0 

Khi văn chương và mỹ thuật song hành

Đôi khi, có những tác phẩm văn học “đốn ngã” bạn đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên không phải vì lời giới thiệu sách, tên truyện hay tên tác giả mà từ sự cuốn hút của bìa sách. Một tác phẩm thu hút độc giả không chỉ bằng giá trị nội dung mà còn qua hình thức với những bìa vẽ, tranh minh họa... Đây cũng là xu hướng làm sách hiện nay, khi để văn chương và mỹ thuật song hành.

Hai ấn phẩm “Bỉ vỏ” và “Thương nhớ mười hai” đến tay bạn đọc trọn vẹn cả về nội dung và hình thức.

Từ “làn gió mới” mang tên minh họa

Nếu những năm trước, sách có tranh minh họa dường như là “đặc quyền” dành cho các “độc giả nhí”, thì giờ đây, ngày càng có nhiều tác phẩm văn học được khoác tấm áo minh họa.

Gần 5 năm trước, ấn bản “Lĩnh Nam chích quái” đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đầy đủ nhất về tư liệu, khảo cứu, và đặc biệt có tranh minh họa màu đẹp, độc, lạ bởi họa sĩ Tạ Huy Long đã được NXB Kim Đồng cho ra mắt. Cùng năm ấy, NXB Văn học và Đông A Books liên kết xuất bản “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên” khổ lớn có tranh minh họa. Ấn bản “Lục Vân Tiên” được minh họa bằng những bức tranh giàu mỹ cảm của họa sĩ Nguyễn Công Hoan. Còn minh họa cho “Truyện Kiều” là 15 họa sĩ tiêu biểu cho nền mỹ thuật đương đại Việt như Thành Chương, Đinh Quân, Hồng Việt Dũng...

Đó là những tác phẩm đầu tiên đã “thổi” làn gió mang tên minh họa vào làng xuất bản lúc bấy giờ. Và thật bất ngờ, ấn bản “Lĩnh Nam chích quái” đã “cháy hàng” chỉ sau 2 tuần phát hành. Còn những bức tranh minh họa trong “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên” sau đó đã được đấu giá thành công, bức tranh có mức giá cao nhất lên tới 65 triệu đồng. Minh họa đã không chỉ đơn giản là minh họa nữa, mà là một tác phẩm độc lập, ở đó họa sĩ gửi gắm những thông điệp, ý tưởng, suy ngẫm của mình.

Theo Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn, minh họa tác phẩm văn học kinh điển có đóng góp quan trọng cho nhận thức của con người, khơi gợi trí tưởng tượng về bối cảnh lịch sử văn hóa xã hội trong quá khứ đã xa. Không ít những bộ tiểu thuyết lớn của Trung Hoa nhờ các bản minh họa chi tiết, sống động mà các thế hệ sau mới có cứ liệu để hình dung bối cảnh xã hội ở từng giai đoạn.

Đến tủ sách Văn chương & Mỹ thuật

Thành công của những ấn bản có minh họa đầu tiên ấy dẫn đến xu hướng tái bản sách có minh họa. Có thể kể đến tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng được minh họa bởi họa sĩ Thành Phong, tập truyện ngắn và vừa “Người kép già” của nhà văn Kim Lân được họa sĩ Thành Chương minh họa, tập “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” có sự tham gia minh họa của 17 họa sĩ đương đại, “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được minh họa bởi họa sĩ Minh Hải...

Sự song hành giữa văn chương và mỹ thuật không chỉ xuất hiện ở các ấn phẩm tái bản, mà ngay ở những tác phẩm xuất bản lần đầu cũng được các tác giả chú trọng. 4 cuốn sách ra mắt cách đây không lâu của nhà văn Đỗ Bích Thúy, trong đó có 2 cuốn tái bản (tập truyện “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, tiểu thuyết “Bóng của cây sồi”) và 2 cuốn in lần đầu (tiểu thuyết “Người yêu ơi”, tản văn “Thương nhau như người thân”) có các minh họa trên giấy dó của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Càng ngày tác giả, độc giả và các đơn vị làm sách càng quan tâm đến việc làm sách hay và đẹp. Đáp ứng niềm vui đọc sách và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức hội họa của số đông độc giả ngày nay, Đông A Books còn thành lập một tủ sách Văn chương & Mỹ thuật.

Theo chị Hoài An, đại diện truyền thông của Đông A, các ấn phẩm trong tủ sách là sự kết hợp giữa tác phẩm văn học nổi tiếng qua thời gian và minh họa mới của các họa sĩ Việt Nam đương đại. Đông A cố gắng tìm tòi và giới thiệu các văn bản sớm nhất của tác phẩm trong trường hợp tác phẩm xuất bản đã lâu với mong muốn giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận tác giả ở một góc nhìn gần hơn, nhất là khi nhiều ấn phẩm có thể đã thất lạc do chiến tranh, hoặc qua nhiều chỉnh sửa của thế hệ sau. Mỗi cuốn sách trong tủ sách được minh họa xuyên suốt bởi một họa sĩ Việt Nam đương đại.

Hiện có 2 tác phẩm đầu tiên của tủ sách đã ra mắt là “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng (được minh họa bởi họa sĩ trẻ Duy Hưng, dựa trên cảm hứng từ tranh lụa Việt Nam đầu thế kỷ XX của các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ...), và “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng do họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ (vẽ minh họa từ cảm nhận cá nhân trước tác phẩm và từ ký ức cùng niềm cảm mến, trân trọng với nhà văn Nguyên Hồng - một người bạn quý của cha họa sĩ - nhà thơ Hoàng Trung Thông). Bằng việc mời các họa sĩ hợp tác vẽ minh họa, các đơn vị làm sách như Đông A muốn mỗi ấn phẩm đến tay bạn đọc trọn vẹn cả về nội dung và hình thức, chạm đến và nâng lên cảm xúc đẹp đẽ trong độc giả đối với nghệ thuật nói chung, văn chương và mỹ thuật Việt Nam nói riêng.

Hạ Yến (Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1024944/khi-van-chuong-va-my-thuat-song-hanh).