của Dostoevski có tính cách phức tạp hơn nhiều, bởi, một mặt, trước mắt mọi người ông ta tỏ ra là người nhút nhát, sợ vợ, nhưng trên thực tế lại là người có suy nghĩ và hành động quyết đoán, độc lập một khi cần thiết. Hai cực tính cách trái ngược nhau trong một con người được đưa lên đỉnh điểm khi nhà văn để cho người chồng biết mình bị lừa và trở thành nạn nhân của sự ghen tuông đối với người vợ đã chết. Sự ghen tuông ghê gớm đó lại đổ lên đầu một nhân vật yếu đuối, hiền lành, chính vì vậy Trusotski đã trở thành một nhân vật bi hài. Trên cơ sở “liên văn bản” với những tác phẩm ra đời trước đó, với Người chồng vĩnh cửu Dostoevski đã thể hiện một tài năng vượt bực trong nghệ thuật xây dựng tâm lí tính cách nhân vật. Ở tác phẩm của ông có sự hòa trộn giữa bi kịch và hài kịch, giữa cái thấp hèn và cái cao cả trong ý nghĩ và hành động của Trusotski (người chồng bị cắm sừng), chỉ ra biện chứng phức tạp giữa kẻ bạo hành và những nạn nhân của hắn gắn với đề tài “dưới hầm”.Sự ghen tuông thái quá đã khiến con người nhu nhược, hiền lành Trusotski (tiếng Nga có nghĩa là kẻ hèn nhát), một “người chồng vĩnh cửu” (kiểu gọi chế giễu của Veltraninov)(1) biến thành người báo thù. Mà sự báo thù mới kinh khiếp làm sao! Nó diễn ra ngay từ đầu, khi độc giả còn đang mải theo dõi quá trình diễn biến tâm lí căng thẳng của Veltraninov bị một gã đàn ông trung niên “đeo băng tang” đeo bám gần cả tháng trời và cùng với nhân vật cố tưởng tượng xem đó là “thằng chó nào vậy”. Sau khi nhận ra nhau là người quen 10 năm về trước, Trusotski “tra tấn” kẻ thù của mình bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, khi thì tỏ ra đã biết hết “mọi chuyện”, lúc thì úp mở về quan hệ cha con ruột thịt giữa Veltraninov với bé Liza - đứa con gái mà ngần ấy năm hắn vẫn tưởng là “món quà vô giá Chúa ban tặng cho mình”! Tệ hại hơn, người cha hờ từng vô cùng yêu quý đứa con gái, sau khi biết chuyện, đã hành hạ nó không thương tiếc trước mắt cha đẻ của nó và cái chết của đứa trẻ đáng thương là giọt nước tràn li về sự “tán tận lương tâm” của kẻ báo thù, biến kẻ thù của mình - người đàn ông trịch thượng, vượt trội về mọi mặt so với mình, thành nạn nhân thảm hại về phương diện tinh thần. Chưa dừng ở đó, long ghen tuông cộng với cái chết của Liza, cùng với việc bị đám trẻ làm nhục khi tới nhà viên quan chức Zakhlebnikov hỏi cô bé 16 tuổi làm vợ, khiến Trusotski, vừa mới hết lòng tận tuỵ chăm sóc Veltraninov khi tay này đổ bệnh, thậm chí còn ôm hôn anh ta, bất thình lình đã lao vào cố dùng con dao cạo râu cứa cổ tình địch khi anh này đang ngủ!

Thi pháp “kết hợp những cái không thể kết hợp”, hay kết hợp tài tình những cực đoan trong nghệ thuật mổ xẻ tâm lí nhân vật, có vẻ như là một trong những thi pháp chủ đạo trong sáng tác của Dostoevski.

 Đề tài “kẻ dữ” - “người lành” vốn được “đào sâu” trong triết học và văn học Nga cổ điển, trong tác phẩm của Dostoevski cũng được hai nhân vật chính: kẻ cắm sừng và người chồng bị cắm sừng bàn luận. Nhiều nhà phê bình thời kì đó cho rằng trong văn học Nga diễn ra không ngừng nghỉ cuộc đấu tranh giữa hai loại người này, các nhà văn cố gắng tìm kiếm mối quan hệ thỏa đáng giữa chúng, - lúc hạ bệ, khi đề cao một trong hai loại người đó. Khác với họ, Dostoevski cho rằng giữa hai loại người này không có ranh giới rõ ràng và cùng lúc có thể biến “người lành” thành “kẻ dữ”. Hai tính cách đối lập “dữ” - “lành” bắt rễ trong mỗi con người, tùy từng hoàn cảnh, môi trường, từng mối quan hệ, cái nọ sẽ lấn át cái kia. Thông qua cách miêu tả tâm lí tài tình về một ông chồng hiền lành nhu nhược bị cắm sừng vì ghen tuông biến thành kẻ báo thù dữ dội và kẻ ác - chuyên cắm sừng người khác, ngạo nghễ trước sức mạnh vượt trội về thể chất và tinh thần của mình, biến thành nạn nhân khốn khổ, Dostoevski đã chứng minh triết lí nhân sinh của mình.

Để nhấn mạnh đề tài xuyên suốt này, trong truyện, Dostoevki đã “lồng ghép” nó với nhiều đề tài “vệ tinh” khác, mà một trong số đó là đề tài về thế hệ thanh niên thời đại ông - những người theo chủ nghĩa hư vô, vốn là một trong những đề tài được diễn giải thành công trong tiểu thuyết Cha và con của Turghenev. Trong Người chồng vĩnh cửu, Dostoevski không chỉ nêu bật bi kịch của lớp trung niên thông qua bi kịch của hai nhân vật Trusotski và Veltraininov, mà còn chỉ ra bi kịch của lớp thanh niên “mầy mò tìm đường” trong cái môi trường “không biết tìm ra ai để mà kính trọng”. Nhờ sự “lồng ghép” khép léo này phạm vi nội dung xã hội và tư tưởng thiên truyện được mở rộng, tính nhân bản vốn luôn được giấu kín đằng sau những tình tiết, những câu nói, hành động, dần lộ diện. Tác giả đã để Veltraninov - kẻ được xem là có khả năng tự phân tích hơn cả, đã đánh giá về nạn nhân/kẻ bạo

hành mình -Trusotski như sau: “Đó là một sinh vật dưới hầm và là một sinh vât quái đản, nhưng mà sinh vật ấy cũng là người cùng với những những niềm vui, nỗi buồn và nhận thức của mình về hạnh phúc, về cuộc đời. Sao mình lại đâm sầm vào cuộc đời anh ta làm gì nhỉ? Việc gì mà bọn mình phải đỏ mặt lên với nhau, việc gì phải nhìn nhau bằng con mắt thù địch, khi mà cuộc đời vốn được dành cho hạnh phúc và khi mà nó ngắn ngủi đến vậy? Ô, sao mà cuộc đời ngắn ngủi nhường vậy! Sao ngắn vậy hả trời?”.

Sau những gì đã trải qua, kể cả sau câu trữ tình cảm thán đầy tính nhân văn và thấm đậm tinh thần cơ đốc giáo, người đọc những tưởng Veltrainov sẽ rẽ sang một lối đi mới để mà “lột xác, hồi sinh”, trở thành người có ích. Nhưng không, anh ta vẫn vậy, vẫn là kẻ lãng du, vẫn kẻ vô trách nhiệm với đời. Cả Trusotski cũng vậy. Ông ta trước sau vẫn là một người chồng vĩnh viễn nhẫn nhục, hiền lành, nếu chưa tận mắt thấy được “nhân chứng, vật chứng” về việc mình bị cắm sừng! Dostoevski là như thế.

Ngay từ khi mới ra đời Người chồng vĩnh cửu đã được đón nhận nồng nhiệt. N.N. Strakhov, nhà phê bình và là ông chủ tạp chí Rạng đông, là người đầu tiên vào tháng 2 năm 1870 viết cho tác giả: “Truyện dài của anh đã đem lại ấn tượng sống động và không cò gì phải nghi ngờ, sẽ gặt hái những thành công lớn. Theo tôi, đây là một trong những tác phẩm được gọt giũa nhất của anh, - còn về đề tài - đó là một trong những đề tài sâu sắc nhất, thú vị nhất mà anh từng viết: tôi nói về tính cách của Trusotski; nhiều người có thể sẽ không hiểu, song họ vẫn đọc và sẽ đọc một cách say mê”. Sau một tháng ông thông báo cho Dostoevski: “Lời phỏng đoán của tôi đã thành hiện thực. Người chồng vĩnh cửu của anh đã lôi cuốn được sự quan tâm vô cùng lớn và người ta đang tranh nhau đọc”.

Sau một năm, Người chồng vĩnh cửu được nhà phê bình đưa vào danh sách các tác phẩm dẫn chứng cho sự tiến bộ nghệ thuật của văn học Nga: “Nền văn học của chúng ta hiện đang nở rộ trong toàn bộ ý nghĩa của từ đó; nó mở rộng, khai triển, trong khi các nền văn học khác, chẳng hạn như văn học Pháp, văn học Đức, Anh - hoặc suy thoái, hoặc ngưng trệ (...). Phần lớn các nhà văn của chúng ta thậm chí không dừng lại ở sự phát triển của mình, mà tiếp tục những bước đi mới khi họ đang còn cầm bút. Chẳng hạn Turghenev đã trưởng thành vượt bực ngoài sự mong đợi của Belinski. Chẳng hạn như Lev Tolstoi vươn lên ngày mỗi vững vàng, chắc chắn, và vẫn tiếp tục vươn lên ngày một cao hơn. Chẳng hạn như Dostoevski, mặc dù còn có những dao động, cũng đang vươn lên cao, và đối với phê bình Nga thật rõ ràng, thí dụ, với truyện vừa Người chồng vĩnh cửu của mình nhà văn ấy đã tiến được một bước mới trong sự phát triển những tư tưởng của mình”.

Đó là những lời đánh giá của người đương thời xuất sắc về nhà văn. Hi vọng người đọc hiện đại sẽ tìm thấy những vấn đề mình quan tâm, những vấn đề gần gũi trong thiên truyện từng được viết hơn một thế kỉ trước bởi một thiên tài, một “nhà hiện thực Nga nghiệt ngã”.

Đào Tuấn Ảnh (Người dịch

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận