0 

Dịch giả Phan Quang đắm say cõi mơ mộng nghìn lẻ một đêm

Dịch giả Phan Quang ở tuổi 93 có món quà thú vị là bộ truyện ‘Nghìn lẻ một đêm’ do ông chuyển ngữ, được in lại thành ấn phẩm thẩm mỹ sang trọng.

Nhà báo - dịch giả Phan Quang.

Nhà báo - dịch giả Phan Quang.

Dịch giả Phan Quang là danh xưng hơi lếp vế so với nhà báo Phan Quang. Bởi lẽ, nhắc đến dịch giả Phan Quang thì người biết người không, nhưng nhắc đến nhà báo Phan Quang thì ai cũng biết ông từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin…

Thế nhưng, tài năng của dịch giả Phan Quang cũng không phải dạng vừa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá: “Ở mảng dịch thuật thì Phan Quang có “Nghìn lẻ một đêm”. Và cho tới tận bây giờ đã có mấy chục người dịch rồi, nhưng chưa có bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” nào vượt qua được bản dịch của Phan Quang”.

“Nghìn lẻ một đêm” là tập hợp những truyện kể có nguồn gốc từ những chuyện dân gian kỳ ảo của Ả Rập, Ba Tư, Hy Lạp… được lưu truyền rộng rãi khắp xứ Ả Rập trong nhiều thế kỷ trước khi được ghi lại thành văn. “Nghìn lẻ một đêm” có bối cảnh rộng lớn trải dài từ Đông sang Tây, nhiều chủ đề và nhân vật đa dạng, tình tiết bất ngờ, ngôn ngữ phong phú, nghệ thuật kể chuyện tài tình với kết cấu “truyện lồng trong truyện”, mở ra vô vàn tình tiết hấp dẫn.

“Nghìn lẻ một đêm” đã xây dựng nên một thế giới thấm đẫm màu sắc văn hóa Hồi giáo và bao quát đời sống của người dân Ả Rập, từ thực tại cũng như trong cảnh thần tiên ma quái. Người Ả Rập vẫn cho pho sách này là một tấm gương vĩ đại ai nấy có thể nhìn vào đấy mà suy ngẫm, mà soi xét bản thân mình.

Năm 1704, nhà Đông phương học kiêm dịch giả nổi tiếng người Pháp- Antoine Galland xuất bản phần đầu của dịch phẩm “Les mille et une nuits” (Nghìn lẻ một đêm), dựa trên quyển sách Ba Tư cổ “Hazār Afsān” (Một nghìn truyện), dịch trực tiếp từ ngôn ngữ Ả Rập ra tiếng Pháp. Qua bản dịch của Antoine Galland, độc giả quốc tế lần đầu tiên được biết đến và lập tức say mê những câu chuyện về phương Đông huyền bí trong “Nghìn lẻ một đêm”.

Đáng lưu ý, “Nghìn lẻ một đêm” của Antoine Galland bổ sung một số câu chuyện vốn không xuất hiện trong bản thảo “Một nghìn truyện”, mà được ông sưu tầm riêng từ người bạn Hannah Diab, một người kể chuyện rong. Đó là những câu chuyện nổi tiếng mà ngày nay cả trẻ em lẫn người lớn khắp nơi đều thuộc, như “Alladin và cây đèn thần” hoặc “Alibaba và 40 tên cướp”.

Từ 1704 đến 1782 trong vòng 78 năm, “Nghìn lẻ một đêm” của Antoine Galland được in lại hơn 70 lần khắp châu Âu. Trong điều kiện của thế kỷ 18, phương tiện và kỹ thuật ấn loát thô sơ, công nghiệp giấy chưa phát triển, tỷ lệ người biết đọc và biết viết cũng chưa cao, thì con số phát hành ấy thực sự là một thành công vượt trội. Từ cuốn sách mê hoặc của Antoine Galland, “Nghìn lẻ một đêm” được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Tại Việt Nam, đã có một số bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” được xuất bản, nhưng phổ biến và được yêu thích hơn cả là bản dịch của nhà báo - dịch giả Phan Quang, từ nguyên bản tiếng Pháp “Les mille et une nuits” in năm 1921. Bản “Nghìn lẻ một đêm” của Phan Quang lần đầu ra mắt tại Việt Nam năm 1981, và đã được tái bản chính thức 45 lần cho đến nay.

Ấn bản 'Nghìn lẻ một đêm' năm 2021 dày 1364 trang.

Ấn bản "Nghìn lẻ một đêm" năm 2021 dày 1364 trang.

Dịch giả Phan Quang sinh năm 1928 tại Quảng Trị. Không chỉ có những đóng góp lớn cho báo chí Việt Nam, dịch giả Phan Quang cũng cống hiến cho văn chương Việt Nam một bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” công phu.

Để hoàn thành bộ sách đồ sộ “Nghìn lẻ một đêm”, dịch giả Phan Quang vừa chuyển ngữ, vừa nghiên cứu về văn hóa Ả Rập từ những năm 1970. Dịch giả Phan Quang đã mất 10 năm đắm say trong cõi mơ mộng “Nghìn lẻ một đêm” để có một bản tiếng Việt với đầy đủ những chú giải cần thiết.

Sau 40 năm, kể từ lần in đầu tiên tại Việt Nam, “Nghìn lẻ một đêm” của dịch giả Phan Quang được Nhà xuất bản Văn Học và Công ty Đông A in lại thành một cuốn sách hoành tráng với 1364 trang trình bày mỹ thuật rất ấn tượng.

Bản in "Nghìn lẻ một đêm" này giữ lại đúng nguyên tác toàn bộ tranh vẽ minh họa trong bản in của nhà “Anh em Garnier” phát hành năm 1921, đồng thời bổ sung một số minh họa từ ấn bản tiếng Đức do nhà “Verlag von Emil Strauß” phát hành năm 1897, với mong muốn đưa đến công chúng một cuốn sách sống động về thế giới Ả Rập đầy màu sắc tâm linh.

Tuy Hòa (Nguồn: https://nongnghiep.vn/dich-gia-phan-quang-dam-say-coi-mo-mong-nghin-le-mot-dem-d306482.html).