0 

Chu Thùy Anh...đã xanh

Những chuyện đời riêng, tâm thế cô đơn và những lắng đọng nghĩ suy không dễ thấy trong số phận của Thùy Anh, vì thế, đã được chính Thùy Anh trang trải, giải tỏa trong văn chương, với lối viết truyện rất… xanh.

 Khởi đi từ cái viết...truyện ngắn

Không ngẫu nhiên, tập truyện ngắn thứ 2 của Chu Thùy Anh mang tên "Xanh", cũng là tên một truyện trong tập này, của một nữ tác giả trẻ, quê gốc Hà Nội, sinh năm 1985.

Sắp tới, NXB Văn học cho ra mắt tập truyện ngắn, khoảng 500 - 600 trang, lọc từ tờ Lao Động cuối tuần, trong vài thập niên, do nhà báo Đỗ Quang Hạnh, nguyên phụ trách tờ Lao Động cuối tuần tuyển chọn. Mỗi tác giả, theo tiêu chí của người tinh tuyển, chỉ được chọn một truyện và không phải tác giả nào cứ được đăng trên Lao Động cuối tuần, là được chọn. Trong số đó, có một truyện Chu Thùy Anh được chọn, mà người chọn đã không hề phải cân nhắc!

Hàng chục năm về trước, khi báo Lao Động cuối tuần đổi từ khổ lớn sang khổ nhỏ, tôi được mời, cùng Đỗ Quang Hạnh, thay phiên viết lời dẫn (sapo) cho truyện ngắn được chọn. Sapo đăng cùng trang văn bản truyện, kèm chân dung tác giả, được họa sĩ vẽ phiếm, rất ngộ, và rất giống.

Tất cả những "phụ kiện" thú vị, độc đáo này đã được giữ nguyên và được tập hợp trong tập truyện ngắn mới lạ, mang tên "Truyện ngắn Lao Động cuối tuần" của NXB Văn học sẽ ra mắt nay mai. Chu Thùy Anh là tác giả được phát hiện cách đây hàng chục năm. Ngay từ đó, tôi đã viết sapo cho truyện Thùy Anh hơn một lần, với nhiều thiện cảm. Mãi đến mùa hè 2016, tôi mới được tường mặt cô tại quán Nga, Giấc mơ nhỏ, trên con phố hẹp Phạm Sư Mạnh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thì ra, đây là một thiếu phụ dễ thương, trẻ đẹp, phong cách ứng xử đặc hiệu Hà Nội, được cha mẹ cho học hành tử tế, từ học sinh Trường Kim Liên, sau sang Pháp du học, rồi về Viện Vật lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công tác, với bằng Tiến sĩ Vật lý, bảo vệ thành công luận án tại chính Viện này. Đã lập gia đình, đã ly hôn và đang sống với con gái duy nhất, sinh 2008, và ở cùng nhà bố mẹ tại Hà Nội.

Cuộc chuyện trò lần đầu, nhưng đã rất thân tình. Có lẽ bởi chúng tôi có chung mẫu số: chỉ có một cô con gái. Sau ly hôn, đều thích sống tự do độc lập, chẳng mặn việc đi bước nữa… Những chuyện đời riêng, tâm thế cô đơn và những lắng đọng nghĩ suy không dễ thấy trong số phận của Thùy Anh, vì thế, đã được chính Thùy Anh trang trải, giải tỏa trong văn chương, với lối viết truyện rất… xanh, giàu tâm trạng riêng, của một cái tôi luôn đắm mình trong cái riêng tư của mình và tìm đến truyện ngắn như một cách để độc thoại, để được giấu mặt trong chữ nghĩa văn chương vốn là phương tiện phi vật thể.

Chính vì vậy, sự độc thoại này, tự nó đã được lên hương bởi chính thể loại truyện ngắn mà nữ tác giả này lựa chọn để gửi gắm, để tự tình. Chính bởi thế, chữ nghĩa của truyện ngắn Thùy Anh đã mang đến cho người đọc một cuộc đối thoại vừa buồn bã, khắc khoải lạ biệt, lại vừa ý vị và êm đềm…

 Cái viết của Thùy Anh, vì thế, đã thật...xanh

Tên Chu Thùy Anh do bố mẹ đặt vậy, nhưng khó gọi tên Anh hoặc Thùy Anh trong đời thường. Có lần, họa sĩ Lê Thiết Cương được đặt vẽ bìa cho cuốn truyện thứ ba (dự định ra mắt) của Chu Thùy Anh. Tôi hỏi Cương xong chưa, thì Cương thản nhiên bảo, em đã vẽ bìa cho Xanh.

