0 

Hà Nội trong “Xa rồi ngày xanh”

Giọng điệu có chút ngông, có chút đùa cợt, tưng tửng nhưng chan chứa, thấm đẫm tình người qua từng dòng văn khiến cuốn tản văn tiếp theo của ông- “Xa rồi ngày xanh” tiếp tục trở thành một ống kính để ngắm nhìn Hà Nội.

Từ sau cuốn tản văn đầu tiên “Từ xa Hà Nội” được Nhà xuất bản Văn học xuất bản vào cuối năm 2014, nhạc sĩ Mai Lâm bỗng trở thành cái tên tuy mới xuất hiện nhưng đã được liệt ngay vào hàng tác giả viết tản văn “đọc được” trong làng văn.

Xa Hà Nội đi xuất khẩu lao động ở Đức từ năm 1987 bởi cái nghèo đến từ một lý do rất “tế nhị”, nhạc sĩ Mai Lâm khi ấy là nạn nhân của cơn lốc lô đề quét qua Hà Nội thập niên 1980, 1990 khiến nhiều gia đình phải “ra đê mà ở”. Câu chuyện này đã được ông thuật lại khá chi tiết qua nhiều tản văn như “Những giấc mơ đề 1” và “Những giấc mơ đề 2”…

Hà Nội trong “Xa rồi ngày xanh” hiện lên qua góc nhìn của một nhạc sĩ lăn lộn với những góc tầng bụi bặm nhất của cuộc đời cả trong và ngoài nước, nên nó vừa cổ kính mơ màng đầy hoài niệm, lại vừa trần trụi thô kệch như khi ta phải ngắm một cô gái ở khoảng cách quá gần. Cảm xúc của độc giả cũng vì vậy mà lúc thăng lúc giáng như những nốt nhạc trên khuông. Khi thì họ được lạc vào một bức tranh mơ màng mà tác giả đem ra họa lại để nhớ về Hà Nội xưa, khi nhạc sĩ Mai Lâm còn là 1 cậu bé 6 tuổi, nhà ở phố Nam Ngư, khi thì họ chìm lắng với ông trong những hoài tưởng về thời thanh niên ở đất kinh kỳ với những thú chơi kiêu bạc. Và cũng có lúc độc giả lại tủm tỉm cười vì một đoạn văn hài hước. Một vài lời văng bậy “rất đời” của tác giả, cũng may được đặt đúng chỗ nên không bị thô và kém duyên.

Chuyện Đông chuyện Tây đủ cả trong “Xa rồi ngày xanh”, cuộc sống khi nhìn từ hai hướng, trong và ngoài Hà Nội, chắc chắn sẽ đa vị đa thanh hơn lối nhìn của người chưa từng sống ở nơi nào khác ngoài Hà Nội. Chính vì vậy, những tản văn ông kể về nước Đức, người Đức mà cụ thể là qua  cô “dâu Tây” cũng khá thú vị. Chẳng hạn chuyện cô con dâu người Đức được mẹ chồng tương lai người Việt nhờ mua 1 chục trứng gà trong trang trại nhà cô, khi bà mẹ trả tiền, một số tiền quá nhỏ, tưởng ngại cô không lấy, nhưng không, cô cảm ơn và vuốt tờ tiền phẳng phiu, nhét vào trong ví rất thản nhiên. Những “va chạm” nho nhỏ về văn hóa ứng xử Đông –Tây như thế cũng là một nét thú vị của tập tản văn “Xa rồi ngày xanh”.

Mai An (danviet.vn)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận