0 

Ngẫm cung bậc đời cùng “Đọc Radio”

Độc giả sẽ thấy lạ với tên sách “Đọc Radio”. Nhưng giản dị là một sản phẩm vừa “trình làng” của Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) - Đài Tiếng nói Việt Nam với sự hợp sức của Nhà xuất bản Văn học, quy tụ nhiều tác phẩm đặc sắc đã đến với thính giả cả nước qua sóng phát thanh thời gian qua.

Tuy nhiên, tưởng quen, mà sẽ “lạ” ngay ở cái tên ấy: đọc radio - đọc cánh sóng - đọc lại tác phẩm trên sóng mà ngẫm thêm, nghĩ mới cùng đời sống hôm nay, khi hẳn nhiên nhiều truyện, ký, thơ, tản văn hay vẫn sẽ còn nguyên sức hút. Đặc biệt với bạn đọc trẻ, với mỗi ai không phải lúc nào cũng đủ thời gian nghe đài trong ngày bận rộn.

Và đâu chỉ là “lấy” tiếng nói in sách, mà phải có nhiều quy tụ mới, tác phẩm mới, để làm nên ấn phẩm dày dặn gần 500 trang này. Vì thế, “Đọc Radio” mới có thể có nhiều cái tên, qua nhiều thế hệ: Nguyễn Huy Thiệp, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Thái Chí Thanh, Lê Đình Cánh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hữu Quý, Lâm Huy Nhuận, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Lữ Mai… Và không thể thiếu những cái tên “người nhà đài” đã góp phần xây dựng và làm nên “thương hiệu” văn nghệ nhà đài từ thời chiến tranh sang bao cấp, đổi mới: Vũ Quần Phương, Trần Nhật Lam, Trần Mạnh Thường, Trần Đăng Khoa, Trúc Thông, Trương Hữu Lợi, Vũ Hà…, kế đến là lớp người trung niên và trẻ đang sung sức, gánh vác sóng phát thanh văn nghệ hiện nay: Trần Nhật Minh, Lê Nghiêm, Anh Thư, Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Hà, Thanh Thúy, Vân Khánh…, rất đông các tác giả đã, đang và cần có đóng góp sôi nổi vào đời sống văn nghệ.

Với các tác giả ấy và tác phẩm của họ, được sắp xếp trong nhiều phần về truyện ngắn, tùy bút, tản văn, thơ, kịch bản sân khấu truyền thanh, tư liệu văn học, chân dung, đối thoại…, người đọc có thể xem mục lục rồi tìm chọn. Hoặc giở sách đọc bất kỳ, bắt đầu từ một tiêu đề, theo hứng thú của mình. Rồi cứ lần lượt mà hiện lên, đủ dần các mảnh ghép độc lập, làm nên cõi sống vô cùng, đa cảnh, đa phận, nhiều tiếng nói của cả cộng đồng cho đến cá nhân sâu xa. Có những bút ký, tản văn, thơ hào sảng khí thế Biển Đông với niềm thắm thiết hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Có những hoài niệm về thời chiến tranh, loạn lạc làm dậy lên góc nhìn nhân văn, thương xót số phận ở bên rìa dòng chảy chung. Có bao nhiêu suy tư nồng nàn hướng về mẹ, về quê nhà, về hạt gạo, về phố xá, về con người và cốt cách văn hóa, về những chuyến đi và khí chất những vùng đất. Có những lắng đọng chứng kiến đau thương nhưng cũng mềm mại và yêu thương hơn, tin và hy vọng nhiều hơn trong đại dịch Covid… 

Đó cũng là sự thú vị, thuận tiện mà một ấn phẩm theo mô hình tổng hợp có thể đem lại cho bạn đọc hôm nay vào những phút đọc hiếm hoi giữa trăm công nghìn việc. Và điều này đang là một gợi mở cho tiềm năng dồi dào của VOV6 khi hoàn toàn có thể khai thác, chắt lọc từ kho dữ liệu đồ sộ của mình, đã được phát sóng trong nhiều chuyên mục bao năm qua. Từ đó, bổ sung, kết hợp để làm nên những ấn phẩm sách cho công chúng rộng rãi, nhân lên, kéo dài đời sống các tác phẩm văn nghệ có giá trị. 

Hoàng Hoa (Nguồn: https://nhandan.vn/baothoinay-vanhoavannghe-docsach/ngam-cung-bac-doi-cung-doc-radio-683543/).