Từ đấy, tôi và Cương, và lây lan bạn bè, đều gọi Chu Thùy Anh bằng cái tên ngắn và rất ngộ: Xanh. Tôi vỡ lẽ: Chu Thùy Anh đã được gọi đúng tên, tên người hệt như tên truyện của Chu Thùy Anh: Xanh.

Bìa tập truyện ngắn "Xanh", NXB Văn học, 2016

Chu Thùy Anh đã… Xanh, từ cái nhìn ngắm cuộc đời đương mải miết trôi; trong thân phận chính mình, trong thân phận người thân, kẻ sơ xung quanh, như đang cuốn theo chiều gió của cuộc sống hằng thường mà ai cũng phải trôi nổi đẩy đưa.

Từ đó, là sự khởi đi của cái viết truyện ngắn, của một người ham thích kể chuyện mình, chuyện đời, và hồn nhiên chuyển hóa thành cái viết, mang nguyên một giọng kể độc đáo của Thùy Anh, rất khó lẫn với ai khác, cũng viết truyện ngắn như mình...

Tôi bỗng nhớ cái cách tôi chọn đọc và viết sapo cho truyện Chu Thùy Anh. Cách ấy, với tôi, đã như một phát hiện của chính mình, với tư cách người đọc, đó là: Đọc truyện Chu Thùy Anh phải… đọc chậm. Thật chậm. Và bây giờ, trí nhớ tôi lập tức trở lại một lời dẫn của chính mình ngày trước, cho một truyện của Thùy Anh, và đã thành đề từ cho tập truyện đầu tay của chính cô: Vé một chiều. Ngày ấy tôi viết: Bây giờ, tôi đã thuộc tác giả, không chờ đến đọc tên, cũng biết là truyện ngắn Chu Thùy Anh.

Với phong cách riêng. Tinh tế xa xăm mà gần gũi thân thuộc. Ý tứ nén chặt, đong đầy dưới một giọng kể thì thầm, mơ hồ, song thật lay động tâm trí - không dễ lay động của người đọc hôm nay. Tôi không tin Chu Thùy Anh muốn bảo ban, gợi ý ai đó cách đọc, mà đủ tự tin để người đọc tự do chọn cách đọc tâm đắc với truyện của mình. Đó quả là cách viết nghiêng hẳn về trí tuệ và thật dân chủ…

Tôi nghĩ Chu Thùy Anh đã ý thức rất rõ về sự lựa chọn một cái viết rất phải chăng với thể tạng mình, cái viết truyện ngắn. Mà cốt lõi thâm sâu của nó là khát khao muốn kể chuyện, chuyện mình, chuyện đời mà mình đã thấy, đã cảm, đã yêu, đã đau đớn, xót thương… và muốn thu nạp tất cả những trạng thái này vào truyện ngắn, và phải là truyện ngắn, chứ không phải bất cứ thể loại văn chương nào khác.

Bản thân cái viết ấy, bỗng nhiên, đã trở thành nơi ẩn náu an yên cái nội tâm thẳm sâu của cô và chính nó, cũng lại là nơi phô ra cái rực rỡ ánh ỏi của tâm trạng cô trong chính sự thẳm sâu ấy.

Tôi ngờ rằng, sự vận hành vẻ đẹp nhị nguyên oái oăm ấy của cái viết của chính mình, đã không ngừng ám ảnh Chu Thùy Anh và cứ tự nhiên chuyển hóa thành nội lực tự sinh của người như tình cờ lạc vào văn chương truyện ngắn.

Chu Thùy Anh đã hồn nhiên đến mức, cô không hề tuyên ngôn ồn ào về cái viết của mình, như vài nhà văn thích lập ngôn văn chương, hơn là chăm chú viết văn. Vậy nên, Thùy Anh đã không tạo lập cái viết của mình theo cách một nhà văn chuyên nghiệp.

