0 

Đôi mắt trong

(Về tập thơ “Mắt bò” của nhà thơ Hữu Việt, NXB Văn học, 2018. Đăng trên báo Thời Nay, số ra ngày 861, T2 16-4-2018)

 Những nhỏ bé long lanh, nhỏ bé tinh tế, nhỏ bé dịu mềm và nhỏ bé ẩn chứa khám phá… được nhận ra từ những bài thơ cũng rất ngắn gọn của thi sĩ đa tài. 

Gom lại nhiều viễn vọng tâm trí trong vài khoảnh khắc, nhà thơ không chỉ nhiệt thành sống và tận hưởng như một ơn may, một nâng niu, mà còn giữ cho bản thân những góc nhìn duy mĩ, để từ đó có vào thơ những hình ảnh đẹp gợi mở. Đó là những: 

“núi quanh co mây dừng xem chiều biếc
khói lam hoa…”,

“Chỉ nhớ mắt đầm 
má non tay nhỏ”,

“Núi đôi đồi lụa
Nho nhỏ đào phai”,

“Đêm mùa mua ấm cho chăn
ủ mê men trắng trong ngầm thịt da”…

Bởi thế mà những cảm tình đời sống, đặc biệt ở tập thơ này, là tình yêu, hiện lên trong, đẹp, trìu mến, và đầy trân trọng. 
Tình yêu hiện hữu trong đời, trong thơ văn vốn đa màu sắc, cuồng nhiệt, thổn thức, hổn hển, nhọc nhằn, khổ não, tủi hờn, biến cố…, nhưng Hữu Việt muốn ở trong thơ mình, là tình yêu tin cậy, nồng nàn một cách lịch thiệp và nâng niu. Vì thế mà có những câu:

“Thảm cải trắng tung vào xanh thẳm
Đồi núi nhấp nhô gợi dáng ai nằm”,

“Này bông hoa nhỏ ngậm sương
Long lanh hãy để yêu thương vịn vào”,

“Chiều trắng trắng bay bay
Ngực vầng vầng mây ấm”…

Nhưng thế chưa đủ. Phải có những góc thế sự để phản chiếu ngẫm ngợi, đúc kết của nhà thơ. Mà ở đây, trong nghệ thuật, thi sĩ không nói giống đời. Thi sĩ nói bằng âm thanh riêng để làm giàu thêm suy nghĩ trong đời. Đó cũng là cái quý giá về tinh thần của người nghĩ thơ, làm chữ. Nếu không, thơ sẽ chỉ như một điều kiện vật chất để đủ no, đủ ấm. Ở “Mắt bò” nhà thơ có những liên tưởng giàu trắc ẩn khi nói ai đó đừng xua đuổi bướm đen, bướm nâu, bởi kể cả khi không phải thì vẫn có người tin rằng:
“chúng đang mang trong mình sứ mệnh
chuyển những thông điệp linh hồn
đến địa chỉ nỗi đau”,

hoặc khi nghĩ về tranh họa sĩ Đặng Tiến, nhà thơ cho rằng: 
“Đặng Tiến không vẽ Hải Phòng 
– Hải Phòng đang vẽ ông”, 
hay khi nhìn thấy sự tương phản với người da đen “nghèo
mỏi/ngủ” trên Quảng trường Thời đại “nắng vàng/no đủ”.

Và một khổ thơ nữa gợi những xót xa dai dẳng: 
“Người châu Âu đến chiếm đất này
Đuổi những thổ dân hiền lành đi biệt xứ
Rồi dựng ở đây tượng đài
Về cuộc đời người da đỏ”…

Bởi thế, nếu một phần tập thơ “Mắt bò” là “tỉ tê” yêu đương đắm đuối và lịch lãm, tất nhiên cũng phảng phất một số lần dự cảm, ngẫm ngợi niềm mong manh, chia cách – ngay cả những cái buồn này cũng phải đẹp đẽ, thì phần kia là băn khoăn khôn nguôi về nhiều nỗi uẩn khúc trong đời. Nó cho thấy cuộc sống cất chứa bao nhiêu điều khiến ta không yên lòng, bao nhiêu điều mà ta không muốn thế nhưng nó vẫn diễn ra và đi vượt qua ta. Nhưng để cân bằng lại, từ trong người viết, trong thơ hắt sáng lên cái nhìn điềm tĩnh, để thong thả mang yêu thương đi qua tháng năm, không mỏi mệt, không buồn nản, mà thường xuyên chân thành gắn kết.

Và nhà thơ viết: 
“Để thấy là ta sai
vì mùa thu luôn đúng
trong khuông nhạc thời gian
nhận mình làm dấu lặng”.

Hoàng Hoa

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận