0 

Đằng sau những cuốn sách bán chạy nhất

Best-seller (sách bán chạy nhất) là bảng xếp hạng dựa trên doanh số bán ra của một cuốn sách, thông thường do một tờ báo hoặc hiệp hội xuất bản nào đó đứng ra thống kê. Lịch sử các bảng thống kê best-seller ra đời lần đầu tiên năm 1895, với vai trò sáng lập của tờ Publisher Weekly. Tuy nhiên, hiện nay bảng thống kê best-seller uy tín nhất tại Mỹ vẫn thuộc về tờ The New York Times. Ngoài ra, còn có thể kể đến danh sách best-seller của Publisher Weekly, USA Today, Book Sense, Amazone…

Các nước cờ truyền thông

Dù chỉ là một danh hiệu không có tính hàn lâm và được tôn vinh như Nobel, nhưng best-seller lại quyền uy đối với cả người đọc và người sáng tác. Người đọc phổ thông có thể e dè với một tác giả Nobel bởi tính hàn lâm và khó tiếp nhận, nhưng họ thường dễ dàng bị thuyết phục bởi danh hiệu best-seller, bởi đây là lựa chọn của cả cộng đồng rộng lớn mang tính quốc gia hoặc quốc tế.

Công trình khảo cứu The Making of a Bestseller (Để làm nên một best-seller) của Brian Hill và Dee Power đã chỉ ra rằng, nếu muốn vươn lên vị trí này, các tác giả bắt buộc phải được một nhà xuất bản hoặc một tổ chức truyền thông nào đó chi phối, lên kế hoạch tỉ mỉ ngay từ khi xây dựng ý tưởng. Đầu tiên, họ phải có một đại diện có uy tín - người sẽ thuyết phục một nhà xuất bản chấp nhận đỡ đầu. Nhà xuất bản sẽ có những biên tập viên được cử ra nhằm thảo luận, chi phối tác giả trong suốt quá trình viết. Sau khi tác phẩm đã in xong là một loạt chiêu quảng cáo, các bài phỏng vấn, những buổi giới thiệu và ký tặng sách…

Để tạo ra best-seller, ở Mỹ có những tờ báo, ấn phẩm chuyên về phê bình có đặc quyền đọc tác phẩm trước khi nó chính thức xuất bản. Kirkus Review (ra đời 1933) - tạp chí bán nguyệt san chuyên về phê bình mỗi ngày tiếp nhận 200 đầu sách chưa phát hành từ các nhà xuất bản, nhưng chỉ chọn ra hơn 20 đầu sách để tiến hành phê bình. Đối với tờ New York Times Book Review, khi nhận được một bản in trước xuất bản gửi đến, Ban biên tập xem xét cuốn đó có đáng phê bình hay không.

Trong lĩnh vực truyền hình, từ năm 1996-2002, Oprah Winfrey đã giới thiệu 44 tựa sách người lớn và 3 tựa sách thiếu nhi. Kết quả là 43 cuốn trong số đó đã lọt vào danh sách best-seller trong ít nhất 10 tuần.

Mẫu số chung là PR

Trước câu hỏi "Làm thế nào để tạo ra được một cuốn sách best-seller?", nhà văn Harlen Coben (tác giả của Tell No One - Đừng nói một ai) từng viết: "Nếu có người trả lời được câu hỏi này, họ đã trở thành tỷ phú tới 20 lần!". Có thể nói, ít ai dám khẳng định chắc chắn rằng một cuốn sách rồi sẽ bán được bao nhiêu bản và có trở thành best-seller hay không.

Tuy nhiên, khi tổng kết lại những cuốn sách đã thành công, người ta vẫn thấy có một vài yếu tố chung. Đôi khi, một cái bìa đẹp, một tựa đề khiêu khích, một đề tài câu khách hay một văn phong hấp dẫn vẫn chưa đủ cho một cuốn sách trở thành best-seller khi thiếu đi một thứ quan trọng - đó là PR.

Thực tế cho thấy, việc bộ sách Harry Potter của J. K. Rowling được "chăm sóc" rất kỹ và được Hollywood dựng thành phim là một trong các yếu tố quan trọng khiến nó bán rất chạy.

Ngoài ra, truyền miệng là công cụ hữu hiệu để tạo nên thành công của một cuốn sách. Ở Việt Nam, một số cuốn sách lấy từ blog như Chuyện tình New York thành best-seller bởi người đọc đã kháo nhau về nó ngay từ khi đọc trên mạng. Dù người chê nhạt, kẻ khen hay, thì cuối cùng cuốn sách đó vẫn đắt khách.

Best-seller chưa hẳn là hay nhất

Có lẽ, không có cơ sở nào để chứng minh hai khái niệm "bán chạy nhất" và "hay nhất" là đồng nhất. Bởi vì, "bán chạy nhất" đôi khi chỉ phản ánh tính thời thượng còn "hay nhất" nói về giá trị của cuốn sách. Có nhiều sách nằm trong danh sách "10 tác phẩm hay nhất của mọi thời đại"(tạp chí Time) như Hamlet của Shakespeare, Chiến tranh và hòa bình của Leo Tolstoy... nhưng không phải là best-seller thời nay. Ngược lại, có nhiều sách best-seller nhưng lại không níu giữ được người đọc đến trang cuối.

Mới đây, Tiến sĩ Jordan Ellenberg (Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ) đã công bố trên tờ Wall Street Journal kết quả nghiên cứu của mình về sách. Jordan Ellenberg đã lập ra một chỉ số gọi Hawking Index (HI) để tính những đoạn văn được gạch chân, trích dẫn nhiều nhất trong các cuốn sách nổi tiếng. Với cách tính này, chỉ số HI càng thấp thì sách đó càng ít được đọc. Danh sách với chỉ số HI thấp có không ít các tác phẩm best-seller trên Amazon như sách kinh tế Capital in the Twenty-First Century (Tư bản trong thế kỷ XXI) của Thomas Piketty, A Brief History of Time (Lược sử thời gian) của Stephen Hawking, sách tâm lý Thinking Fast and Slow (Nghĩ nhanh và chậm) của Daniel Kahneman…

Trong khi, tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer The Goldfinch của nhà văn Donna Tartt có chỉ số HI 98,5%, được "đọc từ trang đầu đến trang cuối", thì cuốn Lean In (Dấn thân) của nữ điều hành Facebook Sheryl Sandberg lại không lôi cuốn được người đọc như mong đợi, hay Fifty Shades of Grey (50 sắc thái) của E.L.James bán rất chạy nhờ được truyền thông thổi bùng nhưng ít người đọc được hết 3 tập sách này.

HÀ ANH (tổng hợp)

Nguồn: Thế giới và Việt Nam

Ảnh: downloadsach.com 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận