0 

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ kể chuyện minh họa Bỉ vỏ

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ kể chuyện minh họa Bỉ vỏ

Loạt tác phẩm văn học Việt Nam kinh điển với minh họa của các tên tuổi họa sĩ đương đại đang dành được sự quan tâm của người yêu sách. Trong đó phải kể đến Bỉ vỏ của Nguyên Hồng kèm tranh Hoàng Phượng Vỹ vừa ra mắt. Một triển lãm và đấu giá cũng được tổ chức đợt này. Họa sĩ có duyên gặp nhà văn từ nhỏ và Bỉ vỏ là tác phẩm của Nguyên Hồng được anh yêu thích nhất.

Hoàng Phượng Vỹ chia sẻ: “Tôi vẽ minh họa chuyên nghiệp từ những năm 1980. Vẽ cả cho báo Tiền Phong… Những cái đấy như công việc thôi. Lần này Bỉ vỏ là tác phẩm văn học lớn trước 1945. Cụ Nguyên Hồng lại là bạn bố tôi (nhà thơ Hoàng Trung Thông-PV) tôi từng gặp từ hồi trẻ”.

Vậy nên anh sẽ có sự chăm chút đặc biệt cho dự án này?

Minh họa báo tất nhiên không phải không tâm huyết nhưng bài báo hay truyện ngắn không khiến tôi rung động lớn. Dưới góc nhìn của tôi, Bỉ vỏ là tiểu thuyết hay nhất của Nguyên Hồng, sau đó tới hồi ký Những ngày thơ ấu. Chứ bộ Cửa biển của ông tôi lại thấy vừa. Đồ sộ nhưng tính khái quát, tính triết học không lớn, mà chi tiết quá nhiều thành ra rậm rạp. Bỉ vỏ còn là tác phẩm đầu tay. Được vẽ cho những tác phẩm văn học hay tuyệt vời như thế, tâm hồn mình cũng bị cuốn theo. Khác những người minh họa khác, tôi vẽ cái dư chấn của văn chương chứ ít khi bắt theo câu chuyện.

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ kể chuyện minh họa Bỉ vỏ ảnh 1
Tranh minh họa Bỉ vỏ của Hoàng Phượng Vỹ đang trưng bày tại nhà sách Cá Chép, Hà Nội.

Sách in màu, giấy đẹp tất nhiên phải tạo cảm hứng hơn cho họa sĩ rồi?

Cầm một cuốn sách cũng khác tờ báo. Minh họa cho bút ký, truyện ngắn gây cảm hứng cho mình chưa phải mạnh mẽ. Lúc ấy làm vì trách nhiệm ý thức nhiều hơn. Nghệ thuật của tôi mang đậm tính hội họa và tưởng tượng.

Hội họa dĩ nhiên phải mang tính hội họa rồi chứ nhỉ?

Có người không làm được đậm chất hội họa ấy. Họ khát khao hội họa nhưng chưa chạm tới. Kể cả rất nhiều người nổi tiếng, kể cả bán tranh được nhiều. Số vẽ minh họa hay ít lắm. Minh họa xưa khác bây giờ. Xưa vẽ kích thước rất bé. Trong khoảng 6x8cm, anh phải diễn tả được hình. Nên tay nghề đòi hỏi rất công phu và sức am hiểu văn chương rất cao. Nếu không thì nó sẽ lệ thuộc văn chương. Giờ có thể vẽ to, thu nhỏ. Dễ hơn.

Ngày trước bố anh có tác động, khuyến khích việc đọc của anh?

Nhà có sách thì mấy anh chị em đọc chứ bố tôi cũng không muốn các con đọc nhiều. Nói như Đào Cảng khi viết về Nguyên Hồng: “Đời đau nhiều nên thương cảm nhiều hơn”. Đó là một cách. Nhưng biết nhiều quá cũng sẽ đau đớn. Tại sự thật ở cuộc sống với sách vở đôi khi nó có khớp lệnh đâu.

Nhà tôi toàn khối A. Tôi chuyển sang hội họa, rồi được giải thưởng trước khi bố tôi mất mấy năm. Tôi cảm giác bố tôi buồn nhiều hơn vui. Tại vì ông lo. Thật ra những người càng đích thực bao nhiêu, trong tâm hồn càng day dứt. Sẽ dễ dằn vặt với cuộc đời. Nếu anh làm kiến trúc ví dụ 8 tiếng, sau đấy về nhà thư giãn. Tầm này làm cái này nó cứ luẩn quẩn trong đầu suốt ngày suốt đêm. Cái không bằng lòng với bản thân cũng trồi lên. Cũng như nhìn cuộc sống hay thấy phần chìm, phần đằng sau… Nó lại dễ khổ, dễ đổ vỡ. Tôi hay độc ẩm, cũng có nghĩa là là độc thoại nhiều. Trong đó đôi khi tính tích cực lóe lên ít hơn tiêu cực…

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ kể chuyện minh họa Bỉ vỏ ảnh 2

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ: "Những dư chấn của Bỉ vỏ kích thích mình tưởng tượng để ngôn ngữ ngây thơ của mình nhiều giấc mơ, nhiều mộng du hơn đối với dòng văn học hiện thực phê phán. Tương tác mà vẫn độc lập, không thì thành tranh truyện rồi. Tôi không đi con đường đấy"

Anh hài lòng đến đâu với loạt tranh này?

Việc vẽ xong rồi. Tôi đã vắt kiệt trong môt thời điểm để vẽ cho Nguyên Hồng- Bỉ vỏ. Tôi ít giao du. Mình chỉ giao lưu quan hệ trên tác phẩm thôi. Gương mặt mỗi nghệ sĩ chính là tác phẩm. Và chia sẻ tác phẩm là chia sẻ gương mặt, suy nghĩ, trái tim của mình. Vì con người mình ở đấy. Chính tranh là tôi. Cái là tôi được mọi người chia sẻ yêu thương, tự nhiên được đến tận một vùng xa nào đấy cũng đem lại cho mình niềm động viên, an ủi, niềm vui.

Giống như anh gửi một phần linh hồn mình vào tranh?

Cũng đúng. Họa sĩ càng ít chia sẻ bao nhiêu trong đời sống thì chia sẻ trong tranh lại càng nhiều. Tôi nghĩ đôi khi có người có tài năng hẳn hoi nhưng họ chia sẻ quá nhiều làm loãng họ đi. Càng ít chia sẻ bao nhiêu trong các cuộc gặp gỡ giao lưu thì khi chia sẻ vào tranh mới chạm vào tinh chất. Tất nhiên phải là người tài năng đã. Bi kịch đến với người tài dễ đẻ ra những tác phẩm lớn. Còn với những người không tài thì… chả biết nói gì.

Anh đánh giá sao về ý tưởng kết hợp hội họa với văn học này?

Nó đưa cái nhìn mới của hôm này vào tác phẩm kinh điển. Một cách hiện đại hóa truyền thống. Đáp ứng thù chơi sách của nhiều người, giờ tôi mới biết. Sách ngoài để đọc còn để trong tủ kính, để chơi, để ngắm. Hài hòa giữa văn hóa đọc và văn hóa nhìn, nâng cao thẩm mỹ sách. Văn chương mỹ thuật song đôi.

N.M.Hà 

(Nguồn:https://tienphong.vn/hoa-si-hoang-phuong-vy-ke-chuyen-minh-hoa-bi-vo-post1402537.tpo?fbclid=IwAR0TkSSuvi4pNXrlPWNM-Igl2RlpKpVPv13wuKxkM9eQ5jiKl35tzaffgkE).