-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Bốn cuốn sách của nhà văn Đỗ Bích Thúy
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - 14 April 2021
20 năm sống và làm việc ở Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 21 cuốn sách. Tới đây, chị tiếp tục giới thiệu tới độc giả bốn tác phẩm đều do NXB Văn học và Liên Việt ấn hành: tiểu thuyết “Người yêu ơi”, tập tản văn “Thương nhau như người thân” in lần đầu; cùng với tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” và tiểu thuyết “Bóng của cây sồi” tái bản.
1/Với bốn tác phẩm này, cùng tập “Tôi đã trở về trên núi cao”, nữ nhà văn mong muốn sẽ trở thành bộ sách cùng một khổ (15,5 cm x 23,5 cm), thuận tiện cho người đọc trong việc lưu giữ, bày đặt bộ sách trên giá. Bìa của bốn cuốn sách đều do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế. Riêng tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” ngoài in 2.000 bản thường thì còn thêm 100 bản đặc biệt được đánh số từ 1 - 100. Bản đặc biệt có các minh họa trên giấy dó của họa sĩ Lê Thiết Cương, các bản viết tay của tác giả. Thay vì in, phần tranh bìa và tên tác giả, tác phẩm được thêu trên vải lanh bọc bìa cứng. Bìa áo được in bằng giấy mỹ thuật chất lượng cao. Sự kết hợp hội họa và văn chương hứa hẹn mang đến nét khác biệt, xuyên suốt một phong cách mỹ thuật tối giản, tinh tế và sang trọng.
2/“Bóng của cây sồi” là tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Bích Thúy. Bối cảnh câu chuyện được lấy từ chính ngôi làng Tày mà chị sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Tiểu thuyết mang trong đó sự đắm đuối với văn hóa Tày và cả niềm nuối tiếc khi một vùng đất tuyệt đẹp dần dần biến mất vì sự xâm lấn của văn minh vật chất. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của người Dao ở thung lũng Lao Chải - nơi có rất nhiều sồi, sồi mọc khỏe khoắn và kiêu hãnh từ rừng đại ngàn trở ra cho đến sát với những nương đồi trồng lúa và sắn. Sồi là một phần cuộc sống của Lao Chải. Tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” có truyện ngắn cùng tên từng được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng phim “Chuyện của Pao” - giành Giải Cánh diều vàng năm 2005. Đây là một trong những tập truyện ngắn được bạn đọc yêu thích nhất của Đỗ Bích Thúy, bao gồm những tác phẩm chị viết gần như liên tục trong khoảng ba năm kể từ sau khi đoạt Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1998 - 1999) 21 truyện ngắn trong tập truyện này của Đỗ Bích Thúy đưa người đọc trở về thiên nhiên Tây Bắc thật lộng lẫy.
Tiểu thuyết “Người yêu ơi” được viết sau khi tác giả đã hoàn thành kịch bản điện ảnh cùng tên, đang chờ được đưa vào sản xuất. Việc viết tiểu thuyết sau khi viết kịch bản dường như là một việc làm “ngược” so thông lệ. Nhà văn cho rằng, viết cái gì trước cái gì sau không quan trọng. Quan trọng là ở mỗi thể loại chị có thể thực hiện những ý đồ khác nhau. Có những điều chỉ kịch bản làm được, có những điều chỉ văn học làm được. Và đó là lý do mà đã có kịch bản điện ảnh rồi chị vẫn muốn viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết mới có thể thỏa mãn nhiều ý đồ khác của nhà văn mà kịch bản thì không thể. Bạn đọc đã từng ấn tượng với sự dữ dội của “Chúa đất”, với nỗi đau đớn, tuyệt vọng trong “Lặng yên dưới vực sâu”, thì ở tiểu thuyết “Người yêu ơi”, Đỗ Bích Thúy mang tới một nỗi buồn sâu thẳm, nhưng không tuyệt vọng. Nhà văn từng nói rằng: “Người ta không chỉ cần phải biết là mình đang có gì, mà còn phải biết là mình đang không có gì trong cuộc đời”. Đỗ Bích Thúy, sau năm cuốn tiểu thuyết đã in, cuốn thứ sáu vẫn được dành để viết về tình yêu - nỗi khát khao lớn nhất của con người.
Còn “Thương nhau như người thân”, là tập tản văn, tùy bút - thể loại mà Đỗ Bích Thúy rất đắm đuối. Chị từng nói, giữa hư cấu và phi hư cấu thì sự khác biệt lớn nhất chính là góc nhìn, từ trong ra và từ ngoài vào. Tản văn, tùy bút là cái nhìn từ bên ngoài vào bên trong bản thân, là cái cảm xúc chân thực nhất liên quan tới bản thân tác giả. Thể loại này biểu lộ gần như tuyệt đối, một cách trung thực và gan ruột, quan niệm của tác giả về đời sống, sinh động và đầy cảm xúc, chân thực và hấp dẫn, dễ đồng cảm và mang đến sự tin cậy… “Thương nhau như người thân” gồm nhiều bài viết được tác giả ghi lại sau những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, hoặc chỉ là sự cảm nhận giản dị trong trạng thái điềm tĩnh về cuộc sống. Cuốn sách này không chỉ có các bài viết mà còn in kèm rất nhiều những bức ảnh do tác giả chụp.
3/Thế mạnh của Đỗ Bích Thúy là viết về đề tài miền núi, đặc biệt là mảnh đất Hà Giang nơi chị đã sinh ra và lớn lên. Mảnh đất mà lúc nào chị cũng bận tâm và suy nghĩ nhất mỗi khi ngồi trước trang giấy. Việc ra mắt bốn cuốn sách trong một thời điểm, được một họa sĩ thiết kế mỹ thuật, theo một tinh thần thống nhất sẽ giúp độc giả có thêm sự so sánh đối chiếu, thấy rõ những đổi thay của tác giả sau nhiều năm cầm bút. Từ đó cảm nhận nét sâu đằm trong văn chương của nhà văn Đỗ Bích Thúy sau 20 năm “cày xới trên thửa ruộng ít người đi qua”.
Hà Dương (Nguồn: https://nhandan.com.vn/baothoinay-vanhoavannghe/bon-cuon-sach-cua-nha-van-do-bich-thuy-640255/?fbclid=IwAR2IBn6_lI9SEFN8wUpKLHYVGuHgg-RrpzsX2FuBbnf0aGmdJEOcSG3NOXQ)