0 

Mấy cảm nhận đọc “Tím ngát tuổi hai mươi”

Nhà xuất bản Văn học vừa phát hành cuốn sách “Tím ngát tuổi hai mươi” của nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là tuyển truyện ngắn, truyện vừa của ông với truyện ngắn đầu tay “Lửa hồng” đăng báo Cứu Quốc, liên khu IV năm 1949 – năm ông tròn 20 tuổi. Tạp chí Người làm báo trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh về cuốn sách mới này:

“Cái gì ở anh ta khiến tôi phải chú ý, cái gì ở anh có sức hấp dẫn tôi đến vậy?”.

Tôi xin mượn câu mở đầu truyện ngắn “Anh bạn thợ dép lốp của tôi” của tác giả Phan Quang để diễn tả một cảm nhận bao trùm của mình khi đọc tuyển truyện ngắn gồm 355 trang, với 11 truyện ngắn, truyện vừa, trong đó có 3 truyện dịch. Từ câu mở đầu của một truyện ngắn nêu trên, tôi tự hỏi mình: những nhân vật nào khiến tôi phải chú ý, điều gì ở những trang sách này đã hấp dẫn, cuốn hút tôi?

Về cơ bản, tôi đã tìm được câu trả lời khi đọc các bài phê bình của các nhà văn, nhà báo đề cập trong phần cuối cuốn sách này, nhưng với tôi, muốn nhấn mạnh đôi điều tâm đắc nhất. Trước hết, đó là gương mặt, tâm hồn của các nhân vật mà tác giả miêu tả với nhiều góc cạnh, từ hình dáng, cách sống đến tâm tư, tình cảm trong một bối cảnh lịch sử cụ thể - đó là những năm tháng chiến đấu chống thực dân Pháp đầy cam go, nhưng rất hào hùng của dân tộc Việt Nam ta. Không gian sống cụ thể của các nhân vật này là ở Huế, Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An - cũng chính là những nơi tác giả đã rời bến Sông Nhùng ở quê hương Quảng Trị đi theo Đảng làm cách mạng bằng ngòi bút và trang giấy của người vừa làm báo, vừa tham gia viết văn.

Với tâm hồn nhạy cảm và trí thông minh, Phan Quang đã ghi lại những cảm nhận của mình về cuộc kháng chiến thần thánh diễn ra ở một vùng đất giàu truyền thống cách mạng kiên cường, thể hiện sinh động qua suy nghĩ và hành động của nhiều lớp người, từ anh thợ làm dép “Bình Trị Thiên” với suy nghĩ rất bình dị: việc này “cũng là một cách phổ biến ra miền tự do kiểu xâu chiếc quai nhỏ đã thông dụng từ lâu ở chiến trường Bình Trị Thiên, cũng là một cách như ta góp phần vào kháng chiến vậy” (trang 188).

Đó là ông lão (trong truyện Lửa hồng) khi giặc đốt sạch, phá sạch làng quê, buộc ông cùng bà con phải đi tản cư, nhưng trong lòng luôn canh cánh mong bộ đội “đánh Tây thật mạnh để gia đình ông chóng được về lại làng quê”. Vào một đêm mưa, anh Vệ quốc đoàn đi làm nhiệm vụ, đã tranh thủ ghé vô nhà ông để vừa thông báo tình hình kháng chiến, vừa tạm xua đi lạnh giá. Câu chuyện quân - dân bên bếp lửa hồng sưởi ấm tình người, thắp sáng niềm tin về cuộc đánh đuổi thực dân xâm lược, qua sự rung động lắng sâu của hai cha con khi người chiến sĩ rời bếp lửa lên đường, nhưng âm vang câu hát “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi” của người lính đã thổi lửa hy vọng vào gia đình ông lão (trang 26). 

Nhà báo lão thành Phan Quang.