Cuộc sống cứ như từ từ chạm khẽ và tự lên hương trong trực giác bén nhạy và tươi tắn của cô, khiến cô không thể trì hoãn nhu cầu viết. Viết để kể chuyện, trước hết cho chính mình, về những va đập ấm nóng từ diễn biến xanh li ti bất tận của dòng sông đời sống, bao giờ cũng xanh, ào ạt và dào dạt cuộn chảy quanh mình.

Chính dòng sông đời sống ấy đã chảy trôi thấm thía qua trực giác thật xanh, thật ấm và thật tình của Chu Thùy Anh, và vì thế, truyện của cô đạt đến ngưỡng của vẻ đẹp ngôn từ giản dị, của sự không vụ lợi, không cố mua chuộc thiện cảm của độc giả…

Chu Thùy Anh quả thật giản dị trong đặt tên và dựng tình huống truyện. Tập "Xanh", gồm 18 truyện, thì chỉ 2 truyện được đặt tên dài 5 đến 6 chữ: "Chẳng hẳn là chuyện tình", "Ngồi trước biển và ăn pizza". Và 2 truyện tên 3 chữ: "Trà của mẹ", "Nhà màu Xanh".

Còn lại, là tên rất ngắn: 9 truyện tên 2 chữ: "Bạn bè", "Gói bánh", "Mèo mướp", "Tất niên", "Ngủ trưa", "Về nhà", "Sinh nhật", "Tuổi trẻ", "Hàng xóm", (truyện này đoạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ, 2011-2013). Cuối cùng là tên 1 chữ, cho 5 truyện: "Cờ", "Đi", "Cát", "Xuân" và "Xanh", truyện cuối cùng, được đặt tên cả tập truyện "Xanh".

Dưới những cái tên ngắn ấy, là những tình huống giản dị, như vô tình lấy ra từ đời sống: uống trà mẹ cho, ngủ trưa, gói bánh chưng Tết, ăn pizza, về nhà, ngắm nghía một chú mèo mướp, quan sát mấy đôi dép đặt ở bậc thềm hàng xóm…

Nhưng, vượt lên trên những tình huống ấy, là một cái nhìn đổ đầy tâm trạng riêng của người viết, dẫn đến một cách kết cấu truyện là sự xâu chuỗi những chi tiết - tâm trạng của người viết.

Thí dụ truyện "Xanh", được thiết kế trên tình huống: nhân vật nữ chính thích một bộ rèm cửa màu xanh. Và thích nhìn người qua lại dưới sân nhà qua bộ rèm cửa xanh ấy. Nhìn và cô đơn trong phòng khép kín, nên đã chỉ nghe tiếng chân hàng xóm. Rồi nhân vật chính thích bôi xanh cả căn phòng, và cuối truyện thì cô đã phải lòng một bước chân hàng xóm, trong vài bước chân khác, với đặc điểm "phải trái không đều" qua cái nghe của mình.

Tâm trạng này xui khiến cô sơn nốt cả cánh cửa vào phòng mình màu xanh, để sống như trong một cái hộp xanh, lặn vào một thùng xanh, thở không khí xanh. Nhưng kết cục thật buồn, Mai, nhân vật chính, khi lao ra cửa để gặp người có bước chân ấy, đã không nói được lời nào và cười một nụ nào. Bỗng dưng Mai xanh dần, màu xanh lan từ ngón tay út bàn tay trái, ra toàn bộ cơ thể. Màu xanh. Lơ. Và quên hết những gì định nói…

Bác sĩ khám và kết luận rằng Mai bị bệnh ngộ độc màu xanh. Blue

Qua truyện này, thì thấy rõ vẻ đẹp nhị nguyên của tình huống truyện Chu Thùy Anh, phảng phất vị hương của một lối viết truyện ngắn không cốt truyện.

Tôi thích cách viết ấy của Chu Thùy Anh, bởi cách viết ấy thật nhẹ và cũng thật thấm trong sắc Xanh riêng của cây bút đầy nữ tính này, trong màu blue thật trong trẻo và quyến rũ… 
 

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận