-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Lê Thành Nghị nghe gió thoảng biết cây vườn còn thức
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - 06 May 2021
Sau nhiều năm tháng ôm ấp thi ca, Lê Thành Nghị đã tìm được phong cách riêng mình. Giọng điệu thủ thỉ với ngôn từ trang nhã giúp Lê Thành Nghị tiếp cận người yêu thơ ở thế kỷ 21.
Lê Thiếu Nhơn -
Từ quê nhà Can Lộc - Hà Tĩnh nức tiếng địa linh nhân kiệt, Lê Thành Nghị bước vào làng văn bằng cả hai ngón nghề: thơ và lý luận phê bình. Tập thơ đầu tay Rừng tràm cuối mùa đông được xuất bản ở độ tuổi bốn mươi, không hẳn Lê Thành Nghị cầm bút muộn, bởi tuổi trẻ của ông còn phải rong ruổi làm bộ đội đánh Mỹ và bôn ba làm nghiên cứu sinh bên Nga.
Nhiều năm công tác tại Văn Nghệ Quân Đội, dường như Lê Thành Nghị được mặc định theo mảng lý luận phê bình, nhưng bạn đọc lại nhận ra chân dung ông nhờ những câu thơ. Đó không phải chuyện nhọc công gieo hồng chẳng nở hay chuyện vô tình gặp liễu xanh um, mà sự thành danh lĩnh vực chữ nghĩa phụ thuộc vào cốt cách của mỗi người. Đọc tác phẩm Lê Thành Nghị có thể hiểu được một người có lối sống mềm mỏng và ôn hòa.
Khi đã tri thiên mệnh, Lê Thành Nghị đắm đuối với thi ca hơn. Lần lượt các tập thơ Mưa trong thành phố (1999), Mùa không gió (2002), Sông trôi không lời (2010) xây đắp hành trình thơ Lê Thành Nghị bằng ba mảng nổi bật: thơ lính chiến, thơ thế sự, và thơ cảm tác. So với những nhà thơ cùng thế hệ, thơ lính chiến của Lê Thành Nghị không đậm nét lắm. Tuy nhiên, trong ba lô đại tá Lê Thành Nghị vẫn chọn được ba bài tiêu biểu, mỗi bài lại có một đoạn tiêu biểu, để trích dẫn tương đối đĩnh đạc. Bài Mưa trong thành phố râm ran kiểu thơ văn xuôi: “Mưa vẫn thế chẳng có gì khác lạ. Nghìn năm rồi vẫn xuống từ mây. Ta một thời trẻ măng đi cầm súng. Qua bao nhiêu những trận sốt dài. Chôn đồng đội trước một vòm núi dựng. Mùa mưa rừng lo núi sạt, đá trôi. Những đồng đội nhận về mình cái chết, biến mình thành hư vô. Những đồng đội nhường ta sự sống, biến ta thành tự do. Quay mặt về rừng mỗi lần nghe tiếng sấm. Bao năm rồi còn sợ những cơn mưa”. Bài Bên đài liệt sĩ vô danh khắc họa chiến công bay bổng có yếu tố linh thiêng: “Những bát hương cháy lặng lẽ những chân hương/ Khói quẩn quanh trên từng bậc đá/ Cao hơn những bậc đá là trời xanh/ Cao hơn trời xanh/ là mãi mãi/ vô danh”. Bài Quảng Trị một thoáng mùa hè ẩn dụ mạnh mẽ về lẽ trường tồn của sự hy sinh: "Thành Cổ nói gì mà cỏ khác thường xanh/ Mỗi lá cỏ một cây buồm, một lời thề, một ngọn nến/ Một linh hồn từ đất nhô lên".
