0 

Cái tâm và cái tài ở tuổi hai mươi

[Dân Trí] Quý vị và bạn đọc đang có trên tay tuyển tập truyện ngắn và truyện vừa của nhà văn Phan Quang. Các tác phẩm trong tập truyện này đều đã công bố cách đây hơn nửa thế kỷ.

Khi ấy Phan Quang còn trẻ lắm. Ông mới đang ở lứa tuổi hai mươi. Tuổi thần tiên đẹp nhất của một đời người, mà ông gọi là “Tuổi hai mươi tím ngát”.

Kể cũng thú vị thật!

Bấy lâu nay, khi nhắc đến Phan Quang chúng ta vẫn hình dung ông là nhà báo lớn, nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Ông gánh vác nhiều trọng trách: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Phan Quang còn là một dịch giả nổi tiếng. Ông dịch khá nhiều. Nhưng đặc sắc nhất vẫn là tập bút ký giàu chất thơ “Những ngôi sao ban ngày” của nữ thi sĩ Olga Berggoltz và đặc biệt là kiệt tác “Nghìn lẻ một đêm”. Đã có nhiều người dịch “Nghìn lẻ một đêm” nhưng Phan Quang vẫn là người dịch hay nhất, chuẩn nhất. Và cho đến nay, vẫn chưa có bản dịch nào vượt qua nổi bản dịch tuyệt vời của ông. 

Nhà báo Phan Quang.

Phan Quang là cây bút vạm vỡ và đa tài. Cũng chính vì sự đa tài ấy mà ông lại tự che khuất ông. Bởi thế không ít bạn đọc chỉ biết một Phan Quang nhà báo, Phan Quang dịch giả mà quên mất Phan Quang còn là một nhà văn. Ông viết văn còn sớm hơn cả viết báo và dịch sách.

Trong bếp núc văn chương, thường có sự thật này: Có tác phẩm rất khó đọc. Nhưng sau đọc lại thích. Càng hiểu biết, từng trải, đọc càng thích. Ngược lại, có những tác phẩm mới đầu đọc thích nhưng sau thấy nhạt, rồi không đọc lại được nữa.

Xuân Diệu cũng đã bàn về hiện tượng này. Ông gọi nôm na là chuyện “vặt lông vịt”. Ra chợ thấy con vịt to xù cứ tưởng vịt ngon, vịt béo. Về vặt hết lông đi, mới biết toàn xương xẩu, lại gày nhom, chỉ bé bằng một chét tay.

Ngược lại có con vịt ướt nhẹp, dính bết lông, cứ tưởng gày, nhưng khi làm sạch lông, lại thấy nó to xù, béo múp. Hoá ra đó mới đúng là con vịt ngon. Cũng theo Xuân Diệu, thời gian chính là “người vặt lông vịt” công tâm nhất, tỉnh táo nhất. “Một tác phẩm nào sống được đến 50 năm, thì có thể xem như nó có sức sống vĩnh viễn!”.

Đấy là cách tính của Xuân Diệu, trong thời của Xuân Diệu. Bây giờ ở xã hội hiện đại, thời 4.0, 5.0, những giá trị giả lụi tàn nhanh lắm. Có khi ra năm trước, năm sau đã lụi tàn rồi. Thật có lý khi có nhà phê bình văn học bảo: “Bây giờ, một tác phẩm trụ được năm năm, đã có thể xem như nó bất tử! Vì nói như Xuân Diệu, nó đã thoát khỏi nạn thời gian ô xi hoá”.

Những truyện ngắn, truyện vừa trong tập tuyển này, Phan Quang viết cách đây đã lâu, không phải 5 năm, 50 năm, mà còn lâu hơn nữa.

Khi ấy đang kháng chiến chống Pháp gian khổ, còn những chuyện Tây càn, còn phong trào bình dân học vụ, nghe cứ xa lăng lắc như thời cổ tích, lại ở một không khí khác, tâm thế khác, tâm lý người Việt lúc ấy cũng khác, lại còn qua bao nhiêu biến thiên, bây giờ là một cuộc sống lại khác hoàn toàn, nhiều giá trị tưởng bất biến, không đổi mà cũng đã thay đổi.

Đấy chính là những trở ngại, những thách thức không nhỏ đối với sáng tác của Phan Quang ở tuổi hai mươi. Vậy mà không ít truyện của Phan Quang viết vào tuổi hai mươi vẫn rất ấm nóng, vẫn tươi nguyên hơi thở như nó vừa mới ra đời. Và rồi bằng sức sống của nó, nó cũng đã làm sống lại cả một thời gian khó qua đã lâu rồi.

Vậy bí kíp của Phan Quang là gì?

Truyện của Phan Quang, dù chỉ phong phanh có một vốc chữ, hay dung lượng có thể lớn hơn một chút mà ông gọi là truyện vừa, thì cũng đều giống nhau ở một điểm này: Truyện của Phan Quang hầu như không có chuyện. Hoặc nếu có cốt chuyện thì cốt truyện cũng đơn giản, chẳng có gì lắt léo, ly kỳ để tạo nên sự hấp dẫn.

Một anh cán bộ đi công tác sớm, dừng chân bên bếp lửa nhà dân, sưởi một chút rồi tiếp tục đi. Chẳng có gì khác ngoài chút tình dân và bầu không khí kháng chiến. Chuyện “Bên phá Tam Giang” hay chuyện “Vô du kích” cũng vậy. Kể lại rất nhạt, mà tóm tắt lại càng nhạt hơn vì chẳng có gì để nói, thế mà Phan Quang vẫn dựng được thành một cái truyện xinh xẻo, ấm áp.

Đọc Phan Quang, nhiều lúc tôi cứ phải dừng lại, muốn tìm một bí mật gì đó ở đằng sau những con chữ cũng rất bình dị, rồi lại tự tìm cách lý giải: Vậy cái gì đã làm nên sức sống trong các trang văn của Phan Quang? Có lẽ là cái tình. Cái tình rất chân thật. Cái mà cụ Nguyễn Du gọi là Chữ TâmChữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Nhưng không phải chỉ có Tâm đâu. Còn cả cái Tài nữa chứ. Không có Tài thì chẳng có gì hết. Chính cái Tài đã làm nên duyên văn, giữ cho trang văn không nhạt. Và chỉ thế thôi cũng đủ để ta mừng cho bác Phan Quang rồi.

Xin chúc mừng nhà văn Phan Quang đang trở lại “Tuổi hai mươi tím ngát” khi ông không còn ở cái tuổi hai mươi mà đã quá tuổi chín mươi. Cầu mong cuốn sách sẽ làm bạn đọc cùng tác giả trẻ lại. Và tôi tin, rất tin, cuốn sách sẽ được bạn đọc yêu thích!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
Viết bình luận