0 

Lý Hoài Thu với "Văn nhân quân đội"

VH- NXB Văn học vừa ra mắt cuốn sách Văn nhân quân đội của PGS,TS Lý Hoài Thu. Giữa lúc văn đàn đang trống vắng những cây bút viết phê bình văn học, cuốn sách đem đến cho địa hạt văn chương những trang viết ấm áp, gần gũi của nhà phê bình Lý Hoài Thu với các nhà văn quân đội.

PGS. TS Lý Hoài Thu vốn là Chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học, Khoa Văn học, ĐHKHXH &NV, ĐHQGHN. Bên cạnh công tác giảng dạy, nghiên cứu trong nhà trường, chị còn là một cây viết phê bình xông xáo trong đời sống văn chương. Hơn thế, cùng với những nữ nhà văn chuyên viết về lý luận phê bình như Tôn Phương Lan, Lưu Thị Khánh Thơ, Nguyễn Thị Minh Thái, Bích Thu... Lý Hoài Thu đem đến cho mảnh đất phê bình văn học sự mềm mại, đầy nữ tính nội tâm qua những tác phẩm tiêu biểu: “Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám 1945, NXB Giáo dục 1997; Đồng cảm và sáng tạo, NXB Văn học 2005...

Cuốn sách Văn nhân quân đội tập hợp những bài báo viết của PGS. TS Lý Hoài Thu viết về tác phẩm, tác giả xuất thân là người lính, thậm chí chủ yếu là các nhà văn từng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bên cạnh những bài viết thiên về cảm nhận, lý luận văn học như Không gian Trường Sơn và những giai điệu tình yêu trong thơ Phạm Tiến Duật, Thơ Hữu Thỉnh - một hướng tìm tòi và sáng tạo từ dân tộc đến hiện đại, Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương và thể hồi ký trong đời sống văn học đương đại... cuốn sách quy tụ nhiều câu chuyện văn chương rất đời và gần gũi của nữ nhà văn viết phê bình này với các nhà văn quân đội như: Tản mạn với Trần Đăng Khoa, Hỏi chuyện Chu Lai, Gặp tác giả Đùa của tạo hóa - Phạm Hoa. Cả ba bài viết mang thể loại phỏng vấn văn chương, trò chuyện văn học này đều đã được đăng trên các số Báo Văn Hóa.

Thay cho lời giới thiệu cuốn sách Văn nhân quân đội, với bài viết Người bạn của các nhà văn quân đội, nhà văn Phạm Hoa nhìn nhận: “Tình cảm, thoải mái gần gũi là những trang chị viết về các nhà văn quân đội. Đây là một chất giọng khác. Hầu như các nhà văn ở số 4 Lý Nam Đế, chị đều đọc sáng tác của họ và có khái niệm về từng tác giả”. Thực tế, trong đời sống văn học VN những năm gần đây có nhiều bài viết, có không ít cuốn sách phê bình văn học hay chuyên luận, tiểu luận văn chương đề cập đến các nhà văn quân đội. Trong bối cảnh đó, Văn nhân quân đội của Lý Hoài Thu mang nét riêng không lẫn vào đâu được. Đó chính là sự mềm mại, tinh tế của một cây bút nữ và tinh thần hướng đạo, khích lệ, động viên của một nhà giáo dục.

Hơn thế, Văn nhân quân đội một lần nữa khẳng định phong cách phê bình văn học của Lý Hoài Thu là vận dụng lý thuyết thi pháp học hiện đại từ phương Tây vào nước ta bằng phong cách riêng mang tính sáng tạo. Đó là hình tượng cây được “đôi mắt” Lý Hoài Thu tinh tế nhận ra như một sinh mệnh thứ hai trong thơ của Hữu Thỉnh. Ứng dụng linh hoạt lý thuyết thi pháp học giúp Lý Hoài Thu “mổ xẻ” thuyết phục không gian Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật vừa mang tính sử thi, dữ dội khốc liệt vừa mang tính đời thường rất đỗi trữ tình thơ mộng... Quan trọng hơn cả, qua tập sách, tâm hồn nhạy cảm tinh tế của Lý Hoài Thu đã đem đến cho người đọc những trang viết mềm mại, đầy nữ tính trong mảnh đất phê bình văn chương vốn “bị” xem là khô khan, cằn cỗi. Trung tá, thạc sĩ quân đội Nguyễn Quốc Khánh khi đọc tập sách Văn nhân quân đội đã thốt lên: “Văn của bà sao đẹp thế. Đẹp từ cảm xúc đến chữ nghĩa”.

Phúc Nghệ (baovanhoa.vn)

 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận