0 

Biến vết thương thành sức mạnh

Tập tiểu luận - phê bình “Sức mạnh của vết thương” (NXB Văn học, cuối năm 2021) là tác phẩm mới nhất của nhà phê bình Hoàng Thụy Anh. Tác giả đã tìm tòi, phát hiện những vỉa tầng lấp lánh trong tác phẩm văn học của 24 nhà văn, nhà thơ có đóng góp cho văn đàn, như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Quang Đạo, Nguyễn Việt Chiến, Mai Nam Thắng, Hồ Minh Tâm… 

Viết về trường ca “Phồn Sinh” của Nguyễn Linh Khiếu, Thụy Anh chia sẻ, đồng cảm được với triết lý truyền sinh của tác giả trường ca. Qua cách nhìn mới mẻ, Thụy Anh phản ánh vẻ đẹp cảm xúc, ngôn ngữ trong tập “Mùa hoa anh nói” của Trương Anh Tú. Chị cũng nhìn ra vẻ đẹp trong những trang văn óng ánh, đầy sức sống của các nhà văn đang sung sức như Niê Thanh Mai, Trương Anh Quốc, Đỗ Bích Thúy…

Với giới nghiên cứu, phê bình, không có một ba rem cụ thể nào để chỉ ra được cái hay, cái còn hạn chế của tác phẩm. Mỗi tác phẩm luôn có một khuôn mặt riêng. Mỗi người viết phê bình đều có cái “gu” riêng. Nhưng đối với người viết phê bình chuyên nghiệp, anh ta luôn biết rõ hướng đi, cách thức bóc tách tác phẩm. Trên cơ sở vốn kiến thức, tư duy có thẩm mỹ cao, tinh nhạy và bản lĩnh, anh ta sẽ đọc, thưởng thức trước, sau đó phân tích, mổ xẻ, phát hiện và đưa ra các nhận định. Có như vậy, những kiến giải về giá trị khi thưởng thức cũng như thiếu sót từ những hạt sạn mới tạo được độ tin cậy, thuyết phục. Hoàng Thụy Anh chia sẻ: “Chỉ ra cái hay, cái dở trong mỗi tác phẩm sáng tạo là trách nhiệm của người viết phê bình. Nhưng trách nhiệm ấy chưa đủ, người viết phê bình cần phải cổ vũ, thúc đẩy tác giả, vì bản chất của văn học là hành trình liên tục kiếm tìm và thử nghiệm”.

Người ta sinh ra đã cô đơn, đã khổ đau, đã gánh chịu ít nhiều tinh thần ấy ngay trong đời sống. Kể cả khi chúng ta vượt qua, chúng ta cũng không thể nào lẩn tránh, bôi xóa. Thụy Anh xem nỗi khổ đau, sự cô đơn là “ẩn ngữ của cám dỗ”. Bởi, nó không hề dồn ép chị vào vòng vây của sự tù hãm. Ngược lại, chị được sống, trải nhiều hơn với chiều sâu của bản ngã, nghiệm sinh về thân phận, tình yêu, lẽ sống. Từ đó, biến đổi vết thương thành sức mạnh, động lực. Hoàng Thụy Anh tâm sự: “Không riêng gì tôi, hẳn bạn và nhiều văn nghệ sĩ khác cũng thế, đều xem sự cô đơn, nỗi khổ đau là tài sản tinh thần. Và đó là lý do vì sao tôi đặt nhan đề tập sách vừa xuất bản là “Sức mạnh của vết thương”.

Nhà phê bình có thể phát hiện tài năng văn học. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn hoàn toàn. Vì, tùy thuộc vào độ đam mê, nhiệt huyết, sự chăm chỉ đọc và viết của người phê bình nữa. Nhưng chắc chắn, nhà phê bình như Hoàng Thụy Anh, thông qua “Sức mạnh của vết thương” đã có thể đồng hành với mạch cảm xúc của nhiều người sáng tác, phát hiện ra những vỉa tầng trong bề sâu tác phẩm. 

Khen hay chê một tác phẩm văn học là điều khó, nhưng người làm phê bình có thể đồng hành, gợi mở để giúp người sáng tác có thêm động lực trong hành trình gian khổ còn khó hơn. Hoàng Thụy Anh là người làm được điều đó.

Hải Miên (Nguồn: https://nhandan.vn/baothoinay-vanhoavannghe-docsach/bien-vet-thuong-thanh-suc-manh-685739/).