0 

Đọc chuyện gì đọc truyện 60 giây?

Tập “Một phút suy ngẫm” (NXB Văn học và Sbooks vừa ấn hành) của nhà văn Lê Đức Quang gồm các truyện ngắn, được gọi là “Truyện đọc 60 giây”. Hầu hết là chuyện kể, ít có chuyện thành truyện (micro fiction), nghĩa là tính chất hư cấu trong truyện Lê Đức Quang rất ít, thậm chí là không có. Đây là điểm yếu, nhưng đồng thời cũng là thế mạnh của Lê Đức Quang. 

Tôi nghĩ, đa phần độc giả thích đọc nhanh sẽ chọn truyện nhanh (fast story). Và, do nhanh nên nó cần dễ hiểu, cần được hiểu cho đúng, có đầu có đuôi. Và, trong tất cả các phương án, có lẽ không cách nào hay hơn là kể chuyện đời. Về chuyện đời thì Lê Đức Quang một bụng. 

Chuyện một cặp vợ chồng trẻ từng là bạn học thuở hàn vi. Nhưng người vợ nhường ước mơ làm thầy giáo cho chồng, dù chị cũng học giỏi không kém. Anh ra trường đi dạy trường huyện, rồi muốn học lên nữa để được về trường tỉnh, chị khuyến khích anh học tiếp, nhận về mình phần chạy vạy chăm con, vun vén cho chồng. Không ngờ anh ra tỉnh học bằng cấp cao thì cặp bồ với người “cùng đẳng cấp”. Vợ chồng chia tay. Đứa con sau này tình cờ biết được cha mình cũng ở cùng thành phố nên trách móc, thì chị nói: “Đừng giận ba, vì chính mẹ đã hoán đổi giấc mơ đời mẹ cho ba rồi” (Hoán đổi ước mơ). Nhiều, rất nhiều những chuyện như vậy. 

Đó là những chuyện như xảy ra hằng ngày, mà ta không thấy, hoặc ta từng chứng kiến nhưng rồi hững hờ quên nhanh. Lê Đức Quang lại thủ thỉ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện ấy. Không răn dạy hay rút đúc gì. Cũng không triết lý, hay cài đặt gì. Lê Đức Quang cứ thủ thỉ kể. Từ chuyện ấu thơ ở làng quê tới chuyện hôm nay ở phố thị. Chuyện bạn bè. Chuyện mẹ chồng nàng dâu. Chuyện thế thái nhân tình. Tất cả, Lê Đức Quang gói vào từng truyện ngắn, vài trăm chữ, đọc chỉ mất 1 phút là xong. Nhưng thật khó quên. Như một ánh mắt, chưa tới một giây, có khi lại nhớ nhau cả đời. 

Vĩ thanh nào cho truyện ngắn trên cũng đều hay cả. Hay mà nghẹn ngào. Đó cũng là phong cách văn chương của Lê Đức Quang. Anh giỏi lấy nước mắt bạn đọc. Anh thương cảm những phận nghèo. Anh chắt chiu, nâng niu những con người nhỏ bé, khuất lấp, vô danh. Anh đứng về “phe nước mắt”, nhưng không phải để được ngợi ca xưng tụng, mà chỉ muốn mang lại chút ấm áp và nụ cười hồn nhiên mộc mạc.

Trần Nhã Thụy (Nguồn: https://nhandan.vn/baothoinay-vanhoavannghe-docsach/doc-chuyen-gi-doc-truyen-60-giay--672009/).