0 

Đầu trần đi giữa nắng nhân gian…

Vậy là sau bao nhiêu thúc giục, rồi trông ngóng, chờ đợi; vào một ngày tháng 5 giữa hạ, nhà báo, thi sĩ Nguyễn Tiến Thanh cùng lúc ra một cú đúp cho những đứa con tinh thần của mình: tập Chiều không tên như vết mực giữa đời (Nxb Văn học) gồm 20 bài thơ viết rải rác trong thời sinh viên, chủ yếu từ 1985 đến 1989; và tập Loạn bút hành (Nxb Hội nhà văn) gồm 36 bài thơ, viết từ năm 1990 trở lại đây. 56 bài thơ cho 36 năm, tính ra trung bình mỗi năm Nguyễn Tiến Thanh chỉ làm… một bài thơ rưỡi. Riêng điểm này đã cho thấy anh xem thơ như một cuộc chơi của cảm hứng, nếu không cao hứng, không cháy bỏng ắt hẳn không chạm bút gọi thơ về.

 

Chiều không tên như vết mực giữa đời

Vào khoảng những năm 1995-1996, khi còn là một học sinh cấp 3 chuyên Văn, đi trọ học xa nhà, tôi đã được đọc thơ Nguyễn Tiến Thanh trong cuốn sổ chép tay của một cựu sinh viên Đại học Bách Khoa. Hai bài thơ đầu tiên của Tiến Thanh mà tôi đọc được là Điều đó dĩ nhiên rồi và Viết cho đôi mắt đen. Hai bài thơ, nhất là Điều đó dĩ nhiên rồi đã đến với tôi như một “của hiếm” trong những ngày tháng ấy. Giọng điệu thơ khác hằn với các bài thơ cùng thời trên các báo Hoa học tròÁo trắng… Tôi đã thuộc lòng bài thơ một cách dễ dàng và rồi đã “trình diễn” không biết bao nhiêu lần trong suốt thời đi học, trong các cuộc vui, bên các bàn rượu… Giọng thơ say đắm tha thiết, ngôn ngữ lung linh ảo diệu, nhạc điệu ngân nga. Một tình yêu thành thật mà xa xót vì đơn phương, có chút cường điệu đại ngôn nhưng lại rất đáng yêu: Ngày tìm em mây tím cuối chân trời/ Nên có lẽ mùa thu đừng đến nữa/ Trong giông bão tim một lần hóa lửa/ Anh một lần xưng tội với mình thôi/ Với cỏ cây xao xác một thời/ Cơn gió cuốn cánh diều rơi cuối bãi/ Hạnh phúc đến khi ai còn bé dại/ Mây trắng trời khôn lớn trắng bàn tay. Bây giờ khi cầm tuyển tập trên tay, tôi mới biết bản thơ tôi đọc ngày xưa chỉ là một trong những dị bản đã được lưu truyền qua rất nhiều trường đại học của Hà Nội thời đó. Bài thứ hai, Viết cho đôi mắt đen lại có vẻ tươi trẻ, trong sáng pha chút vụng dại ngây ngô của thuở chớm yêu: Ngẫu hứng chiều buông tóc thề mười sáu/ Này mắt đen ơi còn chưa biết buồn/ Em mà kiêu như là hoàng hậu/ Ta rất liều làm tốt sang sông/ Ngẫu hứng công viên ngắt trộm bông hồng/ Chỉ cho vay thôi không thèm tặng/ Ai bảo mắt đen vô tình cứ nhận/ Mai ta bắt đền má lúm đồng xu… Phải 22 năm sau khi đọc hai bài thơ, tôi mới được gặp Nguyễn Tiến Thanh lần đầu trong một cuộc quây quần mấy anh em văn nghệ bên hồ Thiền Quang, nhân dịp tôi vừa ra mắt cuốn tiểu luận Vẻ đẹp của yêu tinh (Công ty Nhã Nam - Nxb Hội nhà văn, 2017). Cuộc gặp mặt hôm đó toàn các anh em xuất thân Văn khoa Tổng hợp: Nguyễn Hồng Hải (k33), Trần Nhật Minh (k34), Đào Hùng (k34), Nguyễn Nhật Anh (k35)… Rượu tầm tầm, tôi đã đọc thuộc lòng say sưa hai bài thơ để tặng Nguyễn Tiến Thanh, có lẽ anh cũng cảm động.

Trở lại với tập Chiều không tên như vết mực giữa đời, còn có nhiều bài hay, câu hay khác trong tập này. Mỗi bài thơ gắn có khi với một câu chuyện, một giai thoại được lưu truyền trong giới sinh viên Văn khoa. Chẳng hạn bài Quỳnh Hương, được viết ra để tặng hai người con gái, một cô tên là Quỳnh và một cô tên là Hương. Thơ Tiến Thanh có nhiều câu xuất thần mang chất bụi đời, lãng tử: Anh mất ngủ ngàn đêm phiêu bạt/Uống cô miên, khất thực, mưa phùn/ Quên, nhớ, tiếc, vỗ đàn và hát/ May mà còn gặp được quỳnh hương…/ Đêm phố xá nhớ về đêm cư xá/ Anh bụi đời đi nhớ một người dưng/Nghe lá vỡ dưới chân mình hun hút/ Ngỡ tóc ai dài hơn cả con đường. Bên cạnh những bài thơ tình (mà có lẽ chủ yếu là thất tình), tập thơ thời sinh viên này cũng có những bài thơ mang cảm hứng xã hội, những suy tư về thời cuộc, số phận con người. Chẳng hạn bài Lời buồn cho em (tặng những em bé Khâm Thiên 12/1972): Một mình anh năm tháng vẫn đi tìm/ Dẫu cỏ mọc xanh mộ phần của mẹ/ Dẫu phố dựng trên gạch vôi tàn phế/ Hạnh phúc nào là hạnh phúc lãng quên/ Rồi mai này bao em bé lớn lên/ Sẽ biết ở nơi đây máy bay thù đã cháy/ Anh đâu dám nói mình từng trải/ Bởi chưa từng đi hết nỗi đau. Nhà giáo – nhà thơ Nguyễn Hùng Vĩ, người thày của cả anh Thanh và tôi đã từng rất ngạc nhiên, sửng sốt về bài thơ Từ Thức của anh Thanh, bởi những suy nghĩ trong đó mang tính dự báo mạnh mẽ, dường như là vượt lên rất nhiều so với sức cảm sức nghĩ của một người ở lứa tuổi sinh viên: Em còn đẹp hơn cánh hoa vô tình làm gẫy/ Sao cửa Phật từ bi nỡ bắt em đền?/ Sau cánh hoa kia là một lần em thấy/ Thói đời vô luân – đâu cũng chốn quan quyền/ Bởi chẳng có ai như em đâu – không hề biết đến tiền/ Em sẽ lấy gì đây mà chuộc lỗi?/ Thôi thì nhận mấy vòng dây trói/ Giữa cuộc đời này còn lắm nỗi oan khiên.

Loạn bút hành

Sau thời sinh viên, chất lãng tử trong thơ Nguyễn Tiến Thanh càng được dịp tung hoành, thoát khỏi cái khuôn khổ của môi trường học đường. Bản thân Tiến Thanh sau 6 năm ở lại trường đại học làm công tác giảng dạy đã bung ra ngoài đi làm báo, dựng lên cả một “đế chế” mang thương hiệu Đời sống và pháp luật. Bài thơ được chọn làm tên chung cho cả tập – Loạn bút hành – mang đầy đủ khí chất và phong cách thơ Tiến Thanh: Ta chẳng dại gì như Kinh Kha/ Nhưng cũng điêu linh lúc nhớ nhà/ Người xưa chống kiếm qua sông Dịch/ Ta vung bút loạn bến Thương hà/ Dẫu có một đi không trở lại/ Thì ta, hề, uống mắt môi xưa/ Ngàn lau đã trắng trời quan ải/ Em ở đâu, hề, không tiễn đưa. Thể thơ hành, ngỡ đã thất truyền từ sau thời Thơ Mới với cac sáng tác nổi tiếng của Thâm Tâm (Tống biệt hành), Nguyễn Bính (Hành phương Nam)… giờ được dịp sống lại ngạo nghễ, khí phách trong thơ Nguyễn Tiến Thanh: Thì em cứ hát lời đơn bạc/ Người đi chí lớn vẫn cơ hàn/ Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát/ Đầu trần đi giữa nắng nhân gian.

Thơ Tiến Thanh, có thể nói tuy làm không nhiều, nhưng đã tạo được một giọng điệu riêng khó trộn lẫn. Anh ưa dùng những từ Hán Việt mà ít người dùng, nhưng quan trọng là đặt vào đúng chỗ để bật lên sức gợi cảm của từ ngữ ấy. Chẳng hạn với một từ cô miên, ta thấy Nguyễn Tiến Thanh viết: Đưa thương về cuối cô miên/ Tóc mưa thăm thẳm rủ trên siêu hình (Đưa), Đó không phải là một giấc cô miên dài dằng dặc/ suốt con đường gió thổi nghiêng (Ngủ quên trên vai hoàng hôn), Bây giờ xa lắc đam mê/ Giấc cô miên, lời niệm khúc/ Rượu nửa đêm, quán vỉa hè/ Dấu chân thiếu thời phiêu bạt (Lữ hành). Anh có những câu thơ ấn tượng bởi có các cặp đối ngẫu song hành trong cùng một dòng thơ, gợi nhiều liên tưởng dư ba. Nếu như thời sinh viên, Tiến Thanh từng viết: Đêm phố xá nhớ về đêm cư xá/ Anh bụi đời đi nhớ một người dưng, một câu thơ được nhiều người nhớ; thì đến thời kỳ sau, anh lại có các câu như: Mưa nắng trĩu vai, bụi đời du tử/ Anh hoang vu như gió hoang đàng…/ Thương nhớ vô thanh, cô độc không lời…/ Nắng vơi chiều thú tội trước tà dương (Chiều thật buồn riêng của anh thôi). Các cặp hoang vu/ hoang đàng, vô thanh/ cô độc, nắng/ tà dương… quấn bện xoắn luyến vào nhau, tạo ra một cường độ trùng điệp trong cảm xúc.

Tiến Thanh cũng không ngại đưa chất khẩu ngữ táo bạo, phá cách vào câu thơ: Anh sợ vãi những chiều xa lặng lẽ (Chiều thật buồn riêng của anh thôi), Vãi lều chưa – một tiếng đàn (Đàn đêm). Những từ ngữ tiếng Anh xuất hiện trong câu thơ của anh thật nhuần nhị, góp phần tạo ra một phong vị trẻ trung của thời 4.0: Người về chém gió trên “phây”/ Thì ta xõa tóc ngang mây cuối đèo/ Tháng năm trôi lá bay vèo/ Post lên mực tím ngập chiều phố xưa/ Người về nắng tắt mưa thưa/ Những comment cắt qua mùa không tên (Facebook 1). Thể loại mạnh nhất của Tiến Thanh theo tôi là những câu thơ 7-8 chữ, nhưng nhiều lần anh vẫn khiến chúng ta sửng sốt bất ngờ về những câu lục bát: Thiên thu lạc lối chân trời/ Ngàn năm khất thực những lời trăm năm (Facebook 1), Môi siêu thực, mắt đa chiều/ Ném hư vô nhớ vào phiêu lãng trời (Ném hư vô nhớ vào phiêu lãng trời), Đưa Tôi về cuối chân trời/ Dòng sông tuổi dại đã vời vợi xa (Đưa). Trong tập Loạn bút hành, đôi khi gặp lại những câu thơ trong veo như một thuở hoa niên đôi tám: Nhưng anh biết cỏ mùa thu bất tử/Bởi cơn mưa dằng dặc cuối chân trời/ Những khô khát bật mầm trên ruộng cũ/ Cỏ dịu hiền, biếc nõn tuổi hai mươi (Rồi có thể cỏ mùa thu sẽ úa). Chất lãng tử du ca là hồn cốt của Tiến Thanh, gọi về cho anh những câu thơ tài hoa, làm người đọc hòa theo không gian và cảm xúc của tác giả: Chiều gieo chút nắng tàn như cỏ dại/ Tà dương này mấy độ hoang vu/ Không thể cắt bơ vơ bằng liềm hái/ Ta phơi mây trên những đỉnh sương mù (Sa Pa).

Bài thơ được viết mới nhất trong tập Loạn bút hành, theo tôi biết là bài Tháng Tư, một bài thơ trong mùa Covid. Một năm Tiến Thanh chỉ làm đôi bài thơ, có những năm không viết bài nào, nhưng chất du tử lãng đãng hào hoa của anh vẫn in bóng vào từng câu chữ. Và những câu thơ mà tôi dẫn sau đây, cho ta thấy thêm một góc khác của con người Tiến Thanh: Lãng tử mà vẫn đầy trách nhiệm công dân, vẫn nghĩ suy đồng hành rung cảm cùng những biến động, sự kiện thời cuộc. Và thơ anh chưa bao giờ hết một niềm tin: Tôi nhớ lắm trời xanh và mây trắng/ Trời của mùa, mây của gió mà thôi/ Cà phê đắng – rơi đi – thời gian đắng/ Từng giọt buồn hạnh phúc quanh tôi…/Nếu tất cả đã không còn nguyên vẹn/ Tháng Tư này không giống giấc mơ xưa/ Sao không thể hát lên lời cầu nguyện/ Hết mưa phùn, rồi sẽ lại… tháng Tư.

Đỗ Anh Vũ ( Nguồn Văn nghệ số 23/2021)