Cần nói thêm rằng, đây là truyện ngắn đầu tiên được viết và đăng ở số báo Tết Kỷ Sửu 1949 trên báo Cứu quốc, xuất bản tại liên khu IV, khi tác giả tròn tuổi 20, nhận nhiệm vụ phân công đột xuất của Chế Lan Viên để “bít chỗ trống” cho trang Văn nghệ khi toàn bộ các bài của số Tết đã lên khuôn. Một truyện ngắn viết trong đêm, nhưng không hề dễ dãi, nhợt nhạt, vì nhân vật ông lão và anh Vệ quốc đoàn được miêu tả hình nét, có chiều sâu tâm trạng.

Ngọn lửa hồng trong đêm soi sáng gương mặt của người dân và người lính, ánh lên sự chia sẻ lo âu và tin tưởng giữa quân và dân về thắng lợi sẽ đến của cuộc kháng chiến trường kỳ... - theo tôi, đây là cội nguồn thành công, không chỉ giới hạn ở trong truyện ngắn đầu tay này, mà là mạch nguồn lan chảy trong các truyện sau đó của Phan Quang. Nói cách khác, để các trang viết có “lửa”; và truyền “lửa” ấy cho công chúng, trước hết, trái tim người cầm bút phải có “lửa” để tạo nên sự thăng hoa cảm xúc; từ đó làm nên sự hấp dẫn của tác phẩm.

Theo hướng đó, câu chuyện anh Đeo khát khao “vô du kích” để tham gia đánh Tây, giải phóng quê hương, tìm mọi cách thuyết phục mệ để đạt ước mơ “được vô du kích là danh dự to lắm mệ à” (trang 39). Và đoạn kết có hậu, làm người đọc xúc động, ấm lòng: “Lạy trời cho tau được sống, đến ngày độc lập! Tự đôi mắt mình được nhìn thấy nước mình độc lập, lúc ấy có xuôi tay, nằm xuống cũng đủ thỏa tấm lòng”.

Còn “Anh bạn thợ dép lốp của tôi” vốn là người lính, trong một trận chiến đấu, một tay anh bị thương, đơn vị cho nghỉ dưỡng, nhưng sau một thời gian vẫn đau đáu nguyện vọng được trở về đơn vị với ước mong bình dị “chỉ cần các anh cho phép tôi được làm chân cấp dưỡng hay chỉ là một chân chuyên làm dép lốp thôi cũng được, vâng, một chân chuyên đóng dép cho bộ đội ta cũng được” (trang 188). Cao đẹp biết bao hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ!

Trong truyện vừa “Đất rừng”, những tâm trạng của ông, bà Cựu và nhiều bà con phải tản cư lên Bến Than tránh giặc, cùng nhau hợp sức phát rẫy, trồng khoai sắn, coi đó cũng là cách tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi thực dân xâm lược. Những suy nghĩ sâu xa, những việc làm cụ thể của cái Thơm, cô Thảo, anh Lễ, cậu Lành, anh Tân, thím Nại, chị Tửu, anh Hồi… được tác giả miêu tả có góc cạnh, vừa gợi niềm căm thù quân xâm lược tàn bạo, dã man, vừa thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí đoàn kết, đồng lòng diệt giặc: “Lên đây thì ở lại đây/ Răng chừ giết hết giặc Tây mới về” (trang 43).

Qua truyện ngắn “Chiếc khăn tang”, người đọc cảm nhận chất lãng mạn đan xen chất bi hùng giữa tình yêu trong trắng của anh Cơ và cô Hường. Vì nhiệm vụ người lính, hai người phải xa nhau, ba năm bặt tin tức. Để che mắt địch đang truy lùng anh Cơ, Hường phải giả vờ đeo khăn tang. Rồi tình cờ một lần, đơn vị hành quân qua làng, họ được gặp nhau một đêm ngắn ngủi. Người mẹ cũng như bao người ở xóm thôn này ngày đêm mong mỏi được đón bộ đội về nhà mình ăn nghỉ, với ý thức “góp sức nuôi quân” để nhanh chóng đánh thắng quân xâm lược, người người, nhà nhà sum họp (trang 178, 179).

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh (thứ 2 từ trái sang) và các đồng nghiệp ở Hải Dương.

Trong cuốn sách này, có hai truyện viết về cải cách ruộng đất: đó là “Ông lão làm vườn trong Nhà Chung” (viết 1956) và truyện ngắn “Đêm” (viết 1955). Thật ra đến nay, đã có một số tác phẩm viết về cải cách ruộng đất, nhưng đọc hai truyện ngắn nói trên, tôi nể phục tác giả ở cách tiếp cận vấn đề lịch sử - cụ thể (mà hiện còn có những ý kiến trái chiều của người cầm bút). Với Phan Quang ông đã vượt lên mặt hạn chế của sự kiện để khẳng định mặt được lớn lao của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân do Đảng ta lãnh đạo, là: tập hợp nhân dân đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc và đem lại ruộng đất cho dân cày. Cuộc đời gian nan đau khổ của ông bõ Súy cũng như mảng đời bất hạnh của anh Cao đều do bọn cường hào, ác bá bóc lột họ đến tận xương, tận tủy, không chỉ là cướp cơm ăn, áo mặc, bắt họ lao động như kiếp ngựa trâu, mà còn cướp cả quyền sống, quyền làm người tối thiểu. Nay nhờ cải cách ruộng đất, họ mới được làm người thật sự, nét mặt hân hoan đi cắm thẻ nhận ruộng - giấc mơ ngàn đời của người nông dân Việt Nam. Với anh Cao, bây giờ đã có mấy sào ruộng, có nửa gian nhà gạch, nhận cái màn trắng tinh, đêm nằm không lo muỗi đốt, cả đêm anh Cao trằn trọc không ngủ được (trang 254).

Trở lại vấn đề thứ hai mà tôi đề cập ở trang đầu bài viết: điều gì đã hấp dẫn tôi khi đọc tuyển truyện ngắn này? Các tác giả trước tôi viết bài phê bình cuốn sách đã đề cập khá chi tiết; do vậy tôi chỉ muốn nhấn mạnh vài ý cơ bản: đó là cách tiếp cận vấn đề “nóng” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc ấy đang đặt ra; là sự chăm chút xây dựng nhân vật có góc cạnh, từ hình dáng đến nội tâm; là cách chọn ngôn ngữ đời thường phù hợp vị trí, tính cách của từng nhân vật... Nói khái quát: vốn sống thực tế, cách nhìn tinh tường khi chọn chủ đề; cách xây dựng nhân vật điển hình cùng nghệ thuật diễn tả nội tâm bằng vốn từ ngữ giàu cảm xúc với nhiều hình ảnh sinh động, đã làm nên sự hấp dẫn của tuyển truyện ngắn này. Chung quy là, để có tác phẩm vượt qua thời gian, nhà văn cần có tấm lòng  tài năng. Tập tuyển truyện này đã khẳng định những phẩm chất quý giá ấy của cây bút Phan Quang.

Nhân đây, xin được nói thêm: chính những nhân tố nêu trên đã khỏa lấp sự băn khoăn của tác giả: thời công nghệ 4.0; 5.0, mà đưa in lại tác phẩm viết cách đây hơn 70 năm, có gì là “lạc điệu”, “lạc thời” không? Riêng tôi nghĩ rằng, những truyện ngắn này, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự về tư tưởng: có cuộc sống độc lập, tự do với mức sống ngày càng khấm khá như hôm nay, ta không dễ quên một thời cơ hàn, gian khó trong những năm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Có đại thắng lịch sử ngày 30/4/1975, đất nước sạch bóng xâm lăng, non sông thu về một mối, là kết quả của “chín năm làm một Điện Biên”; là chiến thắng tất yếu của 21 năm ròng rã sau đó để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là lịch sử tiếp nối các sự kiện hào hùng, mà văn học và báo chí đã và đang tham gia làm những “gạch nối” của dòng chảy cách mạng đầy tự hào ấy của ông, cha ta.

Cảm ơn nhà báo, nhà văn Phan Quang và Nhà xuất bản Văn học đã cho ra mắt một cuốn sách bổ ích về nội dung, mát mắt về hình thức.

Nguyễn Hồng Vinh

Hà Nội, những ngày cuối tháng 4/2020

(Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận