0 

Chuyện làng quê một thuở - Cuốn sách đánh thức hồn quê, hồn làng

Nhân đọc cuốn sách Chuyện làng quê một thuở, Lê Hữu Tỉnh, Nxb Văn học, 2021.

Nhà xuất bản Văn học mới cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Chuyện làng quê một thuở của tác giả - nhà giáo Lê Hữu Tỉnh. Sách 144 trang, gồm 34 bài viết dưới dạng tản văn, đoản văn. Các bài viết tập trung khắc họa, tái hiện hình ảnh, diện mạo, những nét đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc Bộ vào những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Trong Lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Từ cảnh quê, vật dụng, món ăn đến cách làm ăn và cả phong tục của người dân quê… đều được tái hiện sinh động trong từng trang sách (như ao làng, đình làng, chùa làng, đường làng ngõ xóm, nhà cửa ruộng vườn, cổng làng, cổng nhà, mái rạ, chum tương, vại cà, ao rau muống, bánh gio, bánh gai, rượu làng Hạ, cháo ăn bằng đũa…; cả những phong tục đẹp, những thú chơi tao nhã của người dân quê…). Đó là những vẻ đẹp của làng quê đã được cha ông truyền lại và lưu giữ từ ngàn đời. Chính nó đã làm nên hương vị, sắc màu làng quê Bắc Bộ của chúng ta”.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân cũng chia sẻ những cảm nhận khi đọc cuốn sách này: “Cuốn sách là tiếng gọi vừa tha thiết vừa day dứt của kí ức về một làng quê cũ trước những thay đổi khôn lường của xu hướng đô thị hóa. Tác giả của nó, nhà giáo Lê Hữu Tỉnh, bằng một giọng văn dung dị và cảm động đã đánh thức cảm xúc của những người con xa quê, để một lần nữa ta như được sống lại với những bờ tre, giếng nước, với mái đình, sân chùa và một dòng sông đã chìm vào quá khứ hư thực của thời gian… Hơn 100 trang sách đã toát lên cái hơi thở bồn chồn về tình yêu quê đau đáu của tác giả”.

Về đề tài làng quê, ký ức về làng quê xưa, gần đây có một số ấn phẩm được ra đời từ các nhà xuất bản và cả những bài viết xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Phạm Quang Long viết Chuyện làng (Tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân). Tạ Duy Anh có cuốn sách ấn tượng Làng quê đang biến mất (Bình luận xã hội, NXB Hội Nhà văn). Chuyện kể về làng quê người Việt là cuốn sách của Chu Huy (Khảo cứu văn hóa dân gian, NXB Giáo dục)… Trên các trang mạng xã hội, người ta mở các mục “Chuyện làng quê”, “Làng quê xưa”… tập hợp các bài văn, bài thơ viết về đề tài làng quê… Một bức tranh đa dạng sắc màu về làng quê Việt xưa và nay.

Nhưng tiếp xúc với những bài tản văn trong Chuyện làng quê một thuở của tác giả Lê Hữu Tỉnh vẫn thấy có những nét riêng thú vị. Tôi đã đọc một cách hào hứng những trang viết dung dị nhưng đầy hấp dẫn của cuốn sách. Sở dĩ cuốn sách xinh xắn, mỏng mảnh này có sức lôi cuốn người đọc, một phần do các mẩu chuyện quê được viết với một giọng văn giản dị, đôn hậu, giàu xúc cảm, bàng bạc chất thơ… “Tác giả đã thả hồn mình vào từng trang sách, từng kỉ niệm, tạo nên nét riêng của văn ông, một giọng văn trau chuốt và đầy biểu cảm” (nhà văn Nguyễn Trí Huân).

Đọc những bài tản văn này, độc giả có tuổi thì hồi nhớ, hoài niệm, sống lại với những hình ảnh, vẻ đẹp của làng quê xưa. Độc giả trẻ tuổi thì hiểu hơn về gốc tích, nguồn cội, tránh mất gốc, đứt đoạn. Có thể coi cuốn sách là sợi dây kết nối những giá trị truyền thống với xã hội hiện đại. Không chỉ có thế, cuốn sách còn đặt ra những vấn đề liên quan tới việc quy hoạch, hiện đại hóa nông thôn ngày nay. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa là: “Làm sao có được sự hài hòa, vừa tạo dựng được vóc dáng mới cho các làng quê, vừa lưu giữ được những vẻ đẹp đã làm nên bản sắc, hồn vía của làng quê Việt Nam”. Nhà văn Đức Ban trong bài Đích đến của nông thôn mới phải là văn hóa (Tạp chí Nhà văn và cuộc sống số 1/ 2021- bộ mới), cũng viết: “Từ những nét văn hóa đặc trưng từng sống trong kí ức, từng thao thức trong tâm hồn người nông dân bao thế hệ như lối ngõ, lũy tre, cây đa, bến nước, sân đình, câu hò, điệu ví… đến một đình làng, một ngôi chùa, một làng nghề, một trò chơi dân gian, một món ăn, thức uống, phong tục tập quán… mà điều chỉnh, mà chọn lựa những giá trị phù hợp, loại bỏ những cái lỗi thời để kiến tạo làng/ nông thôn mới… trên quan điểm văn hóa là gốc rễ, là mục tiêu của Làng/ Nông thôn mới”.

Chuyện làng quê một thuở - “một cuốn sách đánh thức hồn quê, hồn làng, đánh thức tình yêu quê hương xứ sở vốn tiềm ẩn trong đáy sâu tâm thức của con người. Và vì thế, nó là cuốn sách hữu ích, rất đáng quý đối với bạn đọc, nhất là với thế hệ những người lớn lên từ làng, ra đi từ làng” (nhà văn Nguyễn Trí Huân).

Th.S Phạm Văn Hệ (Nguyên Trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương). 

(Nguồn: https://baomoi.com/chuyen-lang-que-mot-thuo-cuon-sach-danh-thuc-hon-que-hon-lang/c/40044539.epi).