-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Dòng chảy 'Sách đặc biệt': Cuộc chơi đang định hình
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - 16 September 2021
Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài trường hợp của Đông A, trên thị trường cũng có tới cả chục đơn vị xuất bản từng phát hành “sách đặc biệt”. Đó là các trường hợp của Thái Hà Books, Omega Plus (thuộc Alpha Books), Nhã Nam, Phanbook, Tri thức trẻ Books, Tao Đàn...
Từ năm 2019 tới nay, tùy theo quy mô, mỗi đơn vị này đã đưa ra thị trường từ 1 - 2 cho tới cả chục đầu sách có bản đặc biệt.
Trào lưu tất yếu
Điều dễ nhận thấy nhất, các đầu sách đặc biệt này đều được chăm chút rất kĩ cho phần bìa sách và chất lượng giấy. Chẳng hạn, bộ Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX và bộ Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế của Thái Hà Books được họa sĩ Phan Hải Bằng tạo hình bằng giấy trúc chỉ của Huế. Omega Plus có bản đặc biệt mạ vàng các cuốn Leonardo Da Vinci, Napoleon Đại Đế…
Trong khi đó, một số thương hiệu lại có thêm những sáng tạo riêng: Bản đặc biệt Tam quốc diễn nghĩa (180 bản) của Tri thức trẻ Books tặng kèm độc giả một tượng Quan Công; bản đặc biệt Hà Nội quán xá phố phường (500 bản) của thương hiệu Sống (thuộc Alpha Books) lại có thiết kế kèm tranh pop up tạo hiệu ứng riêng khi mở sách.
Thậm chí, dù chỉ là sách do cá nhân thực hiện, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa khi phối hợp cùng NXB Thế giới ấn hành cuốn Dòng tranh dân gian Đông Hồ cũng thực hiện 50 bản đặc biệt và 5 bản đặc biệt nâng cấp – trong đó 5 bản đặc biệt nâng cấp có ruột và bìa cứng khâu tay, bìa da thuộc, hoa văn dùng phôi đồng nung nóng in hằn lên bìa sách, bụng sách thếp vàng, in thêm 5 tranh màu...
Sự bùng nổ ấy khiến nhiều người nhầm tưởng, sách đặc biệt là trào lưu mới xuất hiện tại Việt Nam trong 3 năm qua. Thực tế, từ trước năm 1975, xu thế chơi sách bản đặc biệt đã có ở cả hai miền Bắc, Nam với những hình thức khác nhau trước bị gián đoạn trong một thời gian dài, trước khi bắt đầu được tái khởi động từ năm 2005 ở một số đơn vị xuất bản.
Theo ông Trần Đại Thắng, giám đốc Đông A, việc thực hiện các phiên bản sách đặc biệt đã tồn tại rất lâu trong lịch sử xuất bản thế giới với hai xu hướng chính: đóng sách thủ công do các nhóm nghệ nhân nhỏ lẻ thực hiện và sản xuất số lượng lớn hơn do các nhà xuất bản thực hiện.
“Ở xu thế thứ nhất, sau một thời gian đứt gãy, phong trào đóng sách thủ công đang phát triển khá mạnh trên thế giới với các hội, nhóm, câu lạc bộ hoặc các cuộc thi đóng sách đẹp. Theo đó, việc đóng sách chỉ là chuyện đóng bìa vải, bìa da, bìa giấy… hay kết hợp các chất liệu này ở bìa sách mà còn gắn với việc khâu sách theo lối nào, làm tờ gác ra sao, xén trang theo kiểu nào” – ông Thắng nói – “Còn xu thế thứ hai gắn với một số nhà xuất bản nổi tiếng về việc sản xuất hàng loạt dòng sách đặc biệt như Franklin Library, Folio Society, Easton Press, Barnes and Noble… Họ xuất bản các ấn bản đẹp với số lượng khá lớn và bán khắp thế giới qua website hay trên eBay, Amazon”.
Khi thị trường phát triển tới giai đoạn nhất định, sự đa dạng và hấp dẫn về nội dung không còn là tiêu chí duy nhất trong cuộc cạnh tranh giữa các xuất bản phẩm. Bởi thế, những bản sách đặc biệt nở rộ tại Việt Nam là điều tất yếu – bởi chúng vừa đáp ứng nhu cầu cao về thẩm mỹ của một số độc giả, vừa là cách nâng cao thương hiệu của một số đơn vị xuất bản lớn.
Sẽ dần ổn định theo thời gian
Dễ nhận thấy, thị trường dành cho sách đặc biệt tuy nhỏ nhưng lại rất sôi nổi. Lượng khách hàng tiềm năng cho những bản sách này thường là đối tượng độc giả thích sưu tập sách, chịu chi và đặc biệt là có độ tuổi ngày càng trẻ hơn. Như những gì được giải thích, ngoài yếu tố về đời sống kinh tế phát triển, xu hướng sưu tập sách đặc biệt còn đến từ việc mạng internet phát triển, khiến cơ hội tiếp cận loại ấn phẩm này mở rộng tới mọi phạm vi, mọi đối tượng – thay vì bó hẹp trong một nhóm người theo kiểu “tự biết với nhau” như trước.
Nhưng, từ sự phát triển này, các bản sách đặc biệt với số lượng vài trăm bản mỗi đầu cũng thường được bán hết khá nhanh. Bởi vậy trên các fanpage mở bán bản đặc biệt thường có tình trạng sách đã bán hết nhưng vẫn thấy nhiều độc giả đặt mua, thậm chí đề nghị phía làm sách tăng số lượng bản đặc biệt ở những lần tái bản sau. Do đó, cũng không lạ khi nhiều bản sách dạng này được mua qua bán lại với mức giá bị đẩy cao lên khá nhiều lần – thậm chí có không ít trường hợp mua gom ấn phẩm để “đầu cơ” bán lại trong thời gian sau này.
Thậm chí, từ thực tế này, khái niệm “sách đặc biệt” cũng đang có dấu hiệu bị lạm dụng. Cụ thể, nếu trước kia ấn bản đặc biệt chỉ dành cho các tác phẩm kinh điển, có giá trị của Việt Nam cũng như thế giới thì bây giờ, nhiều tác phẩm chưa được khẳng định cũng dễ dàng được làm bản đặc biệt. Chưa kể, với một số đầu sách, “bản đặc biệt” chỉ được phân biệt với các bản phổ thông ở việc có thêm bìa cứng, bìa áo, hộp sách... còn chất liệu giấy thì y hệt - và mức giá cũng chỉ cao hơn một chút so với bình thường để hướng tới lượng độc giả rộng hơn.
Như chia sẻ của các nhà sưu tập, theo thời gian, tình trạng này rồi cũng sẽ lắng dần – khi các tiêu chuẩn thẩm mỹ cho một ấn bản đặc biệt dần được xác lập, trong khi người mua sách cũng dần nắm được các khái niệm và quy cách để phân biệt thế nào là ấn bản độc bản, ấn bản đặc biệt, ấn bản giới hạn hay ấn bản bìa cứng có chữ ký…. Và để sớm xác lập được điều ấy, tất nhiên những đơn vị đầu tư cho ấn bản đặc biệt cần giữ nguyên và nâng cao các tiêu chí về nội dung và thẩm mỹ của mình, đồng thời không chạy theo lợi nhuận để rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Điển hình, theo ông Trần Đại Thắng, dù được thị trường đón nhận nhưng mỗi năm Đông A cũng chỉ có thể cho ra đời khoảng 12 bản đặc biệt. Do vậy, ưu tiên hàng đầu của đơn vị vẫn là thực hiện thật tốt những cuốn sách cổ điển, kinh điển, bằng cách biên tập, tra cứu, hiệu đính... kỹ về nội dung và tinh tế, trang trọng về hình thức, tiếp đó mới tính đến việc thực hiện thêm một số bản đặc biệt thuộc mỗi đầu sách này.
Làm sách đặc biệt cũng gặp “tai nạn”
Năm 2020, khi thực hiện bộ S100 Thiên hoàng Minh Trị lần đầu, phía Đông A sử dụng 2 loại giấy là tập phụ bản màu in trên giấy Couche định lượng 115 gsm; ruột sách in đen trắng trên giấy Ford kem Nhật Bản định lượng 80gsm. Trong quá trình vận chuyển, gia công sau in và do thời tiết, hai loại giấy có độ co giãn khác nhau nên một số cuốn có ruột sách bị xô lệch, gáy sách không đều. Do vậy, phía Đông A đã tiến hành thu hồi sản phẩm, đổi cuốn in mới trên cùng một loại giấy và tặng cho độc giả một cuốn Số đỏ tri ân khi đổi sách.
“Cũng có nhiều bạn đọc không đổi trả mà vẫn giữ bản S100 Thiên hoàng Minh Trị đầu tiên. Nhưng chúng tôi muốn hướng tới sự cầu toàn, đảm bảo chất lượng tốt nhất của mỗi bản sách đặc biệt, và những gì diễn ra là một bài học quý” – ông Trần Đại Thắng cho biết.
Cúc Đường (Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/dong-chay-sach-dac-biet-cuoc-choi-dang-dinh-hinh-n20210805081008197.htm).