0 

“Khơi nguồn vàng trắng” - Tập ký đậm nghĩa tình

Một cuốn sách đẹp, ghi chép lại câu chuyện về một nhân vật có công “Khơi nguồn vàng trắng” (Nhà xuất bản Văn học, 2021). Đó là doanh nhân Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Xin nói ngay, đây là thiên bút ký hay. Cái hay của ký sự cũng như truyện ký là ở kết cấu hợp lý nhưng cởi mở thông thoáng. Nội dung tập ký xoay quanh chuyện doanh nhân Trần Ngọc Thuận từ thời là Giám đốc Công ty Cao su Bình Long được điều lên giữ chức Phó Tổng Giám đốc VRG, sau đấy được Tập đoàn phân công phụ trách sang nước bạn Campuchia tìm thuê đất của bạn để mở thêm diện tích trồng cao su, theo ký kết giữa Chính phủ hai nước. Đây là mảng sáng về tình hữu nghị đoàn kết anh em với nước bạn lân bang thân thiết giàu truyền thống.

Công việc tìm đất trồng cao su vô cùng gian khó. Nhưng với trách nhiệm cao, sau nhiều năm vất vả, Trần Ngọc Thuận và VRG mở diện tích thuê trồng cao su ở nước bạn hiệu quả, cả về kinh tế - văn hóa - xã hội - đối ngoại. Thành công lớn không chỉ ở diện tích, ở những cánh rừng cao su nối tiếp nhau lên xanh cho ra Vàng trắng, mà còn góp phần vun đắp, thắt chặt tình hữu nghị bền sâu với nhân dân các nước bạn, bằng tạo công ăn việc làm, bằng việc coi trọng công tác từ thiện, xây tặng nhiều trường học mới cho con em nước bạn, xây cầu qua sông, ủng hộ các quỹ từ thiện của bạn.

Trần Ngọc Thuận đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” VRG hơn 10 năm liên tục, từ năm 2010 cho đến nay, cả về lãnh đạo, quản lý và tháo gỡ nhiều khó khăn, kể cả sai lầm của quá khứ, do lãnh đạo tiền nhiệm để lại. Thập niên 2010 - 2020, với Trần Ngọc Thuận là dồn sức dồn lực cùng tập thể lãnh đạo mới của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam truyền lửa niềm tin, niềm tự hào truyền thống của Cao su Phú Riềng Đỏ các thế hệ, cho gần 81.000 lao động để khơi lên nguồn Vàng trắng từ hơn 400.000ha cao su. Và thực tế VRG đã rất thành công. Trong công việc, trong giải quyết những khúc mắc, thậm chí những vi phạm pháp luật của tiền nhiệm, Trần Ngọc Thuận rất tôn trọng pháp luật nhưng cũng rất đỗi nhân văn, kỹ càng, thấu đáo, có lý có tình không để diễn ra cảnh “dậu đổ bìm leo”.

Ngòi bút Phạm Quốc Toàn người viết hệt như người trong cuộc reo lên, sẻ chia với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Cuối cùng, vào một ngày gần cuối của tháng 12 năm 2017 - vào lúc năm cùng tháng tận, Đề án Cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt Thủ tướng ký duyệt. Coi như gánh nặng ngàn cân được cất đi nhẹ nhõm, đưa VRG bước vào một giai đoạn mới, thực hiện cơ chế quản lý mới - theo mô hình cổ phần hóa doanh nghiệp. Sự tồn tại và phát triển của VRG như là một yêu cầu tất yếu, xét cả yếu tố kinh tế, xã hội - lịch sử - truyền thống. Thời kỳ mới, VRG chuyển đổi hoạt động theo mô hình cổ phần hóa cũng là một tất yếu của thời kỳ đất nước thời hội nhập, đổi mới và phát triển. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vững vàng ra biển lớn. Đường đi đã mở, con đường tiến bước rộng thênh thang!

Tập ký cuốn hút bạn đọc ngay từ những trang đầu, cảm hứng thăng hoa của chính tác giả khi tìm về Bình Phước để thâm nhập, cảm nhận, để khai thác tài liệu, để thấu hiểu về quá trình xây dựng và phát triển của ngành công nghiệp Vàng trắng. Tác giả như người dẫn chuyện bằng những lời chứa chan tình người, tình quê: “Người Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, người Hà Tĩnh, người miền Trung rời quê hương bản quán đi vào miền Đông làm cao su, theo dòng chảy thời gian từ thời thuộc Pháp cho đến hôm nay, khá đông đảo, kể đến hàng vạn người. Trước đây cao su đi dễ khó về. Còn ngày nay, dưới chế độ mới “người không phụ cây” thì “cây không phụ công người chăm bón”. Đời sống người làm cao su khá lên, từ cây cao su mà làm nên, kể cả lúc giá mủ cao su trên thị trường thế giới bị giảm sâu. Họ tự hào về Phú Riềng Đỏ, về vùng đất kiên trung Phước Long, Bình Long, về Công ty cao Phú Riềng, Đồng Phú, Bình Long… về miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Những chương nối tiếp của tập sách là sự phát triển, tăng tiến vượt lên trong gian lao nhọc nhằn, trong mâu thuẫn, đấu tranh nội tình, trong tư duy cũ mới, trong cách mở hướng... lắm khi căng thẳng đến tột cùng, tưởng vô phương nối tiếp. Nhìn vào công việc được tác giả tả, thuật, kết nối, liên tưởng trong suốt tập sách, chúng ta nhận rất rõ doanh nhân Trần Ngọc Thuận và những cán bộ chủ chốt của VRG. Họ là tấm gương năng động, tận tụy, quyết đoán, hết mình với công việc, quy tụ sự kết nối trong ngoài. Trần Ngọc Thuận trưởng thành trong một gia đình có 3 thế hệ “Khơi nguồn vàng trắng”. Gia đình là tế bào của xã hội; gia đình, quê hương biết mấy tự hào cũng là giá đỡ, bệ phóng để doanh nhân Trần Ngọc Thuận vươn tới.  

Những trang viết về gia đình doanh nhân Trần Ngọc Thuận, về  Mẹ và Cha - một cựu Giám đốc nông trường cao su đức độ, tận tụy, tâm huyết thật sự xúc động; những trang viết thời chiến tranh, bom đạn, sống dưới chế độ bao cấp “Đêm trước đổi mới”, người đọc xúc cảm “không thể không rơi lệ”. Và chính đó là cái “nôi” để doanh nhân Trần Ngọc Thuận, các thế hệ con cháu tự vượt lên chính mình, khôn lớn, trưởng thành.

Vậy là chỉ riêng trong 2 năm 2019 - 2020 Phạm Quốc Toàn cho ra đời tới 4 ấn phẩm rất đầy đặn, đầu năm 2019 là tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”, giữa năm là tản văn “Cá Chép hóa Rồng”, tiếp đến là ký sự “Hồ Gươm, lung linh và huyền ảo” và truyện ký “Khơi nguồn vàng trắng” - kịp ra mắt bạn đọc vào dịp đón Xuân Tân Sửu - 2021, nâng số đầu sách của anh lên tới con số 16. Được biết, tháng 4 năm 2021, anh sẽ tiếp tục trình làng cuốn sách thứ 17 hơn 350 trang in, tựa sách là “Khúc hát sông Ngàn”.  Phạm Quốc Toàn viết khỏe, viết nhanh, viết trúng. Điều rất đáng nói ở Phạm Quốc Toàn là càng viết càng chắc tay, phong phú đề tài, sâu đậm triết lý nhân sinh và xã hội, đằm thắm nghĩa tình. Chất văn học - Tân văn báo chí giao thoa, pha quyện rất nhuần nhuyễn, khiến người đọc say đọc,  cuốn hút, thêm tin, thêm yêu.

Tin yêu là lẽ đời, bởi người sao văn vậy. Tác giả là người làm báo giàu tâm đức, luôn vì người đọc mà viết, viết từ nơi đầu nguồn sự kiện, trung thực, khách quan, đúng bản chất của vấn đề, viết có ngọn có ngành. Anh say viết và viết hay, đong đầy trách nhiệm xã hội, thấu lý đạt tình, nên người đọc say theo!

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển

(Nguồn: https://congluan.vn/khoi-nguon-vang-trang--tap-ky-dam-nghia-tinh-post122702.html)