0 

Đường vô xứ Nghệ

Tháng trước nhà báo Phạm Quốc Toàn từ bờ biển Vũng Tàu gửi thư cho tôi báo tin ông sắp trình làng tác phẩm mới, kèm Lời giới thiệu "Khúc tâm tưởng tự hào" của GS, TS Tạ Ngọc Tấn. Ðọc xong bài giới thiệu, tôi nhắn tin cho bạn nói vui: "Tôi sẽ không viết bài đọc cuốn sách của anh. Chẳng có gì để nói ngoài những lời của ông thầy họ Tạ".

Ấy thế mà giữa những ngày Hà Nội ngột ngạt vì đợt nóng oi và đại dịch Covid-19, đọc xong cuốn "Khúc hát Sông Ngàn" (NXB Văn học, 2021) tôi lại háo hức ngồi vào bàn viết. Tôi không có ý định bàn về tác phẩm từng làm cho vị giáo sư văn hay chữ tốt thỉnh thoảng phải dừng lại khi nước mắt giàn giụa, rồi lại đọc từng dòng, từng dòng khó lòng dứt ra. Tôi chỉ muốn lật lại ký ức của mình về Xứ Nghệ "non xanh nước biếc như tranh họa đồ" quê hương tác giả; về châu Hoan - châu Ái, nơi sản sinh cho đất nước bao nhân tài.

Ðã hơn 70 năm qua tôi còn nhớ như in lọc cọc tiếng chiếc xe goòng lăn trên con đường sắt chạy từ bắc Quảng Bình ra ga Chu Lễ, huyện Hương Khê nơi ra đời nhà báo, nhà văn họ Phạm. Những cái goòng thép cát bụi bám đầy vốn dùng để chở đá cho công nhân bảo dưỡng đường xe lửa xuyên Việt, những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp được ta dùng chở cán bộ, chiến sĩ từ chiến trường Bình Trị Thiên ra vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh, và theo chiều ngược lại cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương vào tiếp sức cho mặt trận.

Mùa hè năm 1948, sau một tháng ròng với cái bao ruột tượng gạo vòng quanh eo lưng và cái ba-lô nặng chịch trên vai tôi đi dọc dãy núi Giăng Màn, vượt qua các ngọn Liên U, Ba Rền, mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn xuống chân đề phòng té ngã, đến giờ này được ngồi bệt xuống sàn một "chiếc xe" tha hồ ngắm cảnh núi sông.

Hương Khê, Chu Lễ là căn cứ kháng chiến của ta tại hậu phương. Tôi biết trong những khu rừng xa kia có nhiều doanh trại bộ đội và xưởng sản xuất vũ khí. Tôi biết có một ông anh họ tôi đang làm giám đốc một xưởng đúc lựu đạn ở đây nhưng tôi không ghé thăm ông. Tôi vội đi tiếp về Sông La để kịp đến trường nhập học vào đầu niên khóa mới.

Ấy thế mà số phận sắp xếp tôi trở thành một người làm báo. Lúc đặt chân vào nghề tôi giống như một chú bé bị ném đột ngột xuống ao sâu, phải cố ngụp lặn nếu không muốn chết chìm. Chừng một năm sau, tháng 10/1949, tôi rời Núi Na, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh trở lại vùng núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Tôi lại được ngồi bệt xuống sàn chiếc xe goòng nay không còn nhiều cát bụi sỏi đá nữa trở lại Bình Trị Thiên làm phóng viên, lại có dịp ngắm cảnh Ngàn Sâu, Rú Gối.

Mười năm sau, khi hòa bình đã lập lại trên nửa nước, nhân dân miền bắc nô nức thi đua yêu nước, một người làm việc bằng hai vì cuộc sống ấm no và vì miền nam ruột thịt, tôi lại có dịp rời bờ Hồ Gươm Hà Nội trở lại vùng núi Hương Khê, Hà Tĩnh tác nghiệp. Bài bút ký "Vượt bậc" đăng Báo Nhân Dân số ra ngày 14/6/1959 mở đầu: "Từ thị xã Hà Tĩnh lên xã Hương Hà phải qua một cái khe, Khe Giao và một cái truông, Truông Bát. Ðường núi quanh co vắng vẻ, lâu lắm mới gặp một đoàn người gánh lá cọ về xuôi... Leo ngót ba chục cây số đường dốc, qua khỏi một cái cầu, trước mắt tôi đột ngột hiện lên cảnh nông dân làm việc tấp nập. Giữa thung lúa chiêm vừa mới gặt, gốc rạ còn tươi, mấy đôi trâu kéo bừa bì bõm lội trong bùn. Ðằng kia lúa chiêm chưa gặt hết, đằng này đã bắt tay làm vụ lúa mùa...

Bên kia con đường cái, đối diện xóm Long Thượng, có một quả đồi cây cối sum suê. Nhìn sau lũy tre thấy vươn lên ngọn những cây mít, cây bưởi nhú mầm xanh non bên cạnh cùng những cây kè xòa các tán lá trông tựa những chiếc ô.

- Xóm đẹp quá anh nhỉ. Xóm có bao nhiêu gia đình?

Chủ nhiệm hợp tác xã Long Thượng trả lời:

- Không gia đình nào hết. Ngày trước, nơi đó đúng là một xóm dân cư nhưng sau trận đói năm Ất Dậu 1945 không còn sót lại một ai. Dân xóm tôi đang phải lo chăm nom ngôi đền thờ họ của bà con xóm ấy.

Anh buồn rầu nói tiếp:

- Anh có biết không, nhà anh Thương mà anh vừa gặp, năm nay thu hoạch ba tấn thóc, trận đói năm ấy chết đói bảy người. Nhà tôi mất ba.

Tôi bàng hoàng. Bất giác quay lại nhìn mái trường học mới dựng xa xa trên một ngọn đồi khác. Xế về phía trái là hợp tác xã mua bán. Dưới đồng mấy đôi trâu vẫn cần mẫn kéo bừa. Vẫn ruộng nương đồi núi ấy. Vẫn người vẫn cảnh ấy. Phải chăng những nỗi đau trong quá khứ là một nguyên nhân thúc đẩy người dân xã Hương Hà - nay là xã Hà Linh - nhanh bước trên đường…".

Ðọc "Khúc hát Sông Ngàn" trong đêm Hà Nội tạm thời vắng lặng, lòng tôi xôn xao nghe như từ đâu vọng lại tiếng hô từ một làng quê Xứ Nghệ năm nào: "Nác mới đây! Mời nác mới!". Người dân nhiều chòm, xóm ở xứ ấy có mỹ tục: Những đêm hè, khi ngọn gió mát vừa nổi lên xua bớt oi nồng, những người hàng xóm lại tụ hội đến sân một nhà. Ở đó trên chiếc chõng tre hay có khi chỉ là trên tấm nong tròn to tướng đặt xuống nền đất, có nồi nước chè xanh bốc khói cùng chồng bát gốm và chiếc gáo dừa. Lần lượt sau nhà này đến nhà khác, hết lượt sẽ quay vòng trở lại, hầu như đêm hè nào trời tốt bà con cũng dùng chung nồi nác mới trò chuyện với nhau. Chè xanh nước chát xin mời/ Nước non non nước, nghĩa người khó quên. Ngày nay, mỹ tục ấy ở Xứ Nghệ vẫn còn - tình làng nghĩa xóm đã lắng sâu thành máu thịt.

Phạm Quốc Toàn viết về Ngàn Phố khiến tôi nhớ lại những đêm các chàng trai cô gái Sông Lam mở hội khuyến khích nhau đi dự tuyển tân binh vào bộ đội đánh Pháp một đêm tháng chín thời tiết thất thường. Một cô hát kháy:

Hoa Lư đã tám người rồi

Diên Tiên ta lên tiếng, cho tày anh em.

Từ một nhóm khác lại cất điệu hò:

Nhà ngói năm gian em không thiết

Ruộng vườn bảy mẫu em không màng

Em thương chàng xung phong nhập ngũ vào hàng tân binh

Tôi viết bài ghi nhanh tại chỗ, kết thúc với hai câu thơ vua Trần Nhân Tông làm bảy trăm năm trước cảnh báo quân xâm lược Nguyên - Mông:

Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ

Hoan Ái còn đây mười vạn quân.

Trở lại với Vượt bậc: "Mấy ngày ở Long Thượng, điều làm chúng tôi vui là năng suất vụ lúa chiêm cao vượt bậc song ấn tượng sâu đậm nhất còn lại trong tôi là hình ảnh những con người".

Tác giả Phạm Quốc Toàn viết về những con người và cảnh vật quê hương ông. Ông viết về Suối Rú, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La, Sông Lam... Ông tôn vinh hai cây trôi cổ thụ ở Phúc Trạch nay đã lụi tàn. Ông tiếc nuối người Phúc Trạch ngày trước chưa biết cách khai thác cây dó trầm. Ông ngợi ca hương bưởi Phúc Trạch. Các cô gái gội đầu bằng nước có hương hoa bưởi Phúc Trạch, tắm nước sông Ngàn Sâu da trắng hồng mịn màng làm bao chàng trai gục ngã. Ông ngưỡng mộ các bậc tiền bối. Ông thương nhớ hai đấng sinh thành: "Mẹ sinh ra và lớn lên bên sông Ngàn Sâu. Bố là giáo làng đẹp trai, thư sinh sáng dạ nổi tiếng văn hay chữ tốt... Sau đám cưới tình yêu mới thật sự nảy nở...". Ông thuật lại cảnh hai chuyến đi xa của hai cụ, mỗi người một cách nhưng đều ra đi trong thanh thản. Ông ngợi ca bạn bè đồng nghiệp. Ông tiếc thương cô con gái nữ doanh nhân thành đạt. Ông biết ơn quê hương thứ hai Bà Rịa - Vũng Tàu nơi ông có hơn 21 năm liền làm Tổng Biên tập báo tỉnh trước khi đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Người làm báo, ấn phẩm lý luận nghiệp vụ của Hội.

Ðã đến tuổi thượng thọ ông vẫn lạc quan hứa với bạn đọc, rồi đây nếu có dịp ông sẽ có riêng một cuốn sách viết về "diện mạo và đời sống báo chí", trước khi kết thúc 180 trang "Khúc hát Sông Ngàn": "Rốt cuộc, tài sản lớn nhất là gia đình, anh em, bè bạn, nghĩa tình, thú điền viên, đọc sách và viết sách khi tuổi về chiều, xế hoàng hôn …"

Phan Quang (Nguồn: https://nhandan.vn/van-nghe/duong-vo-xu-nghe-654550/).