-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Lý Hoài Thu - Nhà nghiên cứu phê bình văn học luôn trên hành trình tìm tòi và sáng tạo
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - 12 December 2019
Trước khi trở thành nhà lý luận - phê bình văn học chuyên nghiệp, Lý Hoài Thu là giảng viên bộ môn Lý luận văn học tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1976. Hiện tại, Lý Hoài Thu là PGS.TS Ngữ văn, chuyên nghiên cứu và giảng dạy Văn học, Lý luận văn học, Nghệ thuật học tại Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hành trình giảng dạy và hành trình nghiên cứu văn học của Lý Hoài Thu sắp tròn 40 tuổi. Đó là khoảng thời gian lao động, học tập và phấn đấu gian khổ để trở thành chuyên gia nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam theo hướng tiếp cận các lý thuyết văn học hiện đại trên thế giới. Lý Hoài Thu trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, thuộc chuyên ngành Lý luận - phê bình văn học năm 2000 chính là từ những thành tựu bền bỉ và vững chắc của chị trên con đường tìm tòi, đồng cảm và sáng tạo.
Suy nghĩ về nghề văn - một nghề yêu cầu sự mẫn cảm của lý trí và đồng cảm của tâm hồn, Lý Hoài Thu đã tâm sự: “Văn chương là một nghề đòi hỏi người viết phải có nhiều năng lực sáng tạo, hết sức hao tâm tổn trí nhưng không dễ dàng dứt bỏ. Thời nào và ở đâu cũng vậy, muốn thành danh, người cầm bút, trước hết, phải có tài. Nhưng không thể thiếu tâm...” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2010). Đó chính là tâm huyết của một người đã trót dấn thân vào nghiệp bút như một duyên nợ thủy chung.
Lý Hoài Thu là người lao động nghề nghiệp cần mẫn. Chị không chuộng chạy theo số lượng. Đối với chị, chất lượng và chân thành trong đồng cảm và sáng tạo mới là mục đích theo đuổi của công việc không dễ dàng và có phần hệ lụy này. Lý Hoài Thu được độc giả và giới văn chương quan tâm, ghi nhận thành tựu qua các công trình được công bố: Lý luận văn học (giáo trình dành cho bậc đại học và sau đại học, in lần đầu 1993, tái bản lần thứ 5), Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945 (chuyên luận, 1997), Đồng cảm và Sáng tạo (tiểu luận - phê bình, 2006)... Ngoài ra, Lý Hoài Thu còn tham gia viết chung và chủ biên, đồng chủ biên trên 20 công trình lớn nhỏ các cấp được công bố trong cả nước, trong đó, phải kể đến những công trình tiêu biểu như: Lí luận - phê bình văn học miền Trung thế kỉ XX , Nxb Đà Nẵng, 2001; Các nhà thơ nữ Việt Nam - sáng tác và phê bình, Nxb Giáo dục, 2001; Văn học Việt Nam thế kỉ XX - tuyển chọn (Truyện ngắn 1945 - 1975), Nxb Văn học, 2005; Lưu Quang Vũ - về tác gia, tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2007; Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, Nxb Giáo dục 2007; Thi pháp học ở Việt Nam - Nxb Giáo dục Việt Nam 2010; Văn học Việt Nam thế kỷ XX - lý luận phê bình 1975-2000, Nxb Văn học 2011; Văn học hậu hiện đại - diễn giải và tiếp nhận, Nxb Văn học 2013.
Ngoài ra, còn phải kể đến những bài nghiên cứu chuyên sâu đăng trên các Tạp chí trung ương, các Kỷ yếu Hội thảo quốc gia, quốc tế và những công trình viết riêng của chị sắp xuất bản trong thời gian tới. Đó chính là minh chứng cho tinh thần làm việc khoa học và lòng đam mê văn chương của một nữ phê bình gia thời hiện đại, rất đáng trân trọng.
Lý Hoài Thu dạy lý luận văn học. Vì vậy, chị muốn vận dụng và phóng chiếu những lý thuyết văn học hiện đại trên thế giới vào việc nghiên cứu cấu trúc văn học hiện đại Việt Nam trên các cấp độ và bình diện của chỉnh thể nghệ thuật một cách có hệ thống và mang tính quan niệm riêng.
Từ nền tảng tri thức triết mỹ và lý luận nói trên, đặt trong sườn móc xích bộ tứ: Hiện thực - Nhà văn - Tác phẩm - Người đọc, Lý Hoài Thu đã tự xác định cho mình một trọng trách nặng nề, với tư cách là chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo khi soi rọi vào tác phẩm, nghiền ngẫm và thổi vào chúng những giá trị mỹ học - tư tưởng mới mẻ, làm đầy những khoảng trống vô thức của tác giả. Để làm được công việc tinh tế, khoa học và có tính nghệ thuật cao này, Lý Hoài Thu đã chọn cho mình một điểm tựa lý luận là lý thuyết thi pháp học để thao tác, giải mã, tìm ra những hằng số lịch sử - xã hội - thẩm mỹ tạo thành những phương thức mang tính quan niệm cho từng thế giới hình tượng. Phải nói rằng, đây là hướng tiếp cận khả thi, sở trường làm nên cá tính sáng tạo và tư duy phê bình văn học của Lý Hoài Thu. Bên cạnh đó, Lý Hoài Thu còn vận dụng những kiến thức liên ngành khác như Phong cách học, Phân tâm học, Văn hóa học và gần đây là Lý thuyết văn học hậu hiện đại để tham chiếu vào từng hiện tượng văn học khả thủ, nhằm phát hiện những giá trị bổ sung và giá trị mới cho tác phẩm.
Có thể chứng minh phong cách phê bình nói trên của Lý Hoài Thu ở kết quả nghiên cứu thơ Xuân Diệu và các nhà thơ mới cùng thời. Lý Hoài Thu đã chỉ ra được sự tích hợp nghệ thuật độc đáo của ông Hoàng thơ tình yêu “triều đại Thơ mới”. Nếu không có trình độ chuyên sâu về thể loại và sự nhạy cảm thi ca, thì khó có thể đi vào bên trong, bên sâu, bên xa của thế giới hình tượng thơ độc sáng của Xuân Diệu. Lý Hoài Thu đã có những phát hiện và đúc kết thành những luận điểm thuyết phục về thơ tình Xuân Diệu trước 1945 một cách khoa học và mới mẻ. Cả hành trình thơ Xuân Diệu sau 1945, cũng bằng lý thuyết Thi pháp học, Lý Hoài Thu đã biện chứng trong đánh giá để thấy sự tiếp nối tư duy thơ lãng mạn, tạo thành những giá trị mới cho thơ cách mạng của ông. Với 7 tiểu luận và một chuyên luận về thơ Xuân Diệu, Lý Hoài Thu là một trong rất ít chuyên gia chỉ ra được những vấn đề bản chất của hành trình và thi pháp thơ Xuân Diệu, góp một phong cách phê bình đồng sáng tạo nồng nhiệt và đắm say vào nền phê bình văn học Việt Nam hiện đại.
Phần lớn thành tựu nghiên cứu văn học Việt Nam của Lý Hoài Thu đều tập trung vào hướng thi pháp thể loại và thi pháp tác giả, tác phẩm tiêu biểu cũng như các hiện tượng văn học nổi bật thời hiện đại và đương đại. Đáng chú ý ở mảng đối tượng nghiên cứu này là Lý Hoài Thu luôn nhìn nhận, đánh giá từng thế giới nghệ thuật từ góc nhìn thi pháp học, có đối chiếu với các yếu tố liên quan khả thi như: cuộc đời nhà văn, môi trường, các bước ngoặt chuyển mình của đời sống và văn học cùng với ý thức đổi mới, hội nhập của chủ thể sáng tạo, qua đó, biến mình thành chủ thể đồng sáng tạo luôn vận động, luôn soi rọi từ hiện thực chỉnh thể của tác phẩm để bình giá thuyết phục. Cách tiếp cận đồng cảm và đồng sáng tạo theo kinh nghiệm riêng này của Lý Hoài Thu tránh được những nhận xét dễ dãi, chung chung mà thực sự là những suy tư, nghiền ngẫm để phát hiện và luận cứ, luận kết từng nội dung một cách khoa học. Những tiểu luận giải mã thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Đoàn Văn Cừ, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa, Lưu Quang Vũ, Hồ Thế Hà..., từ đặc trưng thể loại trữ tình, Lý Hoài Thu đã tìm hiểu sự vận động của cái tôi trữ tình ở từng nhà thơ, qua đấy chứng minh sự kế thừa và cách tân từ truyền thống đến hiện đại của các tác giả này một cách thuyết phục, theo khả năng và tầm đón đợi của mỹ học tiếp nhận hiện đại đề xuất.
Về thể loại và tiến trình thể loại, về phần tác giả và tác phẩm văn xuôi, Lý Hoài Thu quan tâm đến cả diện và điểm, chú ý đến các hiện tượng và sự kiện có tiếng vang trong dư luận, đặc biệt là từ sau 1986. Khả năng nắm bắt và bình luận của Lý Hoài Thu thể hiện rõ ở các bài viết có sức khái quát cao về lý luận và thực tiễn để chỉ ra từng vùng không gian sáng tạo của tiểu thuyết, truyện ngắn, ký và cả lý luận - phê bình của các tác giả tên tuổi như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Bằng, Hà Minh Đức, Hồ Phương, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chu Lai, Phạm Hoa, Đào Thắng, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Minh Thái... Các bài viết này đều toát lên những nhận xét tinh tế và bất ngờ, chứng tỏ Lý Hoài Thu đã bao quát được một diện rộng bản chất của nền văn học Việt Nam hiện đại; từ đó, hiểu từng tác giả, hiểu nhân vật và sức sống của từng thời kỳ và giai đoạn văn học một cách thấu đáo, trên cơ sở nhìn nhận cảm hứng sáng tạo, ý thức nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật về con người, từ đó, nhìn nhận tư duy nghệ thuật của một thời kỳ, một giai đoạn văn học hoặc từng tác giả, tác phẩm với tinh thần đổi mới và hội nhập.
Tôi đặc biệt chú ý hướng nghiên cứu mới của Lý Hoài Thu ở thể loại kịch bản văn học, mà tập trung là của Lưu Quang Vũ với sự chiếm lĩnh đặc trưng thể loại và chiếm lĩnh toàn bộ thế giới nghệ thuật kịch Lưu Quang Vũ từ sự dung hợp thể loại và nghệ thuật liên văn bản. Qua đó, những phát hiện bổ sung và phát hiện mới về nghệ thuật của kịch tác gia này càng có giá trị mỹ học và giá trị nhận thức, giá trị tư tưởng độc đáo.
Đi xa hơn những nghiên cứu, phê bình cụ thể, Lý Hoài Thu còn đặt vấn đề có tính lâu dài và thực tiễn về mối quan hệ giữa sáng tạo và tiếp nhận. Đó là sự đồng cảm thế hệ giữa nhà phê bình và nhà sáng tác. Đây là vấn đề không mới, nhưng rõ ràng với trình độ và sự hội nhập, tích hợp nghệ thuật hiện đại trong tác phẩm văn học hôm nay, nhà phê bình phải tự nâng mình lên một cách quá ngưỡng của tri thức văn học nói chung từ lý luận, phương pháp phê bình đến vốn sống và cảm thụ thì mới mong có được tiếng nói đồng cảm - đồng cảm không chỉ ở nhà văn, nhà thơ cùng thế hệ mình mà phải đồng cảm với nhiều thế hệ tác giả đã qua và tác giả sắp đến. “Chính nguồn cảm xúc thế hệ ấy đã là chiếc chìa khóa giúp cho những nhà phê bình trẻ hôm nay tìm và giải được những mã mới trong sáng tạo của một số cây bút trẻ. Tất cả những điều đó đều nằm trong quy luật vận động hết sức biện chứng của nền văn học đương đại Việt Nam”. Từ đó, Lý Hoài Thu tâm sự rằng, mình “chỉ muốn làm một người bạn đồng hành của những người viết trẻ hôm nay: Nghĩa là cùng được nếm trải, cùng chứng kiến”. Đấy chính là tâm huyết mà cũng là nguyện vọng được làm nhà phê bình văn học đúng nghĩa mà Lý Hoài Thu đang đồng hành cùng nền văn học đương đại, cố gắng rút gần khoảng cách giới hạn giữa cá nhân mình với tác phẩm, tác giả; kể cả lĩnh vực siêu phê bình (phê bình của phê bình) để chứng minh sự đồng cảm với các thế hệ một cách nhiệt tâm, trên tinh thần sáng tạo và học thuật.
Cũng cần chỉ ra phong cách phê bình văn học của PGS.TS Lý Hoài Thu ở đặc điểm văn phong, ngôn ngữ. Đó là sự cộng hưởng hài hòa giữa cảm xúc và lý trí, tạo thành kiểu tư duy luận lý và tư duy cảm xúc riêng trong từng trang viết. Đó có thể xem là ngôn ngữ sáng tác trong phê bình của Lý Hoài Thu, hấp dẫn người đọc, dẫn dắt và nội cảm hóa người đọc trực tiếp và hiệu quả.
Qua những trang văn phê bình của Lý Hoài Thu, chúng ta thấy những vấn đề muôn thuở của văn chương hiện lên, đánh động đến người đọc và người phê bình về một cách tiếp cận và cảm nhận văn chương đích thực theo yêu cầu đổi mới hiện nay. Nó không hề là lĩnh vực bình lặng và yên vị mà là lĩnh vực luôn nhạy cảm, vận động - vận động trong mỹ học sáng tạo và mỹ học tiếp nhận và ở đó, đang cần những gương mặt, những con mắt xanh của nhà phê bình chuyên nghiệp. Những khoảnh khắc đồng cảm và sáng tạo, chủ yếu lấy đối tượng là tác phẩm, phóng chiếu tương thích vào chúng từ hệ thống lý thuyết văn học hiện đại, Lý Hoài Thu đã thực sự thổi vào tác phẩm những giá trị mới từ cấu trúc chỉnh thể của chúng để kêu gọi người đọc cùng đồng cảm, sẻ chia.
Những giới hạn của phê bình văn học bao giờ cũng là mảnh đất bỏ ngỏ để cho người sau tiếp tục khai thác. Chính vì vậy, những gì mà Lý Hoài Thu đặt ra và lý giải trong các công trình phê bình của mình, kể cả những thành tựu và giới hạn, một lần nữa càng chứng tỏ phê bình văn học đang là lãnh địa có phần cô độc và thầm lặng trên cánh đồng văn chương vĩnh cửu. Mọi nỗ lực và thành quả đối với Lý Hoài Thu đều là những kinh nghiệm thẩm mỹ để phát huy, tự điều chỉnh và tiếp tục dấn thân trên hành trình đồng cảm và sáng tạo văn chương còn rộng dài phía trước./.
Hồ Thế Hà
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.