Ở mảng thơ thế sự, dễ dàng thấy được bút pháp của một nhà phê bình làm thơ. Lê Thành Nghị từng nghĩ nhà phê bình “là người cầm đèn lặng lẽ đứng trong đêm”, nên ông cầm ngọn đèn nghiêm ngắn và cẩn trọng bước sang sáng tác thi ca. Nhiều bài thơ của Lê Thành Nghị có bóng dáng một bản đánh giá tác giả và tác phẩm. Ví dụ, viết Nam Cao: “Có ai yêu cuộc đời hơn ông/ Ông vẽ lên một lũ nháo nhâng, những Bá Kiến, Binh Chức, Chí Phèo, Năm Thọ/ Rồi chính ông bị khai tử vì bàn tay chúng nó/ Cái hôm nào loạt súng váng sau đê/ Ông giết chúng bằng lời, chúng giết ông bằng đạn/ Cuộc hỗn chiến giữa nhân vật và nhà văn còn đến bao giờ?”. Cũng bởi thói quen rành mạch hóa văn bản, nhiều ý thơ của Lê Thành Nghị bị sự tuân thủ trật tự và lớp lang làm cho hao hụt cảm xúc mơ màng. Chẳng hạn, trong bài “Yên Tử”, những câu run rẩy như “Gió lạnh thổi từ năm ngoái đến/ Tiếng chuông tê buốt cả mùa thu” đã bị che mờ bởi những câu kết tề chỉnh “Ta về ngơ ngẩn cùng tre trúc/ Kìa lối vào mây đến cửa thiền”. Một kỵ sĩ tôn thờ kỷ luật cứ ghìm chặt dây cương thì thiên lý mã cũng đành lốc cốc nước kiệu, chứ làm sao tung bốn vó trên thảo nguyên xa xanh vạn dặm.
Và chính cái nề nếp khiến Lê Thành Nghị ít thành công khi viết thể thơ bốn câu vốn đòi hỏi nhiều sự lắt léo. Bài bốn câu tương đối thuyết phục may ra chỉ có Lời thề, vì khi day dứt “Thuở nằm chơi trên cỏ/ Thề sẽ đánh cắp của thượng đế một ngôi sao tặng em/ Khi sắp nằm dưới cỏ/ Lời thề còn nguyên”, Lê Thành Nghị đã đẩy bài thơ ra khỏi những ước hẹn yêu đương khó phai, để gián tiếp băn khoăn sự hữu hạn của cuộc đời, sự nhỏ bé của kiếp người.
Ở mảng thơ thế sự, còn thấy một nhà báo thao thiết Lê Thành Nghị. Có lẽ ông quá sốt ruột với những trái ngang, nên không ngăn được những niềm đau đáu cứ tràn xuống trang viết. Bài Đêm ngoại thành báo động quá trình đô thị hóa đầy nhục nhằn và nhiều mất mát. Bài “Những người chết trẻ” lên án nạn lô đề khốc hại. Bài Que diêm vi mô, cánh rừng vĩ mô và hư vô tro bụi mạnh mẽ tranh đấu với thực trạng cháy rừng U Minh. Thậm chí bài Lời giải thích của mưa truy vấn trách nhiệm gây lụt lội tại thủ đô, ông còn cẩn thận ghi chú “Trận mưa tại Hà Nội tháng 11-1984: 561 mm (ngập ít). Trận mưa tại Hà Nội tháng 8-2001: 139 mm ( ngập trên diện rộng). Tất nhiên, cách phản ánh quốc kế dân sinh của nhà thơ bao giờ cũng hấp dẫn hơn một bài xã luận tầm tầm bậc trung, nhưng hiệu quả thi ca hầu như khá khiêm tốn.
Tuy nhiên, biết dựa vào vần điệu nhịp nhàng, thì sự dũng cảm của một nhà thơ cũng được phát huy nhiều hơn một nhà báo đơn thuần. Dù không sắc sảo để định hình mảng thơ thế sự, nhưng nhà thơ Lê Thành Nghị cũng có hai suy tư hơi khó tìm được trên mặt báo: “Trong cuộc họp không ai ý kiến gì/ Bằng mặt dễ nhìn thấy, nhưng không bằng lòng không ai nhìn thấy/ Đến khi bỏ phiếu – gạch nát cả giấy” và “Mác viết: Con người hơn mọi loài trên thế gian/ Vì đôi khi còn biết ngẩng mặt nhìn trăng/ Cần phải ghi thêm vào đây một mệnh đề khác/ Và đôi khi nó còn biết bán mình!”.
Lẽ thường, dao mài thì sắc, ngọc mài ắt sáng. Những thổn thức ngổn ngang của Lê Thành Nghị giúp ông có được mảng thơ cảm tác nhiều dư vị. Bám trụ trên tâm niệm “đôi khi có cảm giác cả dãy phố đang buồn/ thực ra chỉ có ta đang vác nỗi buồn qua phố”, Lê Thành Nghị có nhiều câu thơ hay như “nghe gió thoảng biết cây vườn còn thức”, “tháng mười nhẹ như cầm trên tay được” hoặc “tháp đứng trầm ngâm nghe gạch rụng/ những tiếng ngân dài giữa đêm sâu”. Thơ cảm tác của Lê Thành Nghị khởi đi khi ông dùng phẩm chất thi sĩ để gắn kết với mọi thứ xung quanh. Thử đọc chậm vài đoạn trích, sẽ hiểu thông tin ở câu trước được chuyển thành thơ ở câu sau như thế nào: “Nép dưới gốc bàng/ Mẹ ngồi bán hương/ Tóc bạc khói trầm ngan ngát”, hoặc “Ngày bỗng nhiên dài, năm sao ngắn quá/ Sông cứ xiết về đêm”, hoặc “Chiều muộn/ Lá rụng ngoài hiên/ Mưa đi trên mái/ Một vệt tiếng chim lấp loáng đèn”. Thơ cảm tác của Lê Thành Nghị vượt qua những ghi chép đời sống vì một sự vật hoặc một hiện tượng được thu nạp bằng đôi mắt nhưng được phân tích bằng trái tim. Ví dụ “bao lần qua, ngước nhìn, nàng vọng phu vẫn đó/ mỏi buồn không em?”, một câu hỏi xuất hiện nơi đây, không chỉ sẻ chia người đàn bà hóa đá chờ chồng bất tận mù khơi, mà còn xao xác cho nhiều số phận phụ nữ lam lũ và chịu đựng!
Lê Thành Nghị dùng chữ cũ, dùng hình ảnh cũ, nhưng thỉnh thoảng bật sáng nhiều câu thơ mới mẻ, vì ông có khả năng mở rộng liên tưởng. Viết về rượu quê, Lê Thành Nghị không nhấn nhá sự la đà mà chú trọng sự thảng thốt: “Một chén mừng người đi xa về gặp em/ Đột ngột như tảng đá rơi từ đỉnh núi”. Giọt rượu chưa rơi vào miệng đã rơi thẳng vào lòng, thật choáng váng, thật nghiêng ngả, thật thẳm sâu. Có lẽ câu thơ ấy là món quà xứ sở ân nghĩa dành tặng cho đứa con tha hương nặng nợ Lê Thành Nghị.
Thơ Lê Thành Nghị chậm buồn, luôn tạo được đồng điệu cho người đọc khi viết về sự bịn rịn không gian hoài niệm và sự lưu luyến phút giây nghìn trùng: “Cả rừng hoa hái chờ em ngày ấy/ Biết bao mùa còn trôi tím trong anh/ Đường xứ Lạng bến mê sau bóng núi/ Sông Kỳ Cùng nguyên một sắc chàm xanh” hoặc “Bâng quơ nhớ gió đưa mùi ổi chín/ Mây tần ngần trắng muốt phía sau cây/ Ai đi kia hay một làn voan mỏng/ Bóng thiên thu in xuống mặt hồ đầy”. Tư duy thơ Lê Thành Nghị chín dần qua những lần lật ngược lật xuôi từng ý nghĩ nôn nao. Để theo đuổi “một hồ sen đang cất cánh bay”, ông viết nhiều bài Bên hồ sen đánh thức chiêm nghiệm của bản thân về cái đẹp. Cùng một chủ thể trữ tình, lần thứ nhất viết “lá úa vàng hình như có làm cây buồn/ nhưng chính màu vàng làm nên vẻ đẹp của mùa thu”, lần thứ hai viết “làm lá phải vàng là điều không muốn của mùa thu/ nhưng lá tự vàng vì mùa thu đẹp”. Sự thay đổi thái độ giữa hai lần giãi bày khác nhau cũng hé lộ sự chuyển dịch thẩm mỹ thi ca. Từ trong lắng đọng, thơ Lê Thành Nghị len lách vào độc giả bằng những rung động nhẹ nhàng: “Sông mất một đời trôi đi dại dột/ Tôi mất một đời để quên một người”.
Sau nhiều năm tháng ôm ấp thi ca, Lê Thành Nghị đã tìm được phong cách riêng mình. Giọng điệu thủ thỉ với ngôn từ trang nhã giúp Lê Thành Nghị tiếp cận người yêu thơ ở thế kỷ 21: “Tôi đã bao lần ngồi trong nắng sớm/ Chẳng chờ đợi gì ngoài một giọng chim/ Tôi đã bao lần trên con đường vắng/ Chẳng chờ đợi gì ngoài khoảnh khắc lặng yên”!
Sài Gòn, cuối năm 2011
Lê Thiếu Nhơn ( Nguồn: https://vnexpress.net/le-thanh-nghi-nghe-gio-thoang-biet-cay-vuon-con-thuc-2135279.html)