0 

Không chỉ một cuộc đời

Nhà văn Trần Việt Trung, tác giả tiểu thuyết lịch sử “Người Công giáo Cộng sản”. Ảnh | VIỆT KHÔI

(Đọc “Người Công giáo Cộng sản”, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trần Việt Trung - NXB Văn học, 2020)

“Người Công giáo Cộng sản”, cuốn sách mới nhất của nhà văn Trần Việt Trung được NXB Văn học ấn hành ngay những ngày đầu năm 2020. Một cuốn tiểu thuyết lịch sử dày hơn 600 trang khổ lớn 16x24 bề thế. Đây là cuốn sách thứ tư trong vòng bảy năm của một người viết không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Anh viết chỉ để giãi bày những gì hiện hữu trong cuộc đời mình và gia đình, dòng họ, bạn bè, môn phái... Trần Việt Trung là một võ sư kiêm lương y và doanh nhân. Thật đáng khâm phục về sức lao động chữ nghĩa.

Tôi là một trong những người đầu tiên được tác giả tin tưởng trao gửi đọc thẩm định bản thảo “Người Công giáo Cộng sản”. Cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về người cha của tác giả, tướng Trần Tử Bình, một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vào năm 1948. Quan hệ của tôi với nhà văn Trần Việt Trung khởi đầu từ mối duyên văn chương. Ấy là khi tác phẩm “Quyền sư” của anh ra đời năm 2013, tôi đọc trong tâm thế một độc giả không hề quen biết tác giả. “Quyền sư” là cuốn sách về võ học, võ thuật, võ đức Vịnh Xuân Quyền mà Trần Việt Trung theo học và truyền dạy đã gieo vào tôi những cảm xúc mãnh liệt. Tôi đã cảm thán và có những phân tích về tác phẩm này trên báo chí và mạng xã hội. Từ “Quyền sư” tôi đọc hai cuốn sách kế tiếp của anh với đầy thiện cảm. Chúng tôi quen nhau từ đấy.

Trong các sự tin tưởng, có lẽ sự tin tưởng văn chương là điều rất hiếm hoi. Mỗi nhà văn có một nhãn quan, một bản sắc và nói theo cách đơn giản là một “gu” riêng biệt để nhìn nhận, đánh giá tác phẩm. Bởi vậy, tôi hiểu sự trao gửi của nhà văn Trần Việt Trung không chỉ là tin tưởng mà còn trọng thị, quý mến bằng hữu.

Thú thật nhìn tập bản thảo tôi thoáng ngần ngại. Tạng tôi thiên về những vấn đề hiện thực. Tôi ngại tiếp xúc với những văn bản có yếu tố lịch sử. Nhân vật lịch sử bao giờ cũng gắn liền với những bối cảnh lịch sử cùng những gì liên quan mà ở đó yếu tố hư cấu hầu như bị triệt tiêu, dù thể loại tiểu thuyết vẫn cho phép. Ngần ngại nhưng làm sao tôi có thể chối từ sự trao gửi tin cậy kia! Không ngờ những gì tôi thu nhận được từ cuốn tiểu thuyết lại là một cơ may để tôi nhìn nhận lại một chặng đường lịch sử của dân tộc. Không chỉ số phận, cuộc đời nhân vật tướng Trần Tử Bình mà còn bao nhiêu cuộc đời khác gắn liền với số phận của ông.

Hiếm có cuốn sách nào có độ dày như thế lại khiến tôi đọc liền mạch trong một khoảng thời gian mấy chục tiếng đồng hồ. Tôi miên mải với từng trang sách. Hiện trước mắt tôi là cái thôn Đồng Chuối Thượng vùng chiêm trũng Hà Nam nghèo khó những năm đầu thế kỷ 20, chìm đắm trong đói khổ và mông muội, lạc hậu. Gia đình vị tướng lừng danh xuất thân cùng cực tăm tối như bao nhiêu gia đình nông dân Việt Nam khác. Đồng Chuối là một vùng đạo. Cũng như những người dân cùng cảnh ngộ, cha mẹ vị tướng là những con chiên ngoan đạo, lành hiền, chăm chỉ. Và tướng Trần Tử Bình khi cất tiếng chào đời (khai sinh là Phạm Văn Phu) đã được mang tên thánh Phê-rô.

Số phận của cậu bé Phạm Văn Phu lẽ ra đã hướng theo đường đạo để có thể trở thành một linh mục, nhưng thời thế và chí dũng của một con người có lòng ái quốc đã đưa chàng thanh niên yêu nước dấn thân vào con đường cách mạng. Từ một phu đồn điền có học thức từng học trường dòng, anh công nhân Phạm Văn Phu đã sớm tham gia tổ chức cộng sản tiền thân trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập để lãnh đạo cuộc nổi dậy ở đồn điền cao-su Phú Riềng chấn động sử sách. Từ Phú Riềng, người cộng sản trẻ tuổi bị đày đi Côn Lôn. Tại đây, cùng nhiều nhân vật là lãnh đạo thời sơ khởi của Đảng, Phạm Văn Phu đã hoạt động gây dựng Đảng, giác ngộ bạn tù, tổ chức vượt ngục. Khi mãn hạn tù khổ sai, người cộng sản Phạm Văn Phu tiếp tục trở về quê nhà Hà Nam hoạt động.

Tướng Trần Tử Bình, nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử “Người Công giáo Cộng sản”. Ảnh | VIỆT KHÔI

Cứ thế cuộc đời của Phê-rô Phạm Văn Phu sau này là người cộng sản Trần Tử Bình được dựng lên một cách tuần tự, bình dị và tự nhiên như cuộc đời một con người bình thường không hề gân cốt, gượng ép. Trần Việt Trung không kỳ công tạo dựng nhân vật theo bất cứ khuôn mẫu thủ pháp nghệ thuật nào. Câu chuyện về người cha thân yêu được kể lại đấy nhưng không hẳn là kể. Có cảm giác như anh bật tung, bung phá cõi hồn của mình cùng với những tư liệu, nhân chứng lịch sử được tích cóp công phu và ký ức thấm đẫm tình cảm chân thành về bậc sinh thành, về một thế hệ cách mạng yêu kính với những nhân vật của một thời trong sáng, quả cảm làm tất cả mọi điều vì dân tộc, vì đất nước.

60 năm cuộc đời tướng Trần Tử Bình từ lúc được sinh ra ở Đồng Chuối đến khi trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện Việt-xô trong một cơn bạo bệnh như những thước phim đời chầm chậm nhưng vô cùng sinh sắc lần lượt hiện ra. Bí thư Tỉnh ủy, Khu ủy, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, lãnh đạo giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, thành lập Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, chỉ huy quân sự mặt trận Thu Đông 1947, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Thanh tra Quân đội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa... Tôi đọc và đọc trong tận cùng mọi cung bậc cảm xúc, đọc và quên hẳn mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết, như đang được đắm mình vào một quãng dài lịch sử hào hùng của đất nước, được chứng kiến những nhân chứng thời đại thuộc về một thế hệ vĩ đại cả tài năng và nhân cách.

Cuộc đời tướng Trần Tử Bình với bao trắc trở, nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, người đọc cũng nhận chân một tấm lòng trong sáng với lý tưởng, yêu thương con người từ ông. Cái cách ông cứu giúp những nạn nhân oan sai trong cải cách ruộng đất ở cương vị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ thật khí nghĩa, chí tình. Ngay cả khi xét xử vụ án tham nhũng Trần Dụ Châu, cái chi tiết cử nhạc công chơi bản nhạc mà kẻ tử tội ưa thích trên đường ra pháp trường đủ nói phẩm chất của vị tướng.

“Người Công giáo Cộng sản” dành nhiều trang viết về bà Nguyễn Thị Hưng người bạn đời, người vợ kiên cường son sắt của tướng Trần Tử Bình. Đây là những trang đặc biệt xúc động được tác giả dồn nén tình cảm vào những con chữ. Hoàn cảnh chiến tranh và hoạt động cách mạng khắc nghiệt nên hôn nhân của vị tướng vô cùng trắc trở, phải trải đến ba đời vợ. Người thứ nhất cùng hoạt động là liên lạc viên của ông với nhà cách mạng Ngô Gia Tự, mang trong mình mầm sống khi vị tướng bị tòa đại hình xử tù ở Côn Lôn sau vụ nổi dậy ở đồn điền Phú Riềng thất lạc, mất tích không bao giờ tìm lại được nhau. Vợ thứ hai là một nông dân, có đứa con trai nhưng cả hai chết thảm vì dịch tả. Phải đến người bạn đời Nguyễn Thị Hưng, người đồng chí cùng hoạt động từ thời bí mật, từng tham gia lãnh đạo giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, có với nhau tám mặt con thì hạnh phúc gia đình của vị tướng khả kính mới trọn vẹn.

Không chỉ một cuộc đời tướng Trần Tử Bình, “Người Công giáo Cộng sản” đã khắc nét nhiều chân dung sinh động và chặng đường một giai đoạn lịch sử. Cuốn tiểu thuyết lịch sử nhưng không nghiêng về sử dù trong đó sử dụng nhiều tư liệu quý. Những yếu tố lịch sử chỉ là phông nền cho nhân vật vị tướng lừng danh cùng thế hệ cách mạng của ông và gia đình của mình. Ở góc độ văn học “Người Công giáo Cộng sản” là một cuốn tiểu thuyết có giá trị, đáng đọc và cần đọc.

 

PHẠM ANH KHÔI

Nguồn: https://www.nhandan.com.vn/hangthang/van-hoa/item/43455602-khong-chi-mot-cuoc-doi.html

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận