0 

'Chân dung' một vùng văn hóa qua 'Gừng xứ Nghệ'

"Gừng xứ Nghệ" là một cuốn sách độc đáo. Có lẽ đây là một cuốn sách hiếm hoi, viết về những danh nhân văn hóa đất Nghệ Tĩnh, nhưng tác giả lại không phải là người-Nghệ-Tĩnh. Nhưng như vậy hóa thành hay, từ điểm nhìn của một “người ngoài-Nghệ,” sau những chân dung cá nhân, lại bừng lên “chân dung” của một vùng văn hóa.

    Chân dung học thuật – chân dung văn hóa

    Gừng xứ Nghệ (Viện Nhân học Văn hóa & Nxb Văn học, 2022) là một bức tranh “lạ” về vùng văn hóa xứ Nghệ, được tạo dựng từ hai mươi chân dung nhân vật người-Nghệ thông qua ngòi bút của một người không-Nghệ, Đỗ Lai Thúy. Ngoài phê bình văn học và văn hóa, thì chân dung học thuật cũng là một sự viết sắc sảo của Đỗ Lai Thúy, bởi thế, Gừng xứ Nghệ tiếp tục mạch nối đã bắt đầu từ Chân trời có người bay (Nxb Văn hóa Thông tin, 2003) và Vẫy vào vô tận (Nxb Phụ nữ, 2013).

    Chân dung tác giả Đỗ Lai Thúy trong mắt họa sĩ Phan Thiết.

    Từ trước đến nay, người ta hay quan niệm chân dung được khắc họa qua ngòi bút, thay vì cọ vẽ, theo hai lối. Lối viết thứ nhất, mang tính chất tiểu sử, liệt kê thân thế sự nghiệp và đánh giá khái quát thành tựu lẫn công lao của người được viết, có tác dụng cung cấp tư liệu. Lối thứ hai, cận văn học và sinh động hơn, mang tính kể chuyện, nghĩa là chia sẻ những câu chuyện cá nhân, thậm chí là giai thoại, về đối tượng được viết. Các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ với cá tính sáng tạo độc nhất, trở thành đối tượng lý tưởng của lối viết chân dung này. Viết chân dung thành công ở chỗ phải tái hiện, nhận diện và khẳng định được cái riêng cũng như đóng góp của nhân vật, đồng thời thông qua một lối kể duyên dáng, thu hút, không sa đà vào đời tư.

    Đỗ Lai Thúy viết chân dung tương đối khác, bởi thay vì viết chân dung tiểu sử hay kể chuyện thuần túy, ông viết chân dung học thuật. Những nhân vật được ông lựa chọn viết, đều phải có vấn đề, cơ bản là tiếp cận từ vấn đề học thuật, có tư tưởng, và hơn nữa, bị đặt vào những hoàn cảnh đặc biệt để bộc lộ những tính cách đặc biệt, thân phận đặc biệt. Họ có thể là những trí thức, nhà khoa học, học giả, tác gia có dấu ấn đậm nét trong hành trình tư tưởng và sáng tạo của dân tộc. Và, những chân dung nhân vật tưởng như riêng lẻ này, khi ráp nối lại với nhau, lại như những mảnh ghép để cho thấy bức tranh văn hóa thời đại, khi thì đầy biến động, khi thì bị đặt vào tình thế chuyển đổi.

    Gừng xứ Nghệ là một sự ngoài chủ ý của Đỗ Lai Thúy, bởi chủ đích ban đầu của ông không phải là viết một cuốn về xứ Nghệ. Trái lại, đây là kết quả của những sự hạnh ngộ trên hành trình viết của ông. Khởi phát từ vấn đề học thuật và khoa học, hay từ một thi cách/ văn cách sáng tạo đến nhân cách thú vị, hoàn toàn bất luận về nguyên quán, Đỗ Lai Thúy đã tình cờ gặp gỡ và viết về những nhân vật văn hóa xứ Nghệ. Cá tính khoa học lẫn ứng xử của họ đã để lại trong Đỗ Lai Thúy ấn tượng sâu đậm. Và dường như, giữa họ, ông đã kết nối được một mã văn hóa chung, một mẫu số chung, đó là đất Nghệ.

    Bìa sách Gừng xứ Nghệ.


    Vùng văn hóa xứ Nghệ

    Giữa con người, văn hóa, và lãnh thổ địa lý có một mối tương liên gắn kết bền chặt. Cũng có thể gọi đó là một mối “lương duyên” của lịch sử. Bởi, một khu vực địa lý, sẽ là môi trường phát lộ, di dưỡng, bảo lưu và truyền bá văn hóa, và những giá trị cốt lõi của văn hóa sẽ được hun đúc trong con người của khu vực văn hóa này, kết tinh thành những cá nhân tiêu biểu là hiện thân của văn hóa. Ở chiều kích ngược lại, một khi con người nhận diện được mình trong văn hóa và khu vực mà người này cư trú, sẽ trỗi dậy cảm xúc “thuộc về” và ý thức được căn cước thân phận mình.

    Những nhân vật trong Gừng xứ Nghệ, cho dù có thể đã được biết/ viết đến nhiều, nhưng dưới cái nhìn nghiêng của Đỗ Lai Thúy, lại cho thấy tầm vóc và cống hiến mới, và từ những kiến giải riêng dựa trên cơ sở khoa học của ông.

    Ở Việt Nam, người ta hay dùng từ xứ, chẳng những để quy định đơn vị hành chính, mà sau còn là cả địa – văn hóa. Bởi thế nên mới có những cái tên xứ Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, xứ Sơn Nam, xứ Thanh, xứ Huế, xứ Quảng… xứ Nghệ là một trong số đó. Vùng văn hóa gắn liền với núi Hồng, sông Lam này, có địa phận tương ứng với lãnh thổ hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh nay, đã sản sinh ra nhiều danh nhân lịch sử – văn hóa nổi tiếng trong suốt chiều dài lịch sử Việt.

    Đỗ Lai Thúy đã khái quát xứ Nghệ là một vùng văn hóa đặc sắc, cũng như kiểu con người đặc thù vốn là sản phẩm của nó: “Mảnh đất cát sỏi, khí hậu cay nghiệt, dân cư là hậu duệ của những người lính thú, người khai phá đất mới, kẻ lưu đày đã tạo nên được một tính cách địa phương đến nay còn lưu giữ nhiều tố chất cổ sơ của người Việt. Vùng sông xanh núi đỏ này, vừa thu giữ, vừa khai phóng, đã đẻ ra cho đất nước nhiều nhân tài văn hóa, những thầy đồ Nghệ” (tr. 310). Đương nhiên, vùng đất đặc thù cũng sẽ kiến tạo nên một căn tính đặc trưng, tính cách Nghệ: “bền bỉ kiên cường, bất khuất đến duy ý chí, ham học, thích làm giàu, làm quan, nhưng cũng không kém phần mơ mộng” (tr. 6).

    Hai mươi chân dung văn hóa Nghệ

    Gừng xứ Nghệ là tập hợp chân dung của hai mươi nhân vật xứ Nghệ, ngoại trừ điểm chung cố kết là xuất xứ, thì chứa đựng đủ bản diện và sắc thái, ở nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn hóa, triết học, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật... từ trung đại, cận đại đến hiện đại.

    Từ trái sang: Bác sĩ – nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện;  Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi; GS. Hoàng Ngọc Hiến; Nhà ngôn ngữ học - GS. Nguyễn Tài Cẩn; GS. Trần Đình Hượu.


    Có những chân dung là tiếng vọng xa xôi từ quá khứ, như các tác gia trung đại điển hình như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Công Trứ, được Đỗ Lai Thúy tái lý giải qua những cách tiếp cận mới, lần lượt bằng cái nhìn Phật giáo, tín ngưỡng phồn thực và người chơi. Các học giả, nhà văn hóa thế kỷ XX có ảnh hưởng lớn lao đến địa hạt nghiên cứu của mình, như Phan Ngọc, Trần Đình Hượu, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Nguyễn Khắc Viện, Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Cẩn, Từ Chi… Có những nhân vật thuộc về phong trào Thơ Mới, như Xuân Diệu, Huy Cận, Hoài Thanh.

    Và cũng có cả những trường hợp lạ. Một trí thức Tây học yêu nước đứng trước nghịch lý thời đại như Nguyễn Trường Tộ. Một thi nhân xứ Nghệ xê dịch từ Bắc vào Nam và đạt đến hiện đại như Thanh Tâm Tuyền. Một Thái Bá Vân đã minh định lằn ranh giữa lịch sử đại cương và lịch sử nghệ thuật. Một Nguyễn Khắc Dương tựu thành từ những xung đột văn hóa – tinh thần tôn giáo. Một Trương Đăng Dung lặng lẽ hành trình đến với những giới hạn của khoa học văn chương lẫn thi ca, đồng thời cũng là người Nghệ đương thời duy nhất trong cuốn sách.

    Những nhân vật trong Gừng xứ Nghệ, cho dù có thể đã được biết/ viết đến nhiều, nhưng dưới cái nhìn nghiêng của Đỗ Lai Thúy, lại cho thấy tầm vóc và cống hiến mới, và từ những kiến giải riêng dựa trên cơ sở khoa học của ông, được truy nguyên và phục hồi đúng vị thế của họ. Gừng xứ Nghệ, tuy không phải là một tổng tập hệ thống và liệt kê đầy đủ danh nhân văn hóa xứ Nghệ, nhưng chắc chắn, qua những phân mảnh quan trọng, cho thấy một dòng chảy văn hóa thường hiện và vẫn đang tuôn trào mạnh mẽ.  

    Bằng ngòi bút dung hòa nhuần nhuyễn giữa tính khoa học và tính văn chương, Đỗ Lai Thúy dẫn dắt người đọc đến với một xứ Nghệ tồn tại trong tâm thức và nhân cách con người, con người văn hóa.

    Phạm Minh Quân (Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/chan-dung-mot-vung-van-hoa-qua-gung-xu-nghe-34416